Chất diệt cỏ có thể gây ung thư: Xử lý 5 triệu lít thành phẩm ra sao?

Chất diệt cỏ có thể gây ung thư: Xử lý 5 triệu lít thành phẩm ra sao?
TP - Dù glyphosate đã loại bỏ khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nhưng hiện vẫn còn khoảng 5 triệu lít thành phẩm chứa chất glyphosate vẫn được phép tiêu thụ trong vòng một năm tới. Dù độc hại, nhưng vì sao Bộ NN&PTNT cho sử dụng hết số thuốc trên trong vòng 1 năm?

Loại bỏ khỏi danh mục

Bộ NN&PTNT vừa loại chất diệt cỏ glyphosate ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam đồng thời sẽ cấm ngay việc nhập khẩu, sản xuất. Bộ chỉ được phép sử dụng thành phẩm chứa glyphosate trong vòng 1 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Quyết định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày, kể từ ngày ký (10/4/2019).

Theo Cục BTVT, glyphosate là hoạt chất có tác dụng diệt cỏ hiệu quả cao, sử dụng rộng rãi trên thế giới. Chất diệt cỏ này được đưa vào danh mục thuốc được phép sử dụng ở Việt Nam năm 1994 và đến nay có tới 104 tên thương mại thuốc chứa glyphosate được đăng ký.

Tuy nhiên, mức độ độc hại của thuốc trừ cỏ có chứa glyphosate đã được cảnh báo từ lâu. Năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế IARC (International Agency for Research on Cancer) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố kết quả đánh giá khả năng gây ung thư nhóm 2A đối với thuốc BVTV chứa hoạt chất glyphosate có nguy cơ cao gây các bệnh ung thư máu, phổi, tiền liệt tuyến.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Trung, Cục trưởng BVTV cho biết, trước thông tin trên, từ năm 2016 (ngày 12/4), Cục BVTV yêu cầu các tổ chức, cá nhân đã tạm dừng đăng ký mới đối với tất cả sản phẩm có chứa chất glyphosate. “Chúng tôi tiếp tục phối hợp với tổ chức quốc tế, rà soát và thu thập thông tin, bằng chứng khoa học liên quan xem có ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái không”- ông Trung nói.

Lãnh đạo Cục BVTV cho biết, với glyphosate, từ năm 1985, cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ trong một báo cáo đã chỉ ra hoạt chất này liên quan đến bệnh ung thư. Sau đó, các tổ chức nghiên cứu độc lập của Thụy Điển, Canada cũng cho rằng, glyphosate là yếu tố gây ung thư bạch cầu, thận.

Đặc biệt, các phiên tòa gần đây ở bang California (Mỹ) đã phán quyết thuốc diệt cỏ Roundup (chứa Glyphosate) của Monsanto gây ung thư và yêu cầu tập đoàn Monsanto bồi thường cho nguyên đơn.

Tính đến 2/2019, có hơn 11.200 đơn kiện nhằm vào Monsanto vì thuốc diệt cỏ Roundup. Ngoài ra, hiện trên 40 nước, vùng lãnh thổ, bang trên thế giới đều có động thái mạnh mẽ trong việc sử dụng glyphosate: Từ không tiếp tục gia hạn, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng theo mục đích phi nông nghiệp hoặc từng khu vực đến cấm sử dụng hoàn toàn thuốc trừ cỏ chứa glyphosate.

Theo lãnh đạo Cục BVTV, nhiều thời điểm, cơ quan truyền thông, các tổ chức đề nghị Bộ NN&PTNT phải loại bỏ ngay hoạt chất trên.

“Chúng tôi với trách nhiệm đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, thu nhập củng cố bằng chứng, họp hội đồng khoa học, có trao đổi với hiệp hội, doanh nghiệp để có ý kiến đánh giá... Khi hội đủ các yếu tố, với quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân và không mạo hiểm sức khỏe của người dân trước những rủi ro của chất diệt cỏ. Cục đã hoàn thiện các báo cáo kỹ thuật và trình Bộ NN&PTNT có quyết định loại bỏ với glyphosate”- ông Trung nói.

Sẽ tiếp tục “rải” xuống ruộng 5 triệu lít?

Việc loại bỏ chất độc hại như glyphosate nhận được sự ủng hộ của dư luận. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, glyphosate nguy hiểm sao không cấm sử dụng ngay mà Bộ NN&PTNT còn cho phép kéo dài đến 1 năm để “xài” hết 5 triệu lít thành phẩm glyphosate?

Lý giải vấn đề trên, ông Trung cho biết, theo thông tư 21 của Bộ NN&PTNT, khi loại bỏ thuốc BVTV khỏi danh mục thuốc được phép sử dụng, sẽ cho phép doanh nghiệp tối đa 1 năm để nhập khẩu và 2 năm sử dụng, kể từ khi quyết định loại bỏ có hiệu lực.

Tuy nhiên, với glyphosate, khi ra quyết định loại bỏ, Bộ NN&PTNT đã cấm luôn không cho nhập khẩu, sản xuất. Trước đó, Cục đã có yêu cầu các DN kiểm tra, đánh giá về thực trạng số lượng thuốc và hiện còn 5 triệu lít thành phẩm glyphosate.

Ông Trung cũng cho biết, theo thông lệ quốc tế, như tại Mỹ, khi đưa một hoạt chất ra khỏi danh mục nhanh phải mất 5 năm. Ở châu Âu cũng đang hạn chế, cấm glyphosate với lộ trình 3 năm.

Theo lãnh đạo Cục BVTV, hằng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 30 nghìn tấn glyphosate, trị giá 49-80 triệu USD. Việt Nam cũng sử dụng bình quân 15-20 triệu lít thuốc thành phẩm chứa gyphosate mỗi năm trên đồng ruộng và sử dụng hàng chục năm qua.

“Chúng tôi đã tính toán, trong 5 triệu lít sẽ sử dụng ở 1-2 vụ tới trong vòng 1 năm cũng không tác động quá lớn. Việc này cũng không vi phạm luật. Còn nếu hết 1 năm, vẫn còn glyphosate, sẽ yêu cầu thu hồi và tiêu hủy”- ông Trung nói.

Liên quan đến ý kiến Nhà nước nên đứng ra mua lại 5 triệu lít thành phẩm glyphosate nói trên để tiêu hủy, ông Trung cho rằng: “Với thời gian ngắn nói trên, có thể tiêu thụ, hoặc xuất khẩu hết, nên không cần mua lại. Mặt khác, cũng không có chính sách Nhà nước đứng ra mua để tiêu hủy”.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam cho rằng, glyphosate đã dùng hàng chục năm ở Việt Nam, đây là thuốc diệt cỏ phổ rộng, giá rẻ, nhưng vì sức khỏe người dân, môi trường nên phải loại bỏ. “Chúng tôi nhất trí, đồng tình với quyết định của Bộ NN&PTNT.

Để giảm khó khăn, thậm chí tránh phá sản cho DN, ông Sơn cũng kiến nghị cần có lộ trình để DN tiêu thụ hết 5 triệu lít thành phẩm glyphosate, có thể sử dụng xuất khẩu đi những nước chưa cấm glyphosate.

Tiếp tục loại bỏ, tăng thuốc an toàn sinh học

Theo Cục BVTV, trong danh mục thuốc BVTV hiện có 54 hoạt chất thuốc trừ cỏ hiệu quả và an toàn có thể thay thế hoạt chất glyphosate. Đặc biệt, một số tổ chức cá nhân đã chủ động đăng ký các loại thuốc trừ cỏ chứa các hoạt chất thế hệ mới, có nguồn gốc sinh học hiệu quả, an toàn để thay thế glyphosate.

Từ nay đến cuối năm, Cục BVTV sẽ tập trung xem xét loại bỏ thuốc hoạt chất chứa kháng sinh liên quan đến con người. Cùng đó sẽ chấn chỉnh khoảng 30.000 đại lý kinh doanh thuốc BVTV. Đến năm 2021, Việt Nam sẽ tăng thuốc sinh học lên chiếm khoảng 30% trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng..

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.