Châu Phi thúc giục Tổng thống Putin chấm dứt xung đột ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 28/7, các nhà lãnh đạo châu Phi thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin xúc tiến kế hoạch chấm dứt xung đột ở Ukraine và gia hạn thỏa thuận quan trọng đối với châu Phi về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.
Châu Phi thúc giục Tổng thống Putin chấm dứt xung đột ở Ukraine ảnh 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Cộng hoà Trung Phi Faustin-Archange Touadera gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi tại St Petersburg ngày 28/7. (Ảnh: Tass)

Dù không chỉ trích việc Nga rút khỏi thoả thuận ngũ cốc Biển Đen, các lãnh đạo châu Phi phối hợp lập trường để đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ hơn đến nhà lãnh đạo Nga.

"Cuộc chiến này phải kết thúc. Và nó chỉ có thể kết thúc trên cơ sở công lý và lý trí", Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat nói với ông Putin và các nhà lãnh đạo châu Phi ở St Petersburg.

"Tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng và ngũ cốc phải chấm dứt ngay lập tức. Thỏa thuận ngũ cốc phải được gia hạn vì lợi ích của tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là người châu Phi", ông Mahamat nói.

Hồi tháng 6, châu Phi nêu ra bản đề xuất về những bước đi nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine, bao gồm việc Nga rút quân, loại bỏ vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Belarus, đình chỉ lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự quốc tế đối với ông Putin và phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga.

Nhà lãnh đạo Nga đón nhận đề xuất đó một cách dửng dưng.

Trong bài phát biểu ngày 28/7, ông Putin nhắc lại rằng Ukraine và phương Tây, chứ không phải Nga, phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột.

Tổng thống Cộng hòa Congo Denis Sassou Nguesso cho biết sáng kiến ​​này “đáng phải được chú ý”, cho rằng đây là điều “khẩn cấp” để có hoà bình.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói với ông Putin: "Chúng tôi cảm thấy mình có quyền kêu gọi hòa bình, cuộc xung đột đang diễn ra ảnh hưởng tiêu cực đến chúng tôi".

Tại hội nghị, ông Putin nhiều lần bảo vệ quan điểm của Nga và cuối cùng đưa ra một tuyên bố trong 8 phút.

Ông cáo buộc phương Tây hậu thuẫn “cuộc đảo chính” ở Kiev năm 2014, khi làn sóng biểu tình trên đường phố buộc vị tổng thống thân Nga phải ra đi, và cố lôi kéo Ukraine vào liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn dắt, làm suy yếu an ninh của Nga.

Ông cũng cho rằng Kiev đã từ chối đàm phán sau khi Nga ban hành sắc lệnh về việc sáp nhập 4 khu vực của Ukraine. "Quả bóng hoàn toàn nằm trong sân của họ", ông nói.

Chủ tịch Liên minh châu Phi Azali Assoumani nói rằng Tổng thống Putin thể hiện sẵn sàng đối thoại và "bây giờ chúng tôi phải thuyết phục phía bên kia".

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky bác bỏ ý tưởng về một lệnh ngừng bắn, dẫn đến việc Nga tiếp tục duy trì kiểm soát gần 1/5 diện tích Ukraine và tạo thêm thời gian cho Nga tập hợp và sắp xếp lại lực lượng sau 17 tháng giao tranh ác liệt.

Tại hội nghị, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi kêu gọi Nga khôi phục thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen. Ai Cập là một nước nhập khẩu nhiều ngũ cốc qua Biển Đen.

Ông Putin nhắc lại quan điểm rằng giá lương thực thế giới tăng cao là hậu quả của những sai lầm trong chính sách của phương Tây từ lâu trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine.

Ông nhiều lần nói rằng Nga từ bỏ vì thỏa thuận này không mang lại ngũ cốc cho các nước nghèo nhất và phương Tây không thực hiện lời hứa của họ trong thỏa thuận.

Ngày 27/7, ông Putin hứa sẽ cung cấp tới 300.000 tấn ngũ cốc miễn phí cho 6 quốc gia châu Phi dự hội nghị lần này. Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres gọi đó là “lượng quyên góp ít ỏi”.

Ông Assoumani nói rằng như vậy có thể không đủ, mà điều cần thiết là một lệnh ngừng bắn.

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo của Mali và Cộng hoà Trung Phi bày tỏ cảm ơn Tổng thống Putin. Chính phủ ở cả hai quốc gia này đều đang thuê lực lượng quân sự tư nhân Wagner bảo vệ an ninh.

Tổng thống Faustin Archange Touadera nói rằng quan hệ của Cộng hoà Trung Phi với Nga giúp quốc gia này cứu vãn nền dân chủ và ngăn chặn nội chiến. Ông bày tỏ cảm ơn Nga “giúp chúng tôi chống lại bá quyền nước ngoài”.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.