Chạnh lòng những giấc ngủ trong bệnh viện

12 chiếc giường bệnh nhưng có ít nhất 50 người bao gồm cả người nhà và bệnh nhân cùng nằm chen chúc trong phòng điều trị tim mạch tổng hợp của bệnh viện Bạch Mai
12 chiếc giường bệnh nhưng có ít nhất 50 người bao gồm cả người nhà và bệnh nhân cùng nằm chen chúc trong phòng điều trị tim mạch tổng hợp của bệnh viện Bạch Mai
TPO - Vẫn là câu chuyện quá tải ở các bệnh viện ở Thủ đô, bệnh nhân phải ghép giường còn người nhà thì vạ vật ngủ ngoài hành lang, ghế đá... Nói đến tăng viện phí, hầu như những bệnh nhân nghèo tôi gặp đều bảo: Lo lắm!

> Năm 2012, thực hiện giá viện phí mới
> Tăng hay hợp thức hóa?

12 chiếc giường bệnh nhưng có ít nhất 50 người bao gồm cả người nhà và bệnh nhân cùng nằm chen chúc trong phòng điều trị tim mạch tổng hợp của bệnh viện Bạch Mai
Ảnh chụp tại phòng điều trị tim mạch tổng hợp C5 của bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Tuấn Nguyễn
 

Quá tải

21h ngày 14-9, tại khu vực hành lang của Viện tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội), chúng tôi gặp cảnh hàng chục người nằm ngủ dọc theo các lối đi và ngoài ghế đá. Phần lớn trong số đó là người nhà đi chăm sóc, nhưng cũng có bệnh nhân đang điều trị.

Họ trải chiếu dọc hai bên hành lang, dùng chiếc màn chụp tránh muỗi đốt, rồi chìm trong giấc ngủ sau một ngày mệt mỏi. Có chỗ hai, ba người cùng chung lưng trong một chiếc màn. Nóng nực, khó chịu, nhiều người phải thay phiên nhau... ngủ. Thậm chí, một số người nằm luôn trên nền gạch hay ghế đá.

Ông Quang (quê ở Nam Trực, Nam Định) cho biết, bố của ông là cụ Hòa 80 tuổi, bị nhồi máu cơ tim, vừa mổ xong, đang nằm điều trị trong phòng bệnh.

“Cách đây bốn ngày, cụ đột ngột tăng huyết áp rồi lên cơn nhồi máu cơ tim, vợ chồng tôi vội vàng đưa cụ lên bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Hôm vừa rồi, các bác sĩ tiến hành mổ nội soi, thay vành mạch cho cụ. Đến nay, sức khỏe của cụ cũng đã hồi phục tốt hơn” – ông Quang cho biết.

Ông Quang bảo, vì không có bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, nên gia đình phải chịu hoàn toàn mọi chi phí. Ông nhẩm tính, sau bốn ngày nhập viện, phẫu thuật, gia đình phải chi hàng chục triệu đồng.

“Cả nhà tôi chỉ làm vài sào ruộng, ba cháu đã nghỉ học, đi làm thuê. Ngoài dịp mùa vụ, hằng ngày, tôi đi bốc vác thuê, phụ hồ để kiếm thêm thu nhập. Vợ tôi giờ đã nhiều tuổi, sức khỏe yếu, chỉ ở nhà lo cơm nước cho chồng con” – ông Quang tâm sự.

Đưa người nhà vào điều trị tại phòng bệnh ở khu C5 – khu điều trị tim mạch tổng hợp, vì quá nhiều bệnh nhân, nên có thời điểm mỗi giường có tới năm, sáu bệnh nhân (chưa tính cả người nhà chăm nom). Do vậy, ông Quang phải thuê giường với giá 200.000 đồng bên phòng điều trị tự nguyện cho bố nằm. Còn ông mua chiếc giường xếp giá 220.000 đồng, một ổ khóa giá 50.000 đồng, chiếc màn chụp 150.000 đồng để nằm ngủ ngoài hành lang.

“Phải mua ổ khóa để khóa giường lại những lúc đi thăm nom cụ hoặc ra ngoài, nếu không sẽ bị thất lạc” – ông Quang cho biết.

Theo quan sát của chúng tôi, trong phòng điều trị cho bệnh nhân tim mạch ở khu C5, khoảng 12 giường bệnh, nhưng có ít nhất 50 người, gồm cả bệnh nhân và người thân cùng nằm cả trên giường lẫn dưới gầm giường; nằm kín các lối đi. Một số người mua giường xếp, chiếu cói ra ngoài hành lang nằm ngủ.

Những giấc ngủ không trọn vẹn ngoài hành lang tại bệnh viện Bạch Mai
Những giấc ngủ không trọn vẹn ngoài sân tại bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Chị Thanh, một bệnh nhân bị hở van tim, đang điều trị hồi sức tại khu C5, bệnh viện Bạch Mai (sau khi được phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức) nói: Bệnh nhân bị bệnh tim rất nguy hiểm, cần có giường bệnh đầy đủ, nhưng vì quá tải, phòng chị nằm chỉ có 12 chiếc giường mà đến 50 người.

Bệnh nhân này cho biết, từ hôm vào viện đến giờ (hơn hai tuần) đều ra ngoài hành lang nằm giường xếp. Sáng dậy, đến giờ tiêm thuốc, chị lại vào phòng từ sớm hoặc chờ người khác tiêm xong, đến lượt mình.

Hai vợ chồng anh Toàn (quê ở Đại Từ, Thái Nguyên) đi nuôi bố (48 tuổi) bị hở van tim, cũng phải cắn răng chịu đựng bão giá. Hiện, bố vợ anh Toàn đang phải điều trị hạ sốt, diệt vi khuẩn viêm nhiễm rồi chuyển sang điều trị hở van tim.

“Năm trước ông có mua bảo hiểm nhưng tháng ba năm nay bị mất chứng minh thư nhân dân, chưa làm lại được, nên ông chưa mua. Tính đến hôm nay, sau một tuần điều trị, gia đình chi hết 25 triệu đồng. Còn riêng về ăn uống của vợ chồng, mỗi ngày cũng hết 100 - 120.000 đồng” – anh Toàn cho biết.

Phòng điều trị tim mạch tổng hợp C5 (bệnh viện Bạch Mai) tối thứ 7 (17-9)
Phòng điều trị tim mạch tổng hợp C5 (bệnh viện Bạch Mai) tối thứ bảy (17-9). Ảnh: Tuấn Nguyễn
 

Tốn kém

Bị bệnh suy tim, phải mổ từ năm 2007, sau gần năm năm, thì căn bệnh của bà Hòe (quê Nghi Lộc, Nghệ An) tái phát. Bà bị tắc cầu nối chủ vành và phải ra Hà Nội điều trị.

Ông Long, chồng bà Hòe cho biết, năm 2007, chi phí mổ cho bà hết 125 triệu đồng. Gia đình ông phải đi vay anh em, hàng xóm, rồi vay ngân hàng, cắm sổ đỏ để có tiền chữa trị cho vợ. Chưa trả hết số nợ đó thì nay bà lại phải nhập viện.

Theo ông Long, giờ nếu mổ cho bà Hòe cũng mất khoảng 200 triệu đồng, bảo hiểm chỉ chi trả một phần nào. Chưa thể vay đủ tiền chữa trị, bà nhà đành phải ở lại thuốc thang, chờ sức khỏe đỡ hơn rồi mua thuốc xin về nhà tự điều trị. Mấy năm trước, cứ ba, sáu tháng, ông lại phải cắt cử người thân ra Hà Nội mua thuốc cho bà nhà, mỗi đợt hết khoảng sáu, bảy triệu đồng tiền thuốc.

Vợ nhập viện được ba hôm, ông Long phải chạy mua giường xếp cùng màn chụp, chăn gối cho bà ra ngoài hành lang nằm vì trong phòng quá ngột ngạt. Hằng đêm, ông thường uống chè đặc để thức trông vợ ngủ. Sáng sớm, bà dậy làm thuốc, ông mới tranh thủ chợp mắt.

Cùng chung cảnh ngộ, anh Thành (38 tuổi, quê ở Ninh Giang, Hải Dương) cùng vợ đưa con tên Sơn (11 tuổi) bị bệnh u não, lên điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Sau hai tuần nằm viện, các bác sĩ cho biết, khối u của cháu bị cứng, không thể mổ được.

Có người khuyên anh Thành nên chuyển cháu sang bệnh viện Việt – Đức, có thể khắc phục được 30-40% tình trạng sức khỏe. Song gia đình quá khó khăn, không đủ tiền (dù cháu có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội dành cho học sinh). Cả nhà chỉ trông vào một sào 13 thước ruộng. Số tiền anh đi phụ hồ, bốc vác và tiền bán rau củ của vợ chỉ được khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/tháng...

“Cháu phải nằm trong phòng hồi sức cấp cứu, cách ly hoàn toàn với bố mẹ. Từ hôm biết tin bác sĩ bảo không thể chữa trị cho cháu, vợ chồng tôi suy sụp hoàn toàn. Vợ tôi cứ khóc suốt, thương con không nuốt nổi miếng cơm. Nhìn hai mẹ con, tôi cũng không cầm được nước mắt” – anh Thành nghẹn ngào.

22 ngày ở bệnh viện, vợ ngồi ngoài hành lang thao thức trông con, còn anh Thành phải thuê trọ nghỉ qua đêm với giá 15.000 đồng/tối vì bảo vệ không cho ngủ trong bệnh viện. Nhiều hôm không còn tiền trong túi, anh đành thức trắng đêm, chờ sáng dậy mới vào trong bệnh viện tranh thủ ngủ trên dãy hành lang hoặc ghế đá. Ăn uống với anh cũng thất thường, bữa đói bữa no, phải dành tiền để thuốc thang cho cháu.

Trước thông tin Bộ Y tế điều chỉnh viện phí vào năm 2012, nhiều người (trong đó chủ yếu là người nghèo mắc bệnh nặng, không có bảo hiểm) đang rất lo lắng, không biết phải vay mượn bằng cách nào khi họ đã cắm hết sổ đỏ, bán hết ruộng vườn để chữa bệnh... Vay được rồi cũng không biết lấy đâu ra để trả cho hết khoản nợ khổng lồ đó.

 * Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.

Theo Viết
MỚI - NÓNG