Theo đó, có một tổ chức độc lập để có thể đánh giá đúng chất lượng bệnh viện là mong muốn của ngành y tế cũng như định hướng của Chính phủ trong tương lai.
Chưa bệnh viện nào hoàn thiện
Công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng 93 bệnh viện trên địa bàn thành phố trong năm 2015 cho kết quả 10 bệnh viện đạt điểm trung bình từ 4 trở lên (tính theo thang điểm 5), trong đó có 2 bệnh viện tư nhân.
Theo Sở Y tế, kết quả này phản ánh đúng nỗ lực của các bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Nếu như năm 2014 chỉ có 1 bệnh viện đạt điểm trên 4, thì năm nay có đến 10 đơn vị. Đây là những bệnh viện xứng đáng để các bệnh viện khác tham quan, học tập về hoạt động chuyên môn, phát triển nguồn nhân lực, lấy người bệnh làm trung tâm và luôn cải tiến chất lượng khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, sở nhắc nhở Ban Giám đốc 31 bệnh viện chỉ đạt điểm dưới 3, trong đó có 7 bệnh viện công.
Ngoài ra, kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh trong năm qua cho thấy, điểm của bệnh viện tư cao hơn bệnh viện công. Trong 8 nhóm tiêu chí khảo sát, bệnh nhân dành điểm hài lòng thấp nhất cho thời gian chờ, cảnh quan, vệ sinh, an ninh trật tự trong các bệnh viện.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, sở đã chủ động thành lập Hội đồng quản lý chất lượng khám chữa bệnh. Đây là hội đồng đầu tiên trên cả nước, vì theo Thông tư 19 của Bộ Y tế, chỉ cần thành lập hội đồng của bệnh viện. “Do thành phố hiện có rất nhiều bệnh viện, mỗi bệnh viện đều nỗ lực triển khai những hoạt động để nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, nếu xét từng cái một, thì chưa bệnh viện nào hoàn thiện đầy đủ hết các yêu cầu về chất lượng khám chữa bệnh. Chúng tôi chủ động thành lập hội đồng thuộc sở và mời thành viên nhiều nhiệt huyết, kinh nghiệm từ các bệnh viện tham gia vào”, ông Thượng nói.
Cần cơ quan đánh giá độc lập
Năm 2016 sẽ là năm đầu tiên Bộ Y tế công bố xếp hạng chất lượng cho các bệnh viện hạng 1 trên toàn quốc. Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, ý nghĩa của việc này là giúp các bệnh viện tự nhìn lại thực trạng, xác định những vấn đề tồn tại, lựa chọn các vấn đề cấp bách và “những việc cần làm ngay” để nâng cao chất lượng bệnh viện, đáp ứng mong mỏi của người dân. Dự kiến năm nay sẽ áp dụng bổ sung thêm 20 tiêu chí mới cho phù hợp nhất thực tế bệnh viện tại Việt Nam, với quan điểm chủ đạo “lấy người bệnh là trung tâm của hoạt động điều trị và chăm sóc, nhân viên y tế là then chốt”.
Vậy làm sao để đánh giá một bệnh viện đúng, đủ, công bằng? Trao đổi với Tiền Phong về vai trò của các đơn vị kiểm định độc lập trong việc đánh giá chất lượng bệnh viện, bác sĩ Thượng nói: “Đây là một xu thế của cả thế giới mà tôi nghĩ cũng sẽ là của Việt Nam trong tương lai. Bộ Y tế rất muốn và Chính phủ cũng định hướng”.
Theo ông Thượng, khi nhân lực đầy đủ, cần phải có một tổ chức độc lập trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện. “Khi đó kết quả đánh giá sẽ gắn liền với quyền lợi của bệnh viện. Ví dụ gắn liền với mức thu viện phí chẳng hạn. Nếu anh được đánh giá 100%, thì anh được thu 100% viện phí đưa ra, nếu được đánh giá đạt 80% thì chỉ thu 80% thôi”, ông nói. Tổ chức này phải do Bộ Y tế công nhận và TPHCM khẳng định khi nào bộ triển khai, thành phố sẽ ủng hộ lập tức.
Tại hội nghị, Sở Y tế thành phố đã phát động giải thưởng Chất lượng khám chữa bệnh giữa các bệnh viện với các tiêu chí bình chọn như tăng sự hài lòng người bệnh, giảm nguy cơ tai biến điều trị, rút ngắn thời gian chờ đợi, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả điều trị.
Một trong những dấu ấn nổi bật của y tế thành phố trong năm 2015 là các mô hình cải tiến chất lượng khám chữa bệnh như quy trình “báo động đỏ” giúp phản ứng nhanh trong các ca nguy kịch tại Bệnh viện Nhi đồng 1, triển khai bệnh án điện tử tại Bệnh viện quận Thủ Đức, xây dựng quy trình chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện nhân dân Gia Định… Cũng nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, sở đã hoàn thiện được kho dữ liệu phác đồ điều trị chung cho các cơ sở khám chữa bệnh của thành phố.Năm 2016, lãnh đạo ngành y tế TPHCM đưa ra bảo đảm lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động và sẽ phục vụ người bệnh tốt hơn.