Chặt ‘mắt xích’ của đường dây giả công an, gọi điện lừa cập nhật dữ liệu cư dân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chiếm đoạt được tiền trong tài khoản ngân hàng của người bằng thủ đoạn giả danh công an gọi điện cập nhật dữ liệu cư dân, nhóm đối tượng lừa đảo ở Campuchia chuyển cho băng của Trọng ở Việt Nam để đi mua hàng hóa. Sau đó, nhóm Trọng lấy hàng hóa bán rẻ hơn với giá thị trường, chuyển tiền ngược lại cho các đối tượng lừa đảo để hưởng hoa hồng. 

Ngày 30/3, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TPHCM bắt khẩn cấp Nguyễn Đức Vương Trọng (33 tuổi, quê Đắk Lắk), Nguyễn Tùng Dương (29 tuổi, quê Thanh Hóa) và Nguyễn Hữu Thắng (22 tuổi, ngụ Hà Nội) để điều tra về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Cơ quan công an xác định, 3 nghi phạm này nằm trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia do các đối tượng ở Campuchia cầm đầu.

“Bốc hơi” hơn 1,8 tỷ đồng khi nghe điện thoại của công an “dỏm”

Theo điều tra ban đầu, chiều 24/1, bà T.L.H. (50 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, tự xưng là cán bộ Công an, đề nghị cập nhật dữ liệu dân cư do sai sót thông tin.

Chặt ‘mắt xích’ của đường dây giả công an, gọi điện lừa cập nhật dữ liệu cư dân ảnh 1

Từ trái qua, Thắng, Dương và Trọng tại cơ quan công an.

Sau đó, một tài khoản zalo kết bạn với bà H., tự giới thiệu là cán bộ Công an và hướng dẫn bà truy cập vào 1 đường link giả mạo để cập nhật thông tin. Người này tiếp tục hướng dẫn bà H. thực hiện một số thao tác như tạo tài khoản, điền một số thông tin họ tên, số CCCD… và một số thông tin khác.

Khi “cán bộ công an” hỏi thêm một số thông tin liên quan đến các tài khoản ngân hàng, bà H. cảm thấy nghi ngờ nên đã cúp máy. Tuy nhiên, ngay sau đó, các tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng của bà H. bị chiếm đoạt tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng.

Tiếp nhận tố giác, PC02 và Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TPHCM đã phối hợp tiến hành đồng bộ các biện pháp điều tra xác minh.

Qua đó xác định số tiền hơn 1,3 tỷ đồng đã bị các đối tượng ở Campuchia chiếm quyền quản lý và chuyển đến nhiều số tài khoản khác nhau. Đối với các tài khoản thẻ tín dụng của bà H. thì bị Trọng, Dương và Thắng sử dụng thanh toán mua hàng.

Rửa tiền” cho các đối tượng lừa đảo ở Campuchia

Được đưa về trụ sở làm việc, nhóm của Trọng khai nhận, tháng 10/2023, thông qua hội nhóm trên mạng, Trọng quen biết và trò chuyện với một số người trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động tại Campuchia.

Từ đó, Trọng biết thủ đoạn lừa đảo của nhóm người này là giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát hoặc nhân viên ngân hàng... gọi điện thoại cho nạn nhân; lấy lý do có sai sót thông tin cá nhân hoặc bị lộ lọt thông tin tài khoản ngân hàng để yêu cầu nạn nhân dùng điện thoại di động cá nhân tải, cài đặt các ứng dụng giả mạo, có chứa mã độc.

Khi nạn nhân thực hiện theo yêu cầu, các đối tượng tạm thời chiếm quyền quản lý, sử dụng các ứng dụng trong điện thoại, trong đó có ứng dụng Internet banking của tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng có thể thực hiện thao tác chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân đến các tài khoản khác.

Đối với thông tin thẻ tín dụng của nạn nhân, các đối tượng cung cấp cho đối tượng ở Việt Nam để sử dụng thanh toán mua hàng tại các trang thương mại điện tử rồi lấy hàng hóa này đem bán với giá rẻ hơn giá thị trường. Số tiền bán được, các đối tượng chuyển cho nhóm lừa đảo đã cung cấp thông tin thẻ và hưởng "hoa hồng".

Chặt ‘mắt xích’ của đường dây giả công an, gọi điện lừa cập nhật dữ liệu cư dân ảnh 2

Đối tượng Trọng được chia 10% khi "rửa tiền" thành công.

Thông qua mạng xã hội, Trọng quen biết với Dương, Thắng và cùng bàn bạc thực hiện hành vi “rửa tiền” như trên cho nhóm đối tượng lừa đảo bên Campuchia. Khi thực hiện thành công (đặt mua hàng, thanh toán bằng thông tin tài khoản thẻ tín dụng của nạn nhân do các đối tượng ở Campuchia cung cấp, nhận được hàng và bán lấy tiền) sẽ trừ 5% khấu hao khi bán tài sản; 65% được chuyển vào tài khoản chỉ định của các đối tượng ở Campuchia; Trọng, Thắng và Dương mỗi đối tượng 10%.

Trưa 24/1, các đối tượng ở Campuchia gửi cho Trọng thông tin thẻ tín dụng của bà H. mà các đối tượng này vừa chiếm đoạt được. Ngay sau đó, Trọng báo cho Dương biết, Dương liên lạc với Thắng và cả nhóm cùng đồng ý thực hiện.

Dương dùng các thông tin mà Trọng gửi để mua 6 điện điện thoại di động với số tiền hơn 194 triệu đồng bằng hình thức đặt hàng trực tuyến. Sau khi lấy hàng, Dương lên mạng để bán lại 6 chiếc điện thoại với giá số tiền 175 triệu đồng.

Sau đó, nhóm của Trọng chuyển 129 triệu đồng đến tài khoản của các đối tượng ở Campuchia; phần còn lại Trọng nhận 19 triệu đồng, Dương nhận 17 triệu đồng và Thắng nhận 10 triệu đồng. Số tiền khả dụng còn lại khoảng 6 triệu đồng trong thẻ, Dương đã thực hiện thao tác đặt mua 2 lượt thẻ game.

Cơ quan công an xác định, các đối tượng đã chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân khác bằng thủ đoạn trên và đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ.

MỚI - NÓNG
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
TPO - Ngày 11/12, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc BMW lấn làn, vượt ẩu trên đèo Dran, tỉnh Lâm Đồng húc văng xe máy xuống mương nước. Sự việc này đã khiến nhiều người bày tỏ bức xúc.
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
TPO - "Sau khi xác định được nguồn vốn, Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố để điều chỉnh chủ trương. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp nguồn vốn, chúng tôi sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn của các đại biểu về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- vốn dừng thi công và "đắp chiếu" từ năm 2022 tới nay.