Chây ì sửa quốc lộ tác hại tới quỹ bảo trì ra sao?

Tình trạng trồi sụt trên QL 5 chưa được khắc phục. Ảnh: Sỹ Lực
Tình trạng trồi sụt trên QL 5 chưa được khắc phục. Ảnh: Sỹ Lực
TP - Nhiều quốc lộ vẫn tiếp tục hằn lún, được cào gọt để tránh mấp mô rồi để đó trong thời gian dài. Các chuyên gia cảnh báo, nếu gần hết bảo hành, nhà thầu mới thảm đường kiểu “tráng men” rồi bàn giao sẽ đặc biệt nguy hiểm đối với nguồn vốn bảo trì đường do người dân đóng góp...

Sắp hết bảo hành, đường vẫn trồi sụt

Hiện nay, trên tuyến QL 5 cũ, đoạn tiếp giáp với Hải Phòng, người tham gia giao thông dễ dàng nhận thấy hiện tượng trồi sụt. Nhiều đoạn đường mấp mô, lún sâu hơn 10 cm. Tình trạng hằn lún theo rãnh dọc này nguy hiểm hơn đối với người đi xe máy; đặc biệt khi xe máy đi chung làn với container, xe tải lớn dày đặc, chạy rầm rập trên tuyến này.

Đi trên tuyến vào ban đêm mới thấy hết sự nguy hiểm của tình trạng hằn lún, chậm trễ sửa chữa. Không chỉ nguy hiểm do hằn lún, nhiều đoạn bị nhà thầu cào, gọt phần đỉnh trồi lên và thường cào luôn cả phần sơn trắng phân chia làn đường. Cách làm này khiến cho xe chạy không phân biệt được làn đường, dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Ông Đỗ Trọng Hiệp, Phó GĐ Ban Quản lý dự án 3 (Tổng cục Đường bộ), xác nhận: Đoạn tuyến nêu trên nằm trên 18 km, thuộc gói thầu số 9 và gói 10 của QL 5 (do liên danh Cienco1-Hall Brother thi công và gói  10 do Cty TNHH Infrasol thi công) theo công nghệ cào bóc, tái chế cách đây gần 3 năm.

Trước câu hỏi, việc để mặt đường trồi sụt hoặc cào gọt rồi để đó thời gian dài có nguyên nhân từ sự buông lỏng, ưu ái nhà thầu hay không, ông Hiệp nói rằng, Ban Quản lý đã liên tục đốc thúc các nhà thầu nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên chưa thể làm tổng thể. “Chúng tôi sẽ yêu cầu nhà thầu sửa triệt để vào cuối tháng 11 này và tháng 12”, ông Hiệp nói.

Đáng chú ý, thời hạn bảo hành của tuyến đường này chỉ còn 5 tháng (tháng 4/2017, dự án này hết bảo hành). Việc sửa chữa sát nút thời điểm hết bảo hành được nhiều chuyên gia cảnh báo sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khó lường.

“Trôi” bảo hành, ngân sách lãnh đủ?

Theo quy định, khi nhận bàn giao tuyến đường sau khi hết hạn bảo hành, đơn vị nhận bàn giao (với quốc lộ là Tổng cục Đường bộ) sẽ lập hội đồng đánh giá, khoan lấy mẫu để kiểm nghiệm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông (và một số cán bộ thuộc Bộ GTVT) khẳng định, tình trạng hằn lún rất phức tạp (Bộ GTVT từng liên tục mở các hội thảo để làm rõ), việc khoan lấy mẫu, phân tích thành phần kết cấu không thể trả lời được câu hỏi đường sau khi nhận bàn giao có bị hằn lún tiếp hay không. Chính vì vậy, nếu đường được sửa chữa cận thời điểm hết bảo hành sẽ khó kiểm soát chất lượng; xảy ra hư hỏng sẽ tốn nhiều chi phí (lấy từ quỹ bảo trì đường bộ) để sửa chữa.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (cơ quan cấp trên của Ban Quản lý dự án 3), cho hay: Tổng cục đã có chỉ đạo, các nhà thầu phải sửa chữa và thử thách mặt đường trước khi hết hạn bảo hành 1 năm.

Một lãnh đạo cấp Cục thuộc Tổng cục Đường bộ cũng đồng tình với cách xử lý của Tổng cục Đường bộ. Tuy nhiên, vấn đề là quy định đó có được thực hiện nghiêm hay không. “Không có thí nghiệm nào kiểm soát được đường sau khi sửa có hằn lún hay không. Chỉ có thời gian xe chạy thực tế mới kiểm nghiệm được. Vì vậy, việc yêu cầu thực hiện sửa chữa sớm là yếu tố quyết định”, vị này nói.

Ngoài sửa chữa nhỏ, trên QL 1A vừa qua có nhiều đoạn tuyến nhà thầu phải làm lại gần như hoàn toàn. Có đoạn vừa sửa xong đã hỏng, rồi cào gọt để nguyên trong thời gian dài (như đoạn QL 1A qua tỉnh Ninh Bình). Câu hỏi đặt ra, đối với những đoạn tuyến làm lại hoàn toàn này (coi như đổi sản phẩm đường đã bán cho Nhà nước), thời hạn bảo hành có được kéo dài, tính lại từ đầu hay không? Ông Huyện nói rằng, hiện chưa có quy định về vấn đề này.

Trong khi đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: Thời gian thực hiện bảo hành không tính vào thời hạn bảo hành hàng hóa. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa thay thế linh kiện, phụ kiện hoặc đổi hàng hóa mới thì thời hạn bảo hành được tính từ thời điểm thay thế linh kiện, phụ kiện hoặc đổi hàng hóa mới.

Một lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ (đề nghị giấu tên) cho rằng: “Với các dự án cào bóc và thảm lại mặt đường quốc lộ, Tổng cục Đường bộ đang quy định thời hạn bảo hành tối thiểu 2 năm. Vì vậy, các đoạn sau khi hoàn thành mà phải cào bóc, làm lại mặt đường cũng phải tính tiếp thời gian bảo hành sau 2 năm”.

Theo khảo sát của Tiền Phong, tình trạng sửa chữa không triệt để, cào bóc rồi để đó đang xảy ra ở nhiều đoạn tuyến, trong đó có QL 1 – tuyến đường vừa trải qua đợt mở rộng quy mô lớn. Một số đoạn tuyến còn thời gian bảo hành không lâu. Nhiều lãnh đạo, cán bộ thuộc các cục quản lý đường bộ, chủ đầu tư dự án BOT cho rằng, nếu không có giải pháp quyết liệt, sau khi các tuyến đường “trôi” bảo hành, quỹ bảo trì đường bộ sẽ khó thoát tình trạng bội chi, thậm chí là vỡ quỹ.

Trả lời phóng viên Tiền Phong, một cán bộ có thẩm quyền thuộc Bộ Xây dựng cho hay, thời hạn bảo hành công trình giao thông được Chính phủ quy định cho từng cấp đường, cụ thể hóa trong từng hợp đồng. “Hằn lún đường có thể do xe quá tải, do kỹ thuật thi công. Nếu vì lý do kỹ thuật, đường vừa được nhận bàn giao mà nhanh chóng hỏng hóc, tốn kém kinh phí bảo trì là trách nhiệm của đơn vị nhận bàn giao”, vị này nói.

MỚI - NÓNG