Châu Âu sẽ kiểm tra các nhà máy điện hạt nhân

Châu Âu đang lo ngại về vấn đề an toàn điện hạt nhân Ảnh: Getty Images
Châu Âu đang lo ngại về vấn đề an toàn điện hạt nhân Ảnh: Getty Images
TP - Ngày 25-3, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đồng ý tiến hành stress test (kiểm tra khả năng đáp ứng với những điều kiện khắc nghiệt trong thời gian dài) đối với những nhà máy điện hạt nhân ở 27 nước thành viên, đồng thời khuyến khích, ủng hộ thế giới làm tương tự.

>> Nhật Bản: Thêm 2 tỉnh có nước máy nhiễm xạ

Châu Âu đang lo ngại về vấn đề an toàn điện hạt nhân Ảnh: Getty Images
Châu Âu đang lo ngại về vấn đề an toàn điện hạt nhân. Ảnh: Getty Images.

Hôm qua, tại một buổi họp báo sau cuộc họp 2 ngày của Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch EU Herman Van Rompuy, nói rằng, EU cần rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản do đợt động đất, sóng thần ngày 11-3 gây ra.

“Vì vậy, chúng tôi quyết định rằng, vấn đề an toàn của các nhà máy điện hạt nhân cần được gấp rút xem xét lại thông qua stress test”, ông nói. Ông kêu gọi các láng giềng của EU và những nước khác trên thế giới tiến hành stress test vì “mối nguy hiểm không dừng lại ở biên giới chúng tôi, tốt nhất là cả thế giới xem xét lại các nhà máy điện hạt nhân”.

Các thành viên EU thống nhất hoàn thành stress test chậm nhất là vào cuối năm nay để kiểm tra khả năng chống động đất, sóng thần, tấn công khủng bố, sự cố điện... của các nhà máy điện hạt nhân ở châu Âu. Hiện có 143 nhà máy điện hạt nhân ở 14 nước EU.

Tại buổi họp báo, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso nói có thể ra quyết định kiểm tra bắt buộc đối với tất cả nhà máy điện hạt nhân của EU. “Trong khi chúng ta có quan điểm và tình hình khác nhau ở EU về năng lượng hạt nhân, chúng ta phải thống nhất về vấn đề an toàn hạt nhân”, ông nói.

Ngày 24-3, Cty nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận hàng đầu Ba Lan, PBS DGA, công bố kết quả khảo sát ý kiến người dân về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước này.

Theo đó, 32% người được hỏi phản đối việc xây dựng, trong khi 30% nói rằng, Ba Lan nên tiếp tục chương trình phát triển năng lượng hạt nhân của mình. Có 28% người được hỏi nói rằng cần xem lại tiêu chuẩn an toàn của nhà máy điện hạt nhân ở Ba Lan, và 10% không có ý kiến gì về vấn đề này.

Đảng SLD của Ba Lan muốn có trưng cầu dân ý về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Ngày 23-3, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói rằng, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở nước này phải được công chúng chấp nhận.

Ba Lan kiên quyết thực hiện chương trình phát triển năng lượng hạt nhân của mình, đại diện chính phủ nước này tuyên bố tuần trước. Chính phủ Ba Lan muốn nhà máy điện hạt nhân đầu tiên bắt đầu hoạt động vào năm 2020. 

Thái An
Theo Xinhua

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG