Chạy bộ, chuyện từ hồ Gươm đến Los Angeles

Anh Phạm Quang Tú với huy chương hoàn thành cự ly Marathon Los Angeles
Anh Phạm Quang Tú với huy chương hoàn thành cự ly Marathon Los Angeles
TPO - Phong trào chạy bộ trên cả nước đang ngày càng sôi nổi, lan tỏa tinh thần tích cực tập luyện, nâng cao sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần.

Trong hằng vạn chân chạy, có những trí thức tham gia chạy bộ với mục tiêu hành động cải thiện tầm vóc người Việt, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, nhân văn, như anh Phạm Quang Tú, người vừa được nhận huy chương hoàn thành cự ly marathon tại giải Los Angeles-Mỹ ngày 18/3/2018.     

+ Anh Phạm Quang Tú, điều gì đã khiến anh-một tiến sĩ, chuyên gia về “xây dựng chính sách phát triển bền vững cho Tây Nguyên” tham gia phong trào chạy bộ (runbiz)?

-Tôi năm nay 44 tuổi, sinh sống tại Hà nội. Khi bước qua ngưỡng tuổi 40, sức khỏe của tôi giảm sút, mà cơ thể lại tăng cân. Vì thế tôi muốn tham gia một môn thể thao nào đó vừa tăng cường sức khỏe lại giảm cân. Tôi đã thử một số môn như tennis, tập gym, cầu lông nhưng hiệu quả không cao. Từ tháng 8/ 2017, qua facebook tôi được biết nhóm “Chạy vì mình” và biết đến các giải chạy ở Việt Nam nên tôi chuyển sang tập chạy bộ, từ các vòng chạy quanh hồ Gươm, hồ Tây. Lúc đó, tôi vẫn chỉ nghĩ tham gia cho vui, cho khỏe và cố gắng tập luyện để tối đa có thể chạy liên tục khoảng 10km. Nhưng chỉ sau 7 tháng tập luyện, sức chạy của tôi tăng dần. Nay tôi đã tự tin đăng ký chạy marathon 42 km! Thật tuyệt!

Chạy bộ, chuyện từ hồ Gươm đến Los Angeles ảnh 1 Anh Tú trên đường chạy giải Khám phá Tây Hồ tháng 1/2018

+Theo anh, runbiz ở Việt Nam đang ở vị trí nào so với runbiz thế giới?

-Tôi thấy mới ở giai đoạn sơ khởi ban đầu! Theo một nghiên cứu vào cuối năm 2017 của trường đại học Stanford, Hoa Kỳ, thực hiện nghiên cứu ở hơn 100 nước trên Thế giới thì Việt Nam đứng trong 10 nước lười vận động nhất. Rất may, phong trào chạy bộ ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng trong vài năm trở lại đây. Nhiều câu lạc bộ, nhóm chạy được thành lập. Số lượng người tham gia tăng lên nhanh chóng và số lượng các giải đấu cũng được tăng lên đáng kể. Điều đáng mừng là những giải đấu truyền thống như giải Việt dã toàn quốc trước đây chỉ là nơi thi thố tài năng cho các vận động viên chuyên nghiệp, nay đã mở rộng cho cả hệ phong trào. Tôi nghĩ, đây sẽ là cú huých lớn cho việc phát triển phong trào chạy bộ ở Việt Nam.

+ Hẳn đường chạy mang đến cho anh thêm nhiều bạn bè thú vị?

- Tham gia cộng đồng chạy bộ giúp chúng ta có thêm nhiều suy nghĩ tích cực về con người và lối sống, đó là hình ảnh những người có kinh nghiệm hướng dẫn, chỉ bảo những người mới tập chạy. Chân chạy Phạm Duy Cường, người sáng lập câu lạc bộ “chạy vì mình” gần như là hàng tuần tổ chức các giải chạy miễn phí cho cộng đồng chạy bộ, hay như chân chạy Nông Văn Chuyền thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ thuật cho những người mới tham gia chạy bộ. Trên đường chạy, chúng ta có thể thấy rất nhiều hình ảnh về sự nỗ lực, ý chí vươn lên của những người quá cân khi tham gia chạy bộ để giảm cân, tăng cường sức khỏe, hay là ý thức về bảo vệ môi trường khi những người chạy đi thu gom rác sau mỗi giải chạy….

+ Anh ấn tượng với những chân chạy nào?

- Với các giải chạy phong trào, ở mỗi cự ly khác nhau đều có hình ảnh những chân chạy ấn tượng khác nhau. Ví dụ chân chạy Quang Trần ở Đà Nẵng, người Việt Nam đầu tiên vô địch cự ly 100km ở giải Vietnam Mountain Marathon năm 2017, lại vừa vô địch cự ly 70km giải Siêu marathon Đà Lạt cuối tuần trước. Hay các vận động viên Hùng Hải, vận động viên Cao Hà là những người chạy xuất sắc ở cự ly marathon và kể cả vận động viên Nông Văn Chuyền đến từ Cao Bằng, luôn giành thành tích cao ở các cự ly ngắn hơn như 10 và 21km. Hay các vận động viên nữ rất xuất sắc như Tiểu Đường và cô giáo dạy tiếng Anh Phương Thùy…

Đáng chú ý, tất cả các vận động viên này đều là những người bình thường, nghĩa là hàng ngày họ vẫn phải đi làm việc như bao người khác và chỉ tranh thủ tập luyện vào những lúc rảnh rỗi, chủ yếu là sáng sớm và tối.

Chạy bộ, chuyện từ hồ Gươm đến Los Angeles ảnh 2 Anh Tú về đích giải Long Biên Marathon tháng 10/2017

+ Cú huých nào giúp anh ngày càng say mê luyện chạy?

-Giải chạy đầu tiên mà tôi tham gia là Long Biên Marathon tổ chức vào tháng 10 hàng năm. Lúc đó, tôi chỉ mới dám đăng ký tham gia ở cự ly 5 km. May mắn, tôi được giải 3, như cú huých tinh thần cho tôi tập luyện nhiều hơn. Tôi cũng ấn tượng bởi các giải chạy do câu lạc bộ “Chạy vì mình” tổ chức, bởi nó được thực hiện theo nghĩa “người chạy tổ chức giải chạy”, mô hình đã và đang phát triển rất mạnh mẽ ở Nhật Bản. Các giải chạy này gần như miễn phí hoàn toàn cho người tham gia, mà bạn vẫn có cảm giác dự giải chạy đích thực với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người. Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là giải chạy Marathon Los Angeles, Hoa Kỳ, nơi tôi vừa hoàn thành cự ly marathon đầu tiên của mình.

+ Điều gì khiến anh tham gia giải chạy Marathon Los Angeles (LA)?

-Marathon LA hiện là giải chạy có quy mô lớn thứ 7 thế giới và lớn thứ 4 ở Mỹ, chỉ sau các giải chạy như Yew Jork, Boston, Berlin, London, Tokyo và Chicago. Tôi may mắn khi kết hợp chuyến công tác của mình ở Mỹ để tham gia giải chạy này và rất vui với lần đầu tiên hoàn thành cự ly marathon. Đây thực sự là một giải chạy ấn tượng cả về quy mô (có hơn 24.000 người tham dự), cách thức tổ chức và đặc biệt là các cổ động viên ở suốt dọc chiều dài hơn 42km đường đua. Có hơn 50 ban nhạc lớn nhỏ chơi ở dọc đường. Ngoài việc cấm đường hoàn toàn và cứ 1 dặm (tương đương 1,6km) ban tổ chức bố trí các điểm tiếp nước, vệ sinh cộng cộng và chăm sóc y tế, theo thống kê của Ban tổ chức có khoảng 6.000 người tình nguyện tham gia và hàng vạn người dân đổ ra đường để cổ vũ suốt chiều dài của chặng đua. Họ mang nước, hoa quả và bánh ra để hỗ trợ tiếp sức cho các vận động viên. Tôi đặc biệt ấn tượng với hình ảnh các em nhỏ đứng cạnh đường, vỗ tay và miệng luôn hô vang “cố lên, các vận động viên, bạn thật tuyệt vời, bạn có thể làm được!”.

Chạy bộ, chuyện từ hồ Gươm đến Los Angeles ảnh 3 Tham gia giải Los Angeles giúp anh Tú có thêm trải nghiệm và nhiều ý tưởng hỗ trợ hoạt động chạy bộ ở quê nhà

+ Khi được nhận chiếc huy chương hoàn thành cự ly marathon tại Los Angeles, anh nghĩ gì?

-Sau những phút rất mệt và vui, tôi nghĩ : Người chạy ở Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng, nhưng hiện đang thiếu người cổ vũ. Có lẽ tổ chức Đoàn nên phát huy vai trò ở  khía cạnh này, phát động phong trào thanh niên chạy bộ và cổ vũ phong trào chạy bộ ở Việt Nam, để thúc đẩy phong trào luyện tập sức khỏe, cải thiện tầm vóc người Việt, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, nhân văn.

Công việc chính của chuyến đi này của tôi là để dự hội thảo tại Washington DC. Tuy nhiên với cuộc chạy tại LA, tôi đã tận dụng cơ hội để được trải nghiệm. Dự tính thời gian tới tôi sẽ tham gia hỗ trợ một số nhóm chạy bộ ở VN, đặc biệt là nhóm "Chạy vì mình", chuyên tổ chức các giải chạy cho cộng đồng chạy bộ. Hỗ trợ bằng cách kêu gọi mọi người tham gia, tư vấn cho Ban tổ chức trên cơ sở kinh nghiệm khi tham gia giải LA vừa rồi. Tôi cũng đang liên lạc với một số anh chị em làm trong khối công tác xã hội, phi chính phủ để có thể tổ chức một giải chạy "CSO running for Development", nghĩa là "Các tổ chức xã hội chạy cho mục đích phát triển". Tôi cũng có ý tưởng phối hợp với UN, hoặc UNDP tổ chức giải "chạy vì các mục tiêu thiên niên kỷ".

- Cảm ơn anh

MỚI - NÓNG