Chàng Việt kiều ví rỗng từng suýt chết khi xuyên Việt

Chàng Việt kiều ví rỗng từng suýt chết khi xuyên Việt
Trong hành trình xuyên Việt năm ngoái, bên cạnh trải nghiệm tuyệt vời, Trần Hùng từng bị ngộ độc, bị dọa vào tù. Giờ đây anh lại lên đường từ Hà Nội đến TP.HCM để gây quỹ từ thiện.

Chàng Việt kiều ví rỗng từng suýt chết khi xuyên Việt

> Việt kiều muốn đi bộ từ Bắc vào Nam với ví rỗng
> Dân phượt kể chuyện thoát hiểm

Trong hành trình xuyên Việt năm ngoái, bên cạnh trải nghiệm tuyệt vời, Trần Hùng từng bị ngộ độc, bị dọa vào tù. Giờ đây anh lại lên đường từ Hà Nội đến TP.HCM để gây quỹ từ thiện.

Trần Hùng trong hành trình đi xuyên Việt năm 2012
Trần Hùng trong hành trình đi xuyên Việt năm 2012.

Trong khi đó, chuyến đi lần 2 của anh từ ngày 21/4 nhằm quyên góp từ thiện cho trẻ em nghèo và hỗ trợ nông dân. Chuyến đi bắt đầu từ Hà Nội vào TP.HCM, dự tính trong khoảng thời gian 40 ngày.

Trần Hùng đã có những chia sẻ về hành trình mới của mình.

Được nhiều người biết đến khi đi bộ xuyên Việt với ví tiền trống rỗng để chứng minh lòng tốt của người Việt Nam. Mọi người thắc mắc vì sao lại phải chứng minh điều đó, phải chăng người Việt không tốt?

Khá nhiều người hiểu nhầm mục đích chuyến đi đó của tôi. Tôi không đi với mục đích chứng minh lòng tốt của ai cả. Ở đâu cũng có cả người tốt và người xấu. Sự thực đó không cần ai chứng minh. Chuyến đi đó của tôi là một hành trình rất cá nhân.

Anh chọn cách đi bộ xuyên Việt và không cần tiền để chứng minh. Giờ chuyến đi đã kết thúc, anh thấy việc làm đó của mình có đúng đắn và thành công không?

Tôi nghĩ chuyến đi của tôi đã rất thành công. Mục đích của việc đi bộ là để có cơ hội được gặp gỡ và nói chuyện với nhiều người. Nếu tôi đi bằng xe hay mang theo tiền, tôi sẽ không muốn dừng lại, tôi sẽ bỏ lỡ cơ hội được gặp những con người tuyệt vời. Chuyến đi được thực hiện để tôi hiểu thêm về Việt Nam. Và điều tôi học được là Việt Nam đa dạng mà độc đáo vô cùng, đến mức chắc là sẽ không bao giờ tôi biết hết về đất nước mình.

Vậy nhận định và lập trường của anh về lòng tốt của người Việt Nam trước và sau khi chuyến đi liệu có thay đổi?

Nhận định của tôi không thay đổi là mấy. Cách sống của người Việt Nam rất khác với người Mỹ, nhưng họ sống rất tình cảm. Phần lớn mọi người đều tốt bụng và hiếu khách, họ sẽ sẵn sàng cố gắng chỉ để đảm bảo rằng khách của họ được thoải mái và vui vẻ. Nhưng đương nhiên, như ở tất cả những nơi khác, cũng có một vài người không tốt.

Trong hành trình đó, anh có những kỷ niệm nào đáng nhớ nhất. Anh có được nhiều người giúp đỡ mình không?

Tôi đã có rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời và cả những điều tồi tệ nữa mà tôi có kể lại trong cuốn sách của mình. Người Việt Nam rất hiếu khách và hào hiệp, nhiều người đã giúp tôi trên đường đi. Tôi đã thực sự yêu thích công việc gặt lúa, cấy lúa, đánh cá... Tôi được làm việc cùng mọi người, và rồi sau một ngày dài thì được về nhà nghỉ ngơi. Nhưng cũng có những kỷ niệm không mấy vui vẻ như có lần bị dọa cho vào tù, có lần tưởng như suýt chết vì ngộ độc, và còn có vài người nói những điều không hay về tôi.

Ở Mỹ, có rất nhiều người đi xuyên quốc gia để gây quỹ từ thiện hoặc nâng cao nhận thức của mọi người về một vấn đề nào đó. Vì vậy tôi nghĩ làm một điều tương tự như vậy ở Việt Nam thì sẽ là một ý tưởng rất hay. Tại sao người Việt Nam không làm, hay thậm chí làm tốt hơn, những việc mà người Mỹ đã có thể làm? Tôi muốn truyền cảm hứng cho mọi người, để họ hiểu rằng họ có thể làm được bất cứ việc gì miễn là họ tin vào nó. Đi dọc Việt Nam trong 40 ngày hoặc ít hơn là một ý tưởng điên rồ, nhưng nếu tôi làm được thì ai cũng có thể làm được những điều họ muốn.

Đi xuyên Việt, anh có những trải nghiệm với cuộc sống của người dân
Đi xuyên Việt, anh có những trải nghiệm với cuộc sống của người dân.
Chàng Việt kiều ví rỗng từng suýt chết khi xuyên Việt ảnh 3

Anh có thể bật mí những dự định sẽ làm trong chuyến đi xuyên Việt lần hai?

Cách tốt nhất để tận hưởng những trải nghiệm là không lên bất cứ kế hoạch hay dự định, mong đợi nào. Điều duy nhất tôi chắc chắn là tôi sẽ tới thăm bác Nguyễn Tiến Vởn, vị giảng viên đại học tại Huế. Bác ấy sẽ đưa tôi tới ngôi làng nơi bác đang làm một dự án để hỗ trợ nông dân nuôi bò.

Những điều anh kỳ vọng, mong muốn đạt được ở chuyến đi này là gì?

Đương nhiên là tôi hy vọng có thể gây tiền cho các quỹ từ thiện. Nhưng hy vọng lớn hơn là mong muốn truyền cảm hứng cho nhiều người, đặc biệt là người trẻ, khuyến khích họ nghĩ nhiều hơn và đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Dù là nhiều hay ít, nhưng càng nhiều người hơn tham gia đóng góp thì càng tốt. Tôi đã nhìn thấy những đứa trẻ ngưỡng mộ các ca sĩ hay các vận động viên, tôi muốn trở thành hình mẫu để các em có thể nhìn vào và tôn trọng.

Anh tính mình sẽ làm từ thiện theo cách nào?

Lần này chuyến đi có mục đích lớn để nâng cao nhận thức và gây quỹ từ thiện. Đến cuối năm, tôi hy vọng có thể gây được 200.000 USD, nhưng trong chuyến đi lần này, chúng tôi sẽ cố gắng gây được 25.000 USD đầu tiên, số tiền đó sẽ được chuyển ngay cho 5 hoạt động từ thiện. Chúng tôi sẽ làm việc cùng IG9 để quyên góp tiền và sẽ có các quà tặng cho những ai tới đóng góp. Dự án sẽ chính thức bắt đầu trên trang web vào thứ ba, một ngày sau khi tôi khởi hành.

Đi một mình liệu có buồn? Anh có mong muốn có thêm bạn đồng hành không?

Đi một mình rất là chán. Khi đi một mình trên đường, bạn sẽ bắt đầu nghĩ ngợi và nhớ nhà nhiều hơn. Tôi rất muốn có các bạn tham gia đi cùng tôi. Nếu ai đó có thể đi cùng tôi 100km, 50km hay chỉ 3km thì hãy cho tôi biết. Tôi sẽ đi theo đường Quốc lộ 1A nên sẽ không khó tìm tôi trên đường đâu.

Không biết công việc hiện tại và dự định sắp tới của anh là gì?

Tháng 6, tôi sẽ trở về Mỹ để dự đám cưới của một dì, và để dành thời gian với bà ngoại. Tôi cũng hy vọng có thể xuất bản bản tiếng Anh của cuốn sách để nhiều người hơn có thể hiểu về Việt Nam. Đất nước và con người ở đây thực sự rất tuyệt vời và tôi muốn nhiều người biết đến điều này hơn. Sau đó khoảng một tháng, tôi sẽ trở lại Việt Nam. Tôi muốn thực hiện công việc kinh doanh để tôi có thể giúp đỡ nông dân phát triển và kiếm ra nhiều tiền hơn.

Trần Hùng hay John Hùng Trần sinh ngày 25/3/1989 tại Mỹ trong một gia đình gốc Việt, bố mẹ ly dị từ năm anh 10 tuổi. Anh tốt nghiệp ngành tâm lý tại ĐH Berkeley, Mỹ. Tháng 8/2010, anh đến Việt Nam du học theo dạng trao đổi văn hóa và quyết định lập nghiệp ở đây. Hiện tại anh là MC của kênh truyền hình VTC10 và VTV4 với các chương trình Góc nhìn Việt Nam, Một ngày làm người Việt…

Ngày 10/5/2012, anh quyết định hành trình đi bộ xuyên Việt mà không mang theo tiền. Chuyến đi của anh kéo dài 80 ngày, qua khoảng 20 tỉnh trong cả nước. Từ ngày 21/4, anh tiếp tục chuyến đi xuyên Việt lần 2 hai của minh, chuyến đi dự kiến kéo dài trong 40 ngày.

Theo Như Quỳnh
Infonet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG