Chàng trai người Dao cụt hai tay vào đại học

Chàng trai người Dao cụt hai tay vào đại học
TP - Tai nạn điện giật trong lúc lao động tăng gia tại trường phổ thông dân tộc nội trú đã cướp đi phần lớn đôi tay của Lý Láo Lở (thôn Pạc Tà, xã A Mú Xung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Nhưng chàng trai người dân tộc Dao vốn mồ côi mẹ từ nhỏ này đã lập nên thành tích phi thường - vượt qua số phận bước chân vào cổng trường Đại học.

> Chàng trai không tay người Dao vào đại học

Lý Láo Lở chia sẻ muốn học ngành Khoa học Quản lý để về quê công tác
Lý Láo Lở chia sẻ muốn học ngành Khoa học Quản lý để về quê công tác.

Viết chữ bằng hai cẳng tay

Mẹ mất khi Lở mới 5 tuổi, con đường học hành của cậu bé người Dao Lý Láo Lở (sinh năm 1987) trở nên khó khăn hơn chúng bạn.

Giữa học kỳ một lớp 8, trong lúc lao động tăng gia tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú số 1 Bát Xát (Lào Cai), Lở vác ống nước bằng kẽm đi qua sân trường, bị dòng điện cao thế phóng trúng.

Thầy giáo và các bạn đưa Lở tới cấp cứu tại bệnh viện huyện, rồi Lở được chuyển tới bệnh viện Đa khoa số 1 tỉnh Lào Cai, và đưa về Hà Nội chữa trị. Tai nạn bất ngờ đã cướp đi phần lớn đôi tay của cậu thiếu niên ham học.

Lở cảm thấy vô cùng chán nản. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ người thân. Không khuất phục hoàn cảnh, Lở tập luyện để tự vệ sinh cá nhân, làm việc trong nhà như cơm nước, giặt giũ. Dần dần, cậu học sinh người Dao có thể vác phân bón ruộng, có lúc vác cả bao tải ngô nặng tới 60kg, và đi cày giúp cha mẹ.

Cậu bắt đầu học lại bằng việc... tập viết. Ban đầu, Lở lấy khăn quàng đỏ buộc bút với phần còn lại của cánh tay để viết, nhưng không thành.

Sau đó, Lở dùng chính hai phần cẳng tay còn lại kẹp bút viết. Từ những nét chữ nguệch ngoạc không rõ nét, sau bốn tháng, Lở đã thành công.

Khi Lở xin học lại lớp 8. Câu hỏi đầu tiên mà thầy cô hỏi cậu học sinh là em có viết được không? Lở lặng lẽ viết cho thầy cô và các bạn xem.

Tất cả đều không tin được khi những nét chữ hiện dần trên trang giấy trắng. Phần còn lại của cánh tay đã tạo ra những con chữ ấy.

Ước mơ giúp đỡ người cùng cảnh

Hồi cấp hai, nhà cách trường 3km Lở dậy sớm đi bộ. Lên cấp ba, phải vượt 11km mới đến được lớp, Lở tập đi xe đạp. Lở chế hai ống nhựa nối với ghi đông, gắn vào phần cánh tay còn lại.

Lúc đầu chưa quen, bị ngã, xước khắp mình, nhưng rồi Lở cũng điều khiển được chiếc siêu xe, vượt qua những con dốc của vùng núi Bát Xát tới trường.

Lý Láo Lở rất ham đọc sách
Lý Láo Lở rất ham đọc sách.

Học THPT, Lở nghĩ phấn đấu trở thành giáo viên, để đem con chữ về quê mình. Nhưng nhiều khi giật mình, lại băn khoăn: Với đôi tay như thế này, liệu các học sinh có chấp nhận mình không!? Suốt những năm cấp ba, việc tìm một ngành học, một nghề nghiệp phù hợp với hoàn cảnh của mình cứ đeo đẳng Lý Láo Lở.

Cuối cùng, Lở chọn ngành Khoa học Quản lý, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) để theo đuổi. Và nỗ lực, cuối cùng được đền đáp.

Xuống Hà Nội nhập học với hơn một triệu đồng trong tay, cậu tân sinh viên Khoa Khoa học Quản lý, tìm căn gác nhỏ chưa đầy 10m2 tại Phú Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) ở trọ. Lở bảo, ở xa trường một chút nhưng có thể tiết kiệm được tiền.

Lúc đầu, nhiều người cùng khu trọ lo lắng cho hoàn cảnh của chàng tân sinh viên người dân tộc. Đáp lại những ánh mắt ái ngại đó, Lở cười hiền, đáp: Em có thể làm được mọi việc, chỉ hơi chậm chút thôi.

Không những chỉ tự lo nấu cơm, giặt giũ..., Lý Láo Lở còn làm mọi người ngạc nhiên hơn khi gõ bàn phím thành thạo.

Lở bật mí, làm quen với máy tính khi học môn tin học ở trường, và có email từ năm 2011. Lở tâm sự, giá mà có cái máy tính, sẽ học được nhiều hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.