Máy có công năng nhân bản ra bất cứ sản phẩm nào hữu ích cho cuộc sống bằng phương thức đưa mẫu vào quét bằng tia laser. Muốn tạo ra một búp bê từ búp bê nguyên bản chỉ cần đổ nguyên liệu là nhựa vào thùng máy. Một bên dùng sản phẩm nguyên bản quét qua tia laser, máy sẽ nhận dạng và phun từng lớp nhựa mỏng cho đến khi ra thành phẩm giống hệt sản phẩm ban đầu. Những gì Hùng mang đến cuộc thi khiến ban giám khảo bất ngờ bởi một học sinh chưa từng được học công nghệ, lập trình lại có bước đột phá về công nghệ.
“Khi sáng chế Máy tạo mẫu công nghiệp mọi thứ rất mơ hồ, thậm chí là ảo tưởng nhưng em đã nghĩ, mình tuổi trẻ, mỗi lần làm là một trải nghiệm nên không hình dung ra thành công hay thất bại, vẫn cứ theo đuổi đến cùng”.
Cao Quang Hùng, học sinh trường THPT Nguyễn Huệ
Vốn đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật từ nhỏ nên trong một lần vào bệnh viện Hà Tĩnh thăm người ốm, chứng kiến cảnh những người tàn tật mất tay chân phải mua tay chân giả với giá rất cao, Hùng đã nảy ý định nghiên cứu ra loại máy có thể sản xuất ra sản phẩm nhanh, rẻ hơn. Giỏi Ngoại ngữ, Toán, Lý, lại thích mày mò, Hùng bắt tay vào nghiên cứu lập trình, phương pháp thiết kế cơ điện. “Từ đầu chưa được học, chưa có nhiều kiến thức nên em phải đọc nhiều sách, tài liệu nước ngoài, tham gia các hội cơ điện tử để mày mò từng tý một”, Hùng tâm sự.
Khi lập trình xong được phần mềm cơ bản trên máy tính, Hùng bắt tay vào thiết kế sản phẩm. Đó là những tháng ngày cậu học trò vùng biển đi gom, nhặt từng cái đinh, ốc về tự tạo ra khung máy và những chi tiết riêng. Có chi tiết khó quá Hùng lập trình trên máy rồi gửi sang Trung Quốc nhờ thiết kế.
Đam mê sáng tạo
Nhớ lại những ngày đầu, Hùng chia sẻ: “Trường có mỗi phòng thí nghiệm, nhưng em được thầy cô tạo điều kiện thoải mái vào phòng nghiên cứu. Say sưa tìm hiểu, có hôm ngửng lên trời đã sáng”.
Sau gần 1 năm nghiên cứu, Hùng cho ra đời sản phẩm máy hoàn chỉnh nặng khoảng 20 kg trong niềm vui vỡ òa của cả thầy và trò. Chi phí mua thiết bị để lắp đặt máy chỉ hết khoảng 9 triệu đồng.
Khi công đoạn lắp đặt hoàn thành, Hùng thử nghiệm cho ra đời khoảng 30 sản phẩm khác nhau như: Vịt nhựa, tay chân giả, búp bê, các vật dụng trong nhà… với giá thành rẻ bằng 1/5 khi mua ngoài thị trường. Rồi Hùng đem sản phẩm đi dự thi. Sản phẩm tiến thẳng vào vòng chung kết và giành giải cao nhất.
Hùng nói: “Khi biết tới tính ứng dụng của sản phẩm, nhiều công ty đã đề nghị mua lại với giá cao nhưng em muốn nghiên cứu để phát triển thêm. Khi đạt được tính năng như mong muốn, em sẽ nhượng lại cho đơn vị nào có nhu cầu sản xuất liên quan đến thiết bị y tế hoặc đồ chơi
trẻ em”.
Sinh ra trong một gia đình có bố là nông dân, mẹ là giáo viên tiểu học xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh, từ nhỏ Hùng học giỏi và ham khám phá, sáng tạo ra rất nhiều đồ chơi. Khi còn là học sinh lớp 6, Hùng sáng tạo thành công mô hình Tên lửa nước (máy có thể bay bằng nước). Lớp 8, Hùng đạt giải 3 Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc. Cũng cuộc thi này, lớp 9, Hùng tiếp tục giật giải Nhì với sản phẩm: Máy lọc nước từ năng lượng mặt trời.
Với đam mê và khả năng sáng tạo không ngừng nghỉ, Hùng dự định năm nay sẽ thi vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Hiện tại, Hùng đang rủ một số học sinh cùng trường thành lập nhóm sáng tạo ra những sản phẩm đơn giản nhưng có ý nghĩa trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương để hỗ trợ nông dân. Sản phẩm đang trong quá trình hoàn thiện nên Hùng chưa tiết lộ. Hùng tự tin sẽ chế tạo thành công nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao.