'Chạy' điểm vào đại học: Lợi dụng kẽ hở chính sách để trục lợi

'Chạy' điểm vào đại học: Lợi dụng kẽ hở chính sách để trục lợi
Những chính sách mà Bộ GD-ĐT đặt ra nhằm đào tạo nhân lực cho các khu vực khó khăn đầy kẽ hở để người khác trục lợi trên thí sinh.

Đào tạo theo nhu cầu của địa phương 

Bộ chỉ cho phép một số trường có uy tín và chất lượng đào tạo theo diện này. Tuy nhiên các trường có thể lợi dụng quyền “tự chủ” để thực hiện sai chủ trương. Bộ sẽ thanh tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH

Theo thông tin từ Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), từ năm 2012 Bộ có chủ trương đào tạo nhân lực cho các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ (3 Tây) để phục vụ việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương và của vùng.

Bộ đã phối hợp với Ban Chỉ đạo 3 Tây và UBND các tỉnh trong vùng thí điểm tổ chức tuyển sinh đào tạo theo nhu cầu của địa phương.

Để ưu tiên những đối tượng này, Bộ cho phép được xét tuyển những thí sinh dự thi kỳ thi tuyển sinh chính quy do Bộ tổ chức có kết quả từ điểm sàn trở lên (đúng như đối tượng mà bà Oanh nhận chạy trường và thông báo tuyển sinh rộng rãi).

Đến năm 2013, Bộ cho phép điểm xét tuyển cho thí sinh đăng ký vào ngành của các trường đào tạo thấp hơn 2 điểm so với điểm trúng tuyển nguyện vọng 1.

Điều kiện đặt ra là thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 36 tháng trở lên ở tỉnh thành trong khu vực, có nguyện vọng và cam kết sau khi tốt nghiệp về làm việc tại địa phương.

Đại diện Vụ Giáo dục ĐH cũng cho biết, trên cơ sở nhu cầu thực tế của các địa phương, Bộ sẽ xem xét giao nhiệm vụ cho các trường có đủ năng lực tổ chức đào tạo. Đến năm 2013, Bộ điều chỉnh chủ trương, để các địa phương tự liên hệ với các trường (do Bộ chỉ định) thống nhất chỉ tiêu và ngành nghề đào tạo, sau đó trình Bộ phê duyệt.

Đại diện Vụ Giáo dục ĐH khẳng định, quy định tuyển chọn của Bộ rất chặt chẽ. Hội đồng xét tuyển do chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định thành lập, bao gồm đại diện lãnh đạo UBND tỉnh làm chủ tịch hội đồng, thành viên là sở GD-ĐT, một số sở - ngành liên quan và đại diện các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Hội đồng xét tuyển của tỉnh phê duyệt danh sách thí sinh xét tuyển theo nhu cầu nhân lực của tỉnh, báo cáo ban chỉ đạo và Bộ xem xét quyết định.

Tuy nhiên, chủ trương này hiện đã bị lợi dụng để trục lợi từ thí sinh. Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, danh sách các trường được Bộ cho phép đào tạo nguồn nhân lực cho 3 Tây hầu hết đều xuất hiện trong thông tin tuyển sinh của đơn vị do bà Oanh tự nhận là giám đốc.

Các kẽ hở

Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Công an xác minh

Liên quan đến loạt bài “Chạy” điểm vào đại học mà Báo Thanh Niên phản ánh, tối 23.9, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã ký công văn gửi Cục An ninh chính trị nội bộ (A83 - Bộ Công an) đề nghị phối hợp xác minh, xem xét xử lý nghiêm những sai phạm theo quy định của pháp luật.

Các trường ĐH được Bộ giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho các tỉnh khu vực 3 Tây đều là những trường ĐH lớn, có mức điểm đầu vào cao. Tuy nhiên, đối tượng được thụ hưởng chính sách này lại được phép có mức điểm thấp hơn nên các đơn vị tham gia dễ lợi dụng để cho vào trường những thí sinh không đủ điểm chuẩn.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, khi hầu hết các trường ĐH đã kết thúc tuyển sinh thì Bộ mới có văn bản cho phép đào tạo theo địa chỉ sử dụng theo chỉ tiêu ngoài số đã xác định. Thời gian này, phần lớn các trường đã tuyển sinh xong.

Những thí sinh có điểm thi cao hầu hết đã trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Vậy nguồn tuyển theo diện này ở đâu ra trong khi trường mà các địa phương đề nghị đào tạo đều là những trường lớn, có mức điểm đầu vào cao?

Chẳng hạn năm nay, UBND tỉnh Hà Giang có công văn đề nghị Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh cho 18 trường ĐH, học viện để đào tạo cho tỉnh, trong đó có hầu hết các trường lớn như ĐH Bách khoa, Xây dựng, Học viện Tài chính, Học viện Ngoại giao, ĐH Kinh tế Quốc dân…

Những trường này hầu như đều có mức điểm chuẩn từ 20 trở lên, có những ngành tới 23,5. Như vậy, những thí sinh được tuyển theo diện này phải đạt khoảng 18 - 21 điểm mới có thể được xét tuyển. Với mức điểm như vậy, thí sinh cũng đã trúng tuyển vào các trường ĐH khác rồi, còn đâu mà xét tuyển.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Thạch, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, thừa nhận thực tế này khi cho rằng ông không thể xác định ở đâu ra nguồn tuyển.

Bộ quy định các cơ sở giáo dục phải công khai kết quả xét tuyển trên trang điện tử của trường nhưng theo khảo sát của chúng tôi, nhiều trường đã không công khai danh sách này.

Đối với các địa phương, Bộ cũng yêu cầu phải công khai thông tin tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng thực tế điều này chưa thực hiện tốt nên thí sinh không thể biết.

Ông Thạch cũng cho biết chỉ công khai thông tin ở UBND các huyện và các phòng GD-ĐT. Điều này dẫn đến thực tế có thể nhiều thí sinh đáp ứng yêu cầu của việc tuyển chọn nhưng do không biết thông tin nên sẽ bị các đối tượng “chạy” trường trục lợi.

Đó là chưa nói, có những thí sinh không đúng đối tượng vẫn có thể trúng tuyển theo diện này khi mà việc tuyển sinh thông qua một “đơn vị nào đó” như cách làm của Trường ĐH Điện lực mà chúng tôi đã phản ánh.

Bộ quy định chi phí đào tạo theo diện này do địa phương và người học chi trả trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan. Trong khi đó, các trường thông báo là học phí xây dựng trên cơ sở đảm bảo chất lượng theo quy định hiện hành.

Theo giải thích của Bộ thì có thể địa phương phải trả chi phí cho những đối tượng được cử đi học. Tuy nhiên, khi thực hiện thì quy định này đã bị biến tướng, người học đã phải chấp nhận chi phí “theo thỏa thuận” của các đơn vị tuyển sinh.

Ông Bùi Đức Hiền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Điện lực, cho biết: “Người ta (các đơn vị đi xin đào tạo - PV) có nhu cầu thì có cách thức của người ta, họ phải nộp học phí tăng thêm cho mình nhưng thông thường là họ thu từ học sinh thôi”.

Do không công bố công khai thông tin cho thí sinh nên một số trường không thuộc diện được Bộ giao nhiệm vụ đào tạo cũng “ăn theo” để trục lợi.

Trong danh sách mà Bộ cung cấp cho chúng tôi về các trường thuộc diện được giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho 3 Tây năm 2013 thì không có tên một số trường như ĐH Điện lực và một số trường khác nữa nhưng đường dây “chạy” điểm cho thấy có nhiều trường tuyển sinh theo kiểu này.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, nói Bộ chỉ kiểm soát trên chỉ tiêu của các trường, nếu có trường thiếu chỉ tiêu mà hợp thức hóa các đối tượng như vậy thì cũng khó phát hiện.

Bà Phụng nhấn mạnh: “Bộ chỉ cho phép một số trường có uy tín và chất lượng đào tạo theo diện này. Tuy nhiên các trường có thể lợi dụng quyền “tự chủ” để thực hiện sai chủ trương. Bộ sẽ thanh tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Xem xét lại chính sách đào tạo

Việc thu hút nguồn nhân lực về phục vụ địa phương phải thực hiện ở chính sách sử dụng chứ không phải là chính sách đào tạo. Bởi hiện nay ở hầu hết các tỉnh thuộc khu vực 3 Tây đều có đề nghị đào tạo hàng trăm chỉ tiêu cho mỗi tỉnh, trong khi chưa có một cơ chế rõ ràng cho việc sử dụng.

Đó là chưa nói các địa phương cứ đề nghị theo nhu cầu còn thiếu của địa phương mình mà không tính đến nguồn nhân lực hiện đang được đào tạo theo quy hoạch chung của quốc gia.

Nếu địa phương nào cũng đào tạo để về địa phương đó phục vụ thì những thí sinh không thuộc diện đào tạo này trong tương lai sẽ làm việc ở đâu.

Theo Minh Anh

Theo Thanh niên
MỚI - NÓNG