Hơn 1 tuần nay, vợ chồng chị Hạnh ở phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) phải thay phiên nhau trông con vì người giúp việc chưa thể ra Hà Nội do lo sợ dịch Covid-19. Hai vợ đều làm cơ quan nhà nước, công việc bận rộn. Chị Hạnh cho biết, trước Tết, người giúp việc hứa sẽ đi làm vào ngày mùng 6, nhưng sau đó gọi điện xin nghỉ làm khiến gia đình chị không kịp trở tay. “Ông bà nội ngoại đều ở xa, con nhỏ nên gia đình mượn người giúp việc chăm sóc con, dọn dẹp nhà cửa khi vợ chồng đi làm. Giờ người giúp việc xin nghỉ không báo trước nên đang đau đầu đi tìm người mới. Sau Tết tìm người giúp việc càng khó hơn”, chị Hạnh nói.
Nhiều gia đình ở Hà Nội đang rơi vào tình cảnh khó xử như gia đình chị Hạnh.
Chị Thảo Trang, trú tại quận Thanh Xuân bộc bạch, thời điểm sau Tết, người giúp việc thường có rất nhiều lý do để không quay trở lại thành phố đúng thời gian giao hẹn. Nhiều người chấp nhận trả thêm lương tháng sau Tết, nhưng hầu như các giúp việc đều khất lần, rồi nghỉ luôn. “Mệt mỏi lắm, nên bây giờ tôi chỉ thuê giúp việc theo giờ, từ 17h - 21h tối, hỗ trợ việc lặt vặt và đón con về nhà. Vừa đỡ phức tạp mà cũng không phải rơi vào tình cảnh khốn khổ sau Tết”, chị Trang nói thêm.
Cầu nhiều, cung quá ít
Nhu cầu tìm người giúp việc dịp đầu năm đang tăng rất cao. Trên các nhóm diễn đàn tìm kiếm giúp việc, mỗi ngày có hàng chục bài viết đăng thông tin tìm người giúp việc gấp.
Ông Nguyễn Tiến Minh, Giám đốc Cty TNHH đầu tư dịch vụ Thanh Bình, đơn vị cung ứng giúp việc cho doanh nghiệp, nhà hàng, bệnh viện tại quận Thanh Xuân cho biết, sau Tết người giúp việc thường có tâm lý muốn nhảy việc, chỗ nào trả lương cao hơn thì họ sẽ chuyển. “Thời điểm đầu năm, các trung tâm môi giới việc làm luôn tất bật vì nhu cầu tăng, trong khi lao động giúp việc khan hiếm nên tiền lương thường bị đẩy lên. Nhiều người cố gắng làm hết năm để lấy lương, thưởng rồi nghỉ. Nhiều người lại chọn năm mới đi làm chỗ khác với mức lương cao hơn”, ông Minh nói.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, sau Tết nếu tìm người giúp việc qua đơn vị trung gian, người thuê sẽ phải mất mức phí dịch vụ từ 1,5 - 2 triệu đồng và khách hàng được đổi người không giới hạn. Mức lương thường dao động từ 6 - 7 triệu đồng/tháng, cao hơn thời điểm trong năm khoảng 1 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thanh Hương, Phó Giám đốc Cty giúp việc Thiên Phú tại quận Hà Đông cho biết, thời điểm này, nhu cầu thuê giúp việc gia đình chiếm tới hơn 70% nhu cầu tìm việc làm qua Cty. “Những năm trước, nguồn lao động khá dồi dào, chúng tôi dễ dàng tuyển người giúp việc ở hầu hết các tỉnh phía Bắc, thậm chí là tuyển cả người ở miền Trung. Dù vậy, sau Tết, không riêng người ở những vùng có dịch, mà ở các tỉnh khác cũng sợ dịch, hạn chế đi lại”, chị Hương nói.
Ông Nguyễn Tiến Minh, Giám đốc Cty TNHH đầu tư dịch vụ Thanh Bình nhận định, theo pháp luật, giúp việc gia đình được coi là một nghề, do đó người sử dụng lao động và người lao động phải ký kết hợp đồng lao động để có sự ràng buộc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hầu hết các gia đình và người giúp việc mới chỉ dừng lại ở “hợp đồng miệng” nên thiếu tính ràng buộc và tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho cả hai bên khi xảy ra sự cố. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc giúp việc đòi tăng lương hay sẵn sàng nhảy việc khi được trả lương cao hơn.
“Để tránh rủi ro không mong muốn trong quá trình hợp tác, khách hàng cần ký hợp đồng nêu rõ mức lương, thưởng, ngày nghỉ phép với người giúp việc bằng giấy tờ và có chữ ký của cả hai bên, tránh hợp đồng miệng, dẫn đến mâu thuẫn về sau”, ông Minh nói.