Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 7/11, Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về Luật giá và Luật Đấu thầu sửa đổi.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính. (Ảnh: Như Ý) |
Góp ý cho dự án Luật Đấu thầu sửa đổi, đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TAND TP. Hà Nội cho biết, qua thực tiễn xét xử thấy một số quy định đã phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện, trong đó chưa quy định hồ sơ mời thầu, trong khi đây lại là nội dung rất quan trọng, nếu không quy định chặt chẽ, dẫn tới tình trạng cài cắm, tạo cạnh tranh không bình đẳng, tiêu cực xảy ra.
Theo ông Chính, nhiều vụ án, nhiều vụ việc rất đau xót cho chủ đầu tư. "Ví dụ, Bệnh viện Bạch Mai, người ta làm tốt công tác chuyên môn, nhưng khi giao cho làm chủ đầu tư, lại không biết chức năng thầu như thế nào, dẫn tới tình trạng vì không hiểu thủ tục đấu thầu mà vi phạm pháp luật, rất đáng tiếc", Chánh án TAND TP. Hà Nội nói.
“Vụ AIC chuẩn bị xét xử, 'quân xanh' hầu như là quân do AIC chỉ định thầu, nếu đứng ra đấu thầu thì AIC sẽ cho mua sắm trang thiết bị, từ đó tất cả 'quân xanh' đều làm theo”
“Đây là vấn đề mà chúng ta cần phải xem xét. Do vậy, trong công tác quản lý, phải có sự phối hợp nhịp nhàng từ trên xuống dưới, từ Trung ương xuống địa phương và từ chủ đầu tư, người tham gia đấu thầu”, ông Chính đề nghị.
Cũng vì không có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với người tham gia đấu thầu nên theo ông Chính, một số đơn vị dù không có năng lực nghiệp vụ, một số lợi dụng quan hệ, dẫn đến tình trạng thông thầu rất dễ, cực kỳ dễ. “Vụ AIC chuẩn bị xét xử, 'quân xanh' hầu như là quân do AIC chỉ định thầu, nếu đứng ra đấu thầu thì AIC sẽ cho mua sắm trang thiết bị, từ đó tất cả 'quân xanh' đều làm theo”, từ ví dụ trên, ông Chính đề nghị cần căn cứ vào thực tiễn để đưa ra giải pháp hiệu quả, quy định cho chặt chẽ, nếu không tiêu cực vẫn sẵn sàng xảy ra.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. (Ảnh: Như Ý) |
Nên bỏ quỹ bình ổn
Đề cập đến quỹ bình ổn giá, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho rằng, bản chất quỹ này hoạt động trên cơ chế “tiền từ túi này sang túi khác”, người dân ứng tiền trước để sử dụng vào thời gian sau.
Với những mặt hàng thiết yếu, giá hàng hoá thay đổi theo thời gian thực, song công cụ quỹ bình ổn giá lại quá chậm so với tốc độ thay đổi của thị trường. Vì vậy, hiệu quả điều chỉnh của quỹ không cao, mà quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay là một ví dụ.
Mặt khác, theo bà Hà, quỹ này được hình thành từ nguồn tiền đóng góp của người dân, nhưng quyết định sử dụng lại do cơ quan Nhà nước thực hiện, người dân không tiếp cận thông tin của việc sử dụng quỹ, nên thiếu tin tưởng vào sự minh bạch trong vận hành quỹ. “Do vậy, dự thảo luật giá nên bỏ quy định về quỹ bình ổn giá”, đại biểu đề nghị.
Với những mặt hàng thiết yếu, giá hàng hoá thay đổi theo thời gian thực, song công cụ quỹ bình ổn giá lại quá chậm so với tốc độ thay đổi của thị trường. Vì vậy, hiệu quả điều chỉnh của quỹ không cao, mà quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay là một ví dụ.
Vấn đề quan trọng khác, định giá thương hiệu, tài sản nhà cửa cơ sở khám chữa bệnh. "Ví dụ Bệnh viện Xanh Pôn, để định giá thương hiệu, tài sản đưa vào đề án liên doanh liên, gặp rất nhiều lúng túng, có thể dẫn đến rất nhiều sai phạm khi thực hiện mô hình liên doanh liên kết. Tôi mong muốn bổ sung nguyên tắc để làm căn cứ định giá thương hiệu cũng như tài sản nhà cửa của cơ sở khám bệnh chữa bệnh", bà Hà kiến nghị.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, cho biết, lâu nay, nhất là trong dịch bệnh, dư luận phản ánh nhiều doanh nghiệp "bán hàng cắt cổ, ăn trên xương máu nhân dân, nhưng thử hỏi đã có căn cứ nào xử phạt hay không?".
Theo bà Lan, trước năm 1975, các nhà thuốc hoạt động rất ổn định bởi có quy định giá trần và sàn, tỷ lệ lợi nhuận bao nhiêu, từ khâu bán sỉ đến bán lẻ. Nhưng bây giờ không có những quy định tương tự như thế.
"Biên độ tỷ suất lợi nhuận phải được quy định với một số mặt hàng ảnh hưởng tới trực tiếp người dân như thuốc, lương thực, thực phẩm, xăng dầu", bà Lan nói.