“Chạy” chỉ tiêu ngân sách

TP - “Tôi nói thật, tuy chưa nghiên cứu nhiều nước, nhưng tôi thấy không ở đâu xài tiền tùy tiện như ở nước ta” - ĐB Trần Du Lịch (Phó trưởng đoàn ĐB TP Hồ Chí Minh) mở đầu phát biểu tại phiên thảo luận tổ về Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) sửa đổi chiều qua, 29/10.

ĐB Lịch cho biết, ông rất kỳ vọng Luật sửa đổi sẽ đổi mới căn bản quy trình thiết lập ngân sách, công bố ngân sách, kiểm toán và tuân thủ để đảm bảo kỷ cương sử dụng ngân sách hiệu quả. Tuy nhiên, ông tỏ ra thất vọng, vì Luật sửa đổi không có nhiều thay đổi so với luật hiện hành, vẫn tồn tại cơ chế lồng ghép ngân sách địa phương và trung ương.

Trên tinh thần Hiến pháp, phải bớt lồng ghép, tăng trách nhiệm chính quyền địa phương cho minh bạch. Nhưng định nghĩa về ngân sách địa phương không ổn, không biết phải hiểu ngân sách địa phương theo nghĩa gì. Địa phương nào muốn năm sau được chi nhiều thì chạy chỉ tiêu cho hết phần chi trước đó mà không cần tính tới thu được bao nhiêu.

Ngân sách địa phương phải phân định rõ các nguồn thu theo luật định địa phương được thu; thứ hai là phần chi trong nguồn thu của địa phương, địa phương có quyền tự chủ với khoản tiền này.

Phần hỗ trợ của trung ương thì phải dành cho những khoản đầu tư, chi cho phát triển, giáo dục, y tế. Nhất định không được lấy khoản tiền hỗ trợ của trung ương dành cho địa phương đem đi xây trụ sở như vừa rồi ở nhiều nơi đã xảy ra. Cho nên phải định nghĩa lại ngân sách địa phương.

Từ phân tích đó, ĐB Lịch chỉ rõ một yêu cầu quan trọng khác trong phân bổ ngân sách: Việc phân bổ tỷ lệ ngân sách cho địa phương, nên thông qua bằng 2 kỳ họp Quốc hội: Kỳ họp đầu tiên vào giữa năm sẽ bàn thảo, mổ xẻ địa phương nào, ngành nào cần gì, hỗ trợ ra sao.

Tới kỳ họp cuối năm sẽ xem xét, cân đong rồi quyết định cụ thể. Địa phương nào cần ưu tiên, ngành nào cần hỗ trợ phải rõ ràng, minh bạch. Còn bây giờ, chúng ta thông qua khi mọi thứ đã an bài hết rồi. Muốn cắt cũng không biết cắt của ai, không biết thêm ai, thêm cũng không biết lấy nguồn đâu.

Đấy là nguồn gốc chạy chỉ tiêu ngân sách. Thêm nữa, ngân sách cấp nào thì cấp đó phải chịu trách nhiệm, không thể phân chia ngân sách rồi khoán trắng như hiện nay.

Chỉ rõ những hạn chế của dự thảo Luật NSNN sửa đổi, phân tích, lập luận bằng cái nhìn của một chuyên gia kinh tế, ĐB Lịch cho rằng, Luật NSNN lần này nên thay đổi lại quan điểm. Văn bản dự thảo luật lần này, dường như không đổi mới được gì, không giải quyết được vấn đề nợ công, tài chính công như hiện nay.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.