Huỳnh Thế Thiện đang nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Viện Công nghệ Quốc gia Kumoh, Hàn Quốc. Năm 2011, chàng trai xứ dừa Bến Tre tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật điện tử, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Năm 2013, lúc đang học cao học anh đã có bài báo khoa học đầu tiên được trình bày tại hội nghị quốc tế.
TS Thiện kể, trong thời gian học cao học, Giáo sư Lê Tiến Thường (khoa Điện - Điện tử, ĐH Bách khoa TPHCM) là người dẫn dắt, định hướng và truyền niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho anh.
Tại thời điểm đó, Giáo sư Lê Tiến Thường là một trong số ít các giáo sư đầu ngành về lĩnh vực xử lý tín hiệu số và điện tử viễn thông.
Giáo sư Thường đã tin tưởng, giới thiệu học bổng giáo sư tại trường ĐH Kyung Hee (Hàn Quốc) cho Huỳnh Thế Thiện ngay sau khi anh hoàn thành chương trình cao học (năm 2014).
TS Huỳnh Thế Thiện leo núi tại núi Geumosa, thành phố Gumi, tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc |
Những ngày đầu đặt chân đến xứ sở Kim Chi, Thiện phải đối mặt với cú sốc lớn. Trong khi anh mong muốn được tiếp tục nghiên cứu như đã từng học ở Việt Nam, nhưng giáo sư hướng dẫn giao nhiệm vụ, yêu cầu nghiên cứu về thị giác máy tính kết hợp với dữ liệu lớn, nhằm phục vụ cho dự án đang triển khai của phòng lab.
“Thời điểm đó, chỉ có mình tôi nghiên cứu về thị giác máy tính. Trước đó, hầu như không có ai trong lab làm về mảng này nên hoàn toàn mới mẻ. Trong hoàn cảnh đó, tôi hoang mang và muốn đổi sang lĩnh vực khác phù hợp hơn”, TS Thiện kể.
Sau nhiều đêm cân nhắc, cuối cùng anh quyết định theo Giáo sư hướng dẫn về lĩnh vực thị giác máy tính và xử lý dữ liệu lớn. Anh xem đây là thử thách trong đời phải trải qua và quyết tâm vượt khó, chinh phục lĩnh vực mới mẻ này.
3 bằng sáng chế tại Hàn Quốc
Công trình nghiên cứu có ý nghĩa nhất với TS Thiện là bài báo về Thuật toán trích xuất ảnh nền độ chính xác cao giúp phát hiện vật thể chuyển động trong video đăng trên tạp chí uy tín của Hội Kỹ sư Điện và Điện tử, Hoa Kỳ.
TS Thiện báo cáo bài báo khoa học tại hội nghị chuyên ngành ở Pháp năm 2019 |
“Dù đây không phải là bài đầu tiên, hay là bài có hệ số ảnh hưởng cao nhất, nhưng là bài báo mà tôi dành nhiều tâm huyết và công sức trong quá trình phản biện. Từ bài báo này tôi phát triển lên thành luận văn Tiến sĩ và gắn liền với một bằng sáng chế”, TS Thiện nói.
Anh Thiện chia sẻ, kiến thức về dữ liệu lớn, thị giác máy tính đều có thể phục vụ cho lĩnh vực nghiên cứu xử lý ảnh. Anh mày mò nghiên cứu tìm cách ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) phát hiện, nhận dạng hành động của con người. Thành công của nghiên cứu này đã giúp anh nhận được ba sáng chế được đăng ký ở Hàn Quốc.
“Tôi mong có cơ hội được truyền ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho thế hệ sinh viên trong tương lai, giống như những gì thầy Thường đã trao cho tôi”.
TS Huỳnh Thế Thiện
Các sáng chế của anh còn được ứng dụng vào nền tảng xử lý dữ liệu lớn về chăm sóc sức khỏe thông minh thông qua thiết bị có kết nối internet. Ngoài chức năng xử lý ảnh dựa trên AI, hệ thống có thể phân tích và đánh giá về sức khỏe người dùng, đưa ra cảnh báo được và gửi đến thiết bị cá nhân về hành vi có nguy cơ gây chấn thương.
Sáng chế của TS Thiện được ứng dụng nhận dạng hành động/hành vi của con người; phân loại và phát hiện các hành vi bất thường của người bệnh, phát hiện người già té ngã trong nhà bằng hệ thống camera thông minh…
Hướng về quê hương
Với những thành tích ấn tượng trong học tập, nghiên cứu, TS Huỳnh Thế Thiện được tin tưởng giao làm chủ nhiệm đề tài khoa học cấp quốc gia của Hàn Quốc về: Thuật toán học cho xử lý video giúp cảnh báo sớm các hành vi nguy hiểm ở người.
Mặc dù hoàn toàn có nhiều cơ hội làm việc tại Hàn Quốc và một số quốc gia khác với điều kiện làm việc, đãi ngộ hấp dẫn, nhưng anh chọn con đường trở về quê hương Việt Nam để làm việc, cống hiến.
Hiện anh dành thời gian nghiên cứu sau tiến sĩ nhằm tích lũy thêm nhiều kiến thức chuyên sâu, cũng như mở rộng kết nối với các nhà khoa học cùng lĩnh vực trên thế giới.
TS Huỳnh Thế Thiện tại gian trải nghiệm mạng 5G đặt tại trung tâm nghiên cứu của trường. ẢNH: NVCC |
Anh Thiện cho biết, về Việt Nam, anh tiếp tục nghiên cứu phát triển các thuật toán khác không chỉ trong lĩnh vực xử lý ảnh, thị giác máy tính mà còn sang lĩnh vực thuyền thông và thông tin liên lạc.
TS Thiện mở rộng ra hướng nghiên cứu áp dụng AI cho viễn thông (như mạng hay 5G) nhằm nâng cao chất lượng đường truyền và các dịch vụ đi kèm.
TS Huỳnh Thế Thiện là đồng tác giả của 3 bằng sáng chế, chủ nhiệm một dự án nghiên cứu cấp quốc gia tại Hàn Quốc, có 73 bài báo khoa học quốc tế. TS Thiện còn là biên tập khách mời cho tạp chí ISI Remote Sensing (IF: 4.509); tham gia phản biện cho các tạp chí chuyên ngành... Năm 2020, anh là 1 trong 10 tài năng trẻ được T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng Quả Cầu Vàng.