Chất lượng không khí ở Thủ đô đang được cải thiện rõ rệt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau nhiều giải pháp đồng bộ của Thành phố Hà Nội và các đơn vị chức năng, đến hết quý II/2021, Thành phố chỉ còn khoảng 942 bếp than tổ ong, loại bỏ được khoảng 53.550 bếp (giảm 98,27 %) so với kết quả điều tra, khảo sát năm 2017. Cùng với đó, tình trạng đốt rơm rạ cũng dần được kiểm soát ở các huyện ngoại thành giúp cho chất lượng không khí ở Thủ đô được cải thiện rõ rệt.

Gian nan đẩy lùi bếp than tổ ong

Với mục tiêu cải thiện chất lượng không khí của Thủ đô, nhiều năm trước UBND TP Hà Nội xác định việc hạn chế người dân sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt hằng ngày là việc đóng vai trò “chìa khóa” quan trọng, bởi Hà Nội thuộc nhóm địa phương sử dụng nhiều bếp than tổ ong. Trong khi đó, theo phân tích của cơ quan chuyên môn, khi đốt than tổ ong, các khí độc hại như CO, SO2, NOx và bụi (trong đó có bụi mịn PM2.5) thải ra môi trường sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch.

Chất lượng không khí ở Thủ đô đang được cải thiện rõ rệt ảnh 1

Người dân đã bỏ bếp than tổ ong chuyển sang sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường

Thực hiện mục tiêu xóa bỏ bếp than tổ ong, năm 2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ. Thực hiện Chỉ thị, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ không đơn giản khi người dân, đặc biệt là những người sinh sống tại các khu tập thể, vùng nông thôn, hộ kinh doanh cá thể ở Hà Nội đã quen với việc sử dụng than đá, than tổ ong, bởi đây là loại nguyên liệu rẻ và không phải đầu tư tốn kém.

Để thực hiện mục tiêu, Sở TN&MT đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan áp dụng nhiều biện pháp phù hợp. Cụ thể, liên tục triển khai các chương trình tuyên truyền, vận động người dân thay thế bếp than tổ ong bằng các loại bếp khác thân thiện với môi trường; Đôn đốc, theo dõi, hỗ trợ, cập nhật kết quả thực hiện của các quận, huyện, thị xã thông qua kết nối nhóm giữa Chi cục Bảo vệ môi trường với các Phòng TN&MT quận, huyện, thị xã trên ứng dụng Zalo.

Kết nối, tăng cường hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để tìm kiếm các giải pháp mới thay thế bếp than tổ ong (bếp cải tiến thân thiện môi trường); Phối hợp với tổ chức GIZ ứng dụng công cụ mô hình LEAP kiểm kê các nguồn phát thải từ việc sử dụng bếp than tổ ong nhằm đưa ra bằng chứng khoa học về tác hại của bếp than tổ ong đối với môi trường và sức khỏe, hỗ trợ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; Thí điểm sử dụng công cụ thông tin điện tử giám sát, đánh giá thực trạng sử dụng bếp than tổ ong nhằm theo dõi, hỗ trợ chỉ đạo thực hiện ở địa phương...

Nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền, tình trạng sử dụng bếp than tổ ong đã giảm mạnh, nhiều nơi đã xóa bỏ được hoàn toàn loại bếp này. Theo báo cáo của 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn, tính đến hết quý II/2021, thành phố còn khoảng 942 bếp than tổ ong, loại bỏ được khoảng 53.550 bếp (giảm 98,27%) so với kết quả điều tra, khảo sát năm 2017. Người dân đã loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than và chuyển sang dùng bếp gas, bếp điện, bếp thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, ở một số địa bàn như: Hà Đông, Bắc Từ Liêm… còn nhiều người dân sử dụng bếp than tổ ong phục vụ kinh doanh, sinh hoạt hàng ngày. Theo báo cáo, việc xuất hiện rải rác bếp than tổ ong tại thời điểm này thường là của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, buôn bán trên vỉa hè, hộ thuê nhà để kinh doanh, người có thu nhập thấp.

Trong thời gian tới Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cấp chính quyền chủ động rà soát, đẩy mạnh tuyên truyền, đề ra giải pháp thích hợp giúp người dân hiểu, đồng lòng thay đổi. Mặt khác, các cấp chính quyền cần có những hướng dẫn cụ thể và hỗ trợ người dân trong việc thay thế bếp than tổ ong bằng loại bếp thân thiện với môi trường, phù hợp điều kiện kinh tế của người dân, nhất là các gia đình chính sách, hộ nghèo. Có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho các cơ sở sản xuất than và bếp than tổ ong.

Ðẩy lùi đốt rơm rạ ở nhiều “điểm nóng”

Cùng với xóa sổ bếp than tổ ong, ngày 18/9/2020, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị 15 về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định, trong đó yêu cầu chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ, các phụ phẩm nông nghiệp không đúng quy định trên địa bàn.

Chất lượng không khí ở Thủ đô đang được cải thiện rõ rệt ảnh 2

Nhờ hạn chế tình trạng đốt rơm rạ, chất lượng không khí Hà Nội đã và đang được cải thiện rõ nét trong 6 tháng đầu năm 2021

Tính đến tháng 6/2019, theo kết quả điều tra, đánh giá vụ Đông - Xuân năm 2021 trên địa bàn Thành phố có tổng diện tích canh tác là 81.241,67 ha, thu hoạch được 497.199 tấn lúa và phát sinh hơn 594.838,8 tấn rơm rạ tươi. Tỷ lệ trung bình đốt rơm rạ vào vụ Đông - Xuân năm 2021 là 43,2%, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2020. Các quận, huyện: Hà Đông, Thường Tín, Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức, tuy có diện tích sản xuất lúa thấp nhưng tỷ lệ đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng được phát hiện trên địa bàn lại ở mức cao.

Theo kết quả mô hình hóa quá trình lan truyền bụi, các quận, huyện có tỷ lệ đốt rơm rạ nhiều như: Hoài Đức, Thường Tín, Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm (ở phía Bắc và phía Đông thành phố Hà Nội) tuy nhiên vùng ô nhiễm chính lại ở phía Nam thành phố Hà Nội, bao gồm các huyện: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai do sự vận chuyển các khối chất ô nhiễm theo hướng gió Đông, Đông Bắc thổi xuống. Đáng chú ý là thị trấn Sóc Sơn, trong đó có cả sân bay Nội Bài cũng là vùng chịu ô nhiễm do hoạt động đốt rơm rạ. Vào các thời điểm đốt rơm rạ, khói bụi sinh ra ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công khi tiếp cận hạ cánh xuống sân bay, tiềm ẩn nguy hiểm đến an toàn bay.

Để hạn chế tình trạng trên, Sở TN&MT phối hợp các đơn vị triển khai nhiều giải pháp giải quyết tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch góp phần giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm không khí như: Tổ chức tuyên truyền về Chỉ thị số 15, tác hại của việc đốt rơm rạ; Tập huấn, giới thiệu, hướng dẫn về các giải pháp xử lý rơm rạ cho người dân; Phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện có diện tích rơm rạ để rà soát tiến độ và đánh giá kết quả thực hiện nhằm hỗ trợ triển khai các giải pháp theo đặc thù của từng quận, huyện, thị xã.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2021 đã mang lại dấu hiệu tích cực, thể hiện trách nhiệm và cam kết của các cấp chính quyền trong nỗ lực hạn chế tình trạng đốt rơm rạ. Theo báo cáo của huyện Ứng Hòa, vụ xuân năm 2021, tổng số rơm rạ phát sinh sau thu hoạch gần 46.000 tấn đã được thu gom làm thức ăn gia súc, trồng nấm, tận dụng trồng rau màu khoảng 31%; để rơm rạ tại ruộng tự phân hủy khoảng 58%; tỷ lệ rơm rạ đốt còn 11%. Tại huyện Thanh Oai, Phúc Thọ tình trạng trên cũng giảm đáng kể.

Để xử lý dứt điểm tình trạng đốt rơm rạ, trong thời gian tới Sở TN&MT phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền tác hại của việc đốt rơm rạ đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Đề xuất UBND Thành phố ban hành cơ chế trợ giá cho các quận, huyện, thị xã ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ sau thu hoạch và cung cấp máy cuốn rơm làm thức ăn gia súc để xử lý triệt để rơm rạ sau vụ mùa. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Mai Trọng Thái - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết: “Để hạn chế, tiến đến xóa bỏ tình trạng đốt rơm rạ rất cần sự vào cuộc của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn để tăng cường tuyên truyền về tác hại đối với sức khỏe, môi trường sống. Vận động người dân loại bỏ thói quen này, áp dụng các biện pháp xử lý an toàn, hợp vệ sinh, mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời có biện pháp xử lý hành vi đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường...”.

Theo kết quả quan trắc từ 35 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động liên tục đặt ở nhiều khu vực trên địa bàn, chất lượng không khí thành phố Hà Nội nhìn chung có xu hướng cải thiện. Cụ thể, chất lượng không khí trong 6 tháng đầu năm 2021 tại Thủ đô duy trì chủ yếu ở mức Tốt: Trong 181 ngày quan trắc, có 98 ngày chất lượng không khí đạt mức Tốt (chiếm 54.1%), 54 ngày đạt mức Trung bình (chiếm 29.8%), 20 ngày ở ngưỡng Kém (chiếm 11.0%) và 9 ngày ở ngưỡng Xấu (chiếm 5 %).

Chất lượng không khí ở Thủ đô đang được cải thiện rõ rệt ảnh 3

Chỉ số chất lượng không khí trong 6 tháng đầu năm 2021 ở Hà Nội

So sánh với kết quả quan trắc, chất lượng không khí nửa đầu năm 2021 đã có xu hướng cải thiện hơn so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ ngày AQI chạm mức “Tốt” tăng, tỷ lệ số ngày chạm mức “Kém” và “Rất xấu” giảm, số trạm xuất hiện ngày chạm ngưỡng “Rất xấu” giảm.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.