Chất nạo vét của Vĩnh Tân 1: Phải nhận chìm ở độ sâu hàng trăm mét!

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Ảnh: Nhật Minh.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Ảnh: Nhật Minh.
TP - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chờ kết quả khảo sát độc lập của Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để có đánh giá, giải pháp tiếp theo cho vấn đề nhận chìm chất nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.

Theo ông Phạm Ngọc Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chờ kết quả khảo sát độc lập của Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để có đánh giá, giải pháp tiếp theo cho vấn đề nhận chìm chất nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1. Trong khi đó, chuyên gia cho rằng, việc nhận chìm ở gần bờ và độ sâu 36 m là không khả thi.

Theo ông Sơn, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường độc lập việc nhận chìm chất nạo vét của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. “Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chờ kết quả từ Viện Hải Dương học”, ông Sơn cho biết. Được biết, Viện Hải dương học đang trong quá trình thu thập các thông tin nền khu vực đáy biển nơi dự kiến được nhận chìm.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm  918.533 m3  vật chất thu hồi từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Khu vực nhận chìm thuộc vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, có diện tích 30 ha, cách Khu bảo tồn Hòn Cau là 8 km.

Về quá trình thẩm định và cấp phép, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ cấp giấy phép với sự tham gia của 22 thành viên là các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sinh thái, hải dương học, một số hội nghề nghiệp liên quan, Ban Quản lý Khu bảo tồn Hòn Cau, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và đại diện các bộ, ngành liên quan.

Kết quả thẩm định, đa số các thành viên Hội đồng yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ theo các ý kiến góp ý để xem xét cấp giấy phép nhận chìm ở biển cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1. 

Cùng với việc tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có văn bản lấy ý kiến của các bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau xin ý kiến về hồ sơ cấp phép nhận chìm.

Trên cơ sở quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Bảo vệ môi trường, ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và Hội đồng thẩm định, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy phép số 1517/GP-BTNMT ngày 23 tháng 6 năm 2017 cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm vật liệu nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Phải đổ ở độ sâu hàng trăm mét

Giải thích về tác động của việc nhận chìm với Khu bảo tồn biển Hòn Cau (cách nơi nhận chìm 8km), Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, “Thời gian được phép nhận chìm chỉ thực hiện từ tháng 6 đến hết tháng 10 năm 2017, là thời gian gió mùa Tây Nam hoạt động, nên hướng phát tán vật, chất nhận chìm không hướng về Khu bảo tồn biển Hòn Cau và các khu vực nuôi trồng hải sản ven bờ. Hơn nữa, độ sâu lớn nhất của khu vực nhận chìm là -36,1m, trong khi đó, độ sâu của Khu Bảo tồn biển Hòn Cau từ -5m đến -10m nên khó có khả năng dịch chuyển vật, chất nhận chìm ở đáy biển đến Khu Bảo tồn biển Hòn Cau”. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng điều này không hợp lý.

Việc nhận chìm vật chất nạo vét là điều được cho phép theo luật pháp quốc tế và cả Việt Nam. Tuy nhiên địa điểm nhận chìm cần phải được lựa chọn và tính toán kỹ lưỡng, không ai đổ chất thải ở ven bờ (cách bờ 10km-PV) và ở độ sâu 36 mét, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng phòng Sinh thái học, Viện Hải dương học cho biết.

Theo TS Huân, trên thế giới, với vật chất nhận chìm là các chất độc hại như phóng xạ phải có đóng thùng, niêm phong và nhận chìm ở độ sâu 3.000 m nước. Nơi này, dòng chảy bằng 0. Với vật chất nhận chìm là chất nạo vét phải đổ ở khu vực có độ sâu tối thiểu 200 m nước, nơi không có sinh vật sinh sống. Việc đổ ở gần bờ và ở độ sâu - 36 m là không thể thực hiện được, nhất là biển  Bình Thuận nằm trong vùng nước trồi mạnh Nam Trung bộ và là một trong 5 trung tâm nước trồi lớn của biển Đông. “Đây là vùng có chế độ thủy động lực mạnh, nhất là trong 2 thời kỳ gió mùa điển hình (Đông Bắc và Tây Nam), chất nhận chìm sẽ phát tán ra vùng xung quanh”, TS Huân cho biết.

Trong khi đó, quanh khu vực dự án đổ chất thải ở Bình Thuận có rất nhiều điểm có hệ sinh thái biển và ven bờ nhạy cảm, nhất là khu bảo tồn biển Hòn Cau có diện tích 12.500 ha là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với khoảng 234 loại san hô là bãi đẻ của nhiều loài sinh vật biển và xung quanh nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm.

TS Huân cũng cho biết, ngay cả trong trường hợp mô hình tính toán cho thấy việc lan tỏa chất nạo vét không về phía Khu bảo tồn Hòn Cau mà ra hướng khác thì cũng không được vì bất kỳ vùng biển nào cũng phải được bảo vệ.

TS Huân cho rằng, nếu nhận chìm cần phải chọn các vùng biển xa bờ, nơi có độ sâu hàng trăm mét. “Việc nhận chìm chất nạo vét ở gần bờ là tối ưu hóa lợi ích kinh tế. Cần phải đưa ra những vùng biển sâu hơn nhiều, khảo sát, tính toán kỹ trước khi lựa chọn địa điểm. Ngoài ra có thể tính toán đến phương án sử dụng vật liệu nạo vét để lấn biển”, TS Huân nói.

Với vật chất nhận chìm là chất nạo vét phải đổ ở khu vực có độ sâu tối thiểu 200 mét nước, nơi không có sinh vật sinh sống. Việc đổ ở gần bờ và ở độ sâu -36 mét là không thể thực hiện được, nhất là biển  Bình Thuận nằm trong vùng nước trồi mạnh Nam Trung bộ và là một trong 5 trung tâm nước trồi lớn của biển Đông.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.