Chết dở khi mua đất ở cụm công nghiệp Hoàng Gia Long An

Cụm công nghiệp Hoàng Gia Long An- nơi 7 doanh nghiệp đang “mắc kẹt” vì mua đất.
Cụm công nghiệp Hoàng Gia Long An- nơi 7 doanh nghiệp đang “mắc kẹt” vì mua đất.
TPO - Sau khi mua đất và xây dựng nhà xưởng sản xuất tại cụm công nghiệp Hoàng Gia Long An (CCN HGLA) ở xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, 7 doanh nghiệp ở TPHCM lao đao khi chủ đầu tư mang những phần đất đã bán cho họ đi thế chấp ngân hàng.

Bán xong, lại mang thế chấp

Theo đơn kêu cứu của 7 doanh nghiệp tại CCN HGLA (gồm có cty TNHH TM-SX Nệm mousse Liên Á (Cty Liên Á), DNTN TM Phước Tân, CSSX Văn Minh, CSSX Hồng Chung, DNTN Thép không rỉ Hải Sơn, DNTN Duy Mỹ, DNTN Tuấn Tiến), từ năm 2005 đến 2007, các doanh nghiệp này đã mua đất CCN HGLA của Cty TNHH Hoàng Gia Long An để xây nhà xưởng sản xuất. Các doanh nghiệp này đã thanh toán tiền cho HGLA từ rất lâu nhưng vẫn không được cấp giấy chủ quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ).

Theo đó, năm 2007 Cty Liên Á nhận chuyển nhượng 30.814m2 đất từ HGLA và đã thanh toán 100% cho đơn vị này. Cty Liên Á đầu tư xây nhà bảo vệ, làm tường rào kiên cố, trồng nhiều cây xanh và xây dựng nền móng xưởng, đầu tư xây dựng hạ tầng, hệ thống dẫn thải đảm bảo môi trường theo chỉ đạo của UBND Tỉnh. 

Trong khi đó, năm 2005, DNTN Tuấn Tiến nhận chuyển nhượng 13.205m2 đất và thanh toán 90% cho HGLA, đã xây dựng nhà máy, được cấp giấy đăng ký kinh doanh và đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa có GCN QSDĐ. Cùng thời điểm, Cơ sở sản xuất Văn Minh và Hồng Chung mua tổng cộng 2 thửa là 6.264m2, trị giá 144 cây vàng SJC trong CCN HGLA. Từ đó đến năm 2007, ông Văn Minh, đại diện 2 cơ sở nói trên đã thanh toán 3 đợt với tổng cộng 160 cây vàng SJC, dư 15 cây vàng so với hợp đồng. Cty HGLA hứa trong thời hạn 7 ngày sẽ có GCN QSDĐ nhưng đến nay không thấy.

Tìm hiểu về sự lần lữa này, 7 doanh nghiệp đã phát hiện ra cùng một thửa đất đã chuyển nhượng cho các doanh nghiệp tại phòng công chứng số 4 (PCC) tỉnh Long An thì HGLA lại mang đi thế chấp tại ngân hàng Techcombank, chi nhánh Chợ Lớn vào năm 2008 và PCC số 4 tỉnh Long An tiếp tục công chứng lần 2 cho hợp đồng thế chấp này. Trong khi, nguyên trưởng PCC số 4 tỉnh Long An đã làm bản tự khai tại Tòa: “Tất cả các hợp đồng chuyển nhượng giữa Hoàng Gia Long An với các doanh nghiệp như Tuấn Tiến, Phước Tân, Liên Á , Hải Sơn, Văn Minh, Hán Chung... là đúng trình tự thủ tục pháp luật, thời điểm công chứng, đất không bị thế chấp cho ai khác”.

Ngày 11/7/2016, UBND tỉnh Long An có công văn số 2549/UBND-KT chỉ đạo các sở, ban ngành của tỉnh triển khai thực hiện gấp việc cấp GCN QSDĐ trong CCN HGLA. Các doanh nghiệp cho rằng, mặc dù nợ vay ngân hàng không trả nhưng HGLA vẫn đang lén lút chuyển nhượng đất trong CCN HGLA và có dấu hiệu tẩu tán tài sản.

Bản án sơ thẩm nhiều “uẩn khúc”

Ngày 28/9/2015, TAND tỉnh Long An khi xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp giữa các doanh nghiệp trong CCN HGLA với HGLA và ngân hàng Techcombank- Chi nhánh Chợ Lớn, ra bản án số 18/2015 với nhiều điểm bất hợp lý. Tòa tuyên hủy hết hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa các doanh nghiệp với HGLA đã được công chứng tại PCC số 4 tỉnh Long An, buộc các doanh nghiệp phải giao trả lại cho HGLA toàn bộ diện tích đất đã nhận chuyển nhượng.

Sau đó, Viện KSND tỉnh Long An đã có quyết định kháng nghị số 138/QĐKNPT ngày 12/10/2015. Theo VKS: “Các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu công nhận HĐCN QSDĐ giữa các nguyên đơn với Công ty HGLA và hủy các hợp đồng thế chấp tài sản giữa Ngân hàng TMCP Techcombank  - Chi nhánh Chợ Lớn với Công ty HGLA là có cơ sở xem xét. Án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, tuyên xử hủy các HĐCN QSDĐ giữa Công ty HGLA với các nguyên đơn là không phù hợp với tình tiết khách quan của của vụ án và chưa đúng theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/NQ/HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Chính vì vậy Viện KSND tỉnh Long An đã đề nghị TAND cấp cao tại TPHCM xét xử vụ án phúc thẩm dân sự trên theo hướng hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung”.

Trước đó, trong KCN Tân Đức ở tỉnh Long An cũng có một thửa đất công chứng hai lần và ông Nguyễn Đình Ninh (nguyên trưởng PCC số 4) bị TAND Tối cao tại TPHCM xét xử 3 năm tù và cho hưởng án treo.

MỚI - NÓNG