Chàng trai 9X mang ví giặm tới Thủ đô

Phong (bìa phải) trong một buổi tập luyện cùng CLB tại đình Xuân La. Ảnh: NVCC.
Phong (bìa phải) trong một buổi tập luyện cùng CLB tại đình Xuân La. Ảnh: NVCC.
TP - Bằng niềm đam mê, tình yêu dân ca ví giặm, Lê Thanh Phong, sinh năm 1992 (phường Trung Đô, thành phố Vinh, Nghệ An) đã thành lập Câu lạc bộ UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ ngay giữa lòng Hà Nội nhằm góp phần duy trì, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trưởng thành từ cái nôi ví giặm

Lê Thanh Phong sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật nên từ nhỏ đã sớm bộc lộ khả năng hát dân ca. Những lời ru của bà, những làn điệu dân ca của mẹ, tiếng đàn của bố, của bác đã đi vào lòng và tạo cho Phong niềm say mê ca hát.

Lúc biết ê a, Phong được bà, mẹ truyền dạy những làn điệu ví giặm. Phong còn theo học các lớp dạy và hát dân ca trên truyền hình tỉnh do NSƯT Hồng Lựu đứng lớp. Từ lâu, chàng trai 9X xứ Nghệ đã tham gia tích cực phong trào dân ca trong nhà trường, các cuộc thi hát dân ca do Sở GD&ĐT, Tỉnh Đoàn Nghệ An tổ chức và đều đạt giải cao. Không chỉ có chất giọng mượt mà, trong trẻo, Phong còn có khả năng chuyển thể các bài hát hiện đại thành những làn điệu dân ca. Năm 2009, khi đang học lớp 11, Phong dự thi Tiếng hát tuổi hồng toàn quốc tại Hà Nội và giành HCV với tác phẩm: “Những lời thầy chưa kể”, đây là một bài hát của nhạc sỹ Thanh Sơn được Phong chuyển thể dân ca và thể hiện thành công.

Ví giặm giữa lòng Thủ đô

Là người con trên quê hương ví giặm nên khi ra Hà Nội học, Phong đã có ấp ủ dự định tập hợp những người con xứ Nghệ yêu dân ca ví, giặm để mỗi khi nhớ quê lại ngồi hát với nhau. Và ý tưởng của Phong được nhiều người tán thành.

Chàng trai 9X mang ví giặm tới Thủ đô ảnh 1

Chàng trai xứ Nghệ còn diễn xuất tốt nhiều loại hình dân ca khác nhau. Ảnh: NVCC.

Sau một thời gian chuẩn bị, Câu lạc bộ (CLB) UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ do Phong sáng lập kiêm chủ nhiệm ra mắt ngày 26/3/2014. Ban đầu CLB có tên là Dân ca Ví giặm nhằm phục vụ cho những người Nghệ Tĩnh xa quê, nhất là những sinh viên mê ví giặm ở ĐH Văn hóa nơi Phong đang theo học. Sau gần một năm hoạt động, CLB được bảo trợ bởi Liên hiệp UNESCO Việt Nam và có tên gọi như ngày hôm nay. CLB còn có sự tư vấn, chỉ đạo nghệ thuật của Trung tâm Phát triển âm nhạc nghệ thuật Việt Nam, và Trung tâm Bảo tồn phát huy di sản dân ca xứ Nghệ. Hiện, địa chỉ sinh hoạt chính thức của CLB là đình Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội) vào chiều thứ năm hàng tuần. Đây cũng là nơi giới thiệu và quảng bá văn hóa lịch sử của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Mỗi buổi sinh hoạt, biểu diễn, Chủ nhiệm 9X thường cho các thành viên trong CLB mặc những trang phục đúng tinh thần của ví giặm là váy đụp xòe của nữ, áo và quần thâm của nam. Nội dung các buổi sinh hoạt được đem về gần không gian xưa với 3 chặng hát: hát chào, hát đố - hát xe kết và hát tiễn. Để phục vụ tốt hơn cho việc sinh hoạt, biểu diễn của CLB, mỗi khi về quê Phong thường tìm đến những nghệ nhân, nghệ sỹ ưu tú để chép lời, học thêm những làn điệu ví giặm.

Từ 20 thành viên ban đầu, đến thời điểm hiện tại CLB đã quy tụ được hơn 100 người, đa số đều thuộc thế hệ 9X. Đặc biệt, các thành viên của CLB không chỉ có con dân xứ Nghệ mà còn có nhiều bạn trẻ đến từ các tỉnh thành khác nhau. “Có được thành quả này em cũng vừa mừng, vừa lo. Mừng vì ví giặm được truyền bá rộng rãi, nhưng đi cũng với đó, em cũng trăn trở nhiều vì làm sao để truyền đạt cho các bạn trẻ hiểu cặn kẽ hơn về tính chất biểu cảm, không gian diễn xướng của ví, giặm chứ không chỉ là học hát các làn điệu đơn thuần”, Phong bộc bạch.

Mong ví giặm lan tỏa

Trong thời gian tới, Chủ nhiệm CLB UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ mong muốn sẽ tổ chức chương trình liên hoan dân ca ví giặm tại Hà Nội với sự quy tụ các nghệ sỹ hát ví giặm tên tuổi cùng hàng chục CLB ví giặm ở thủ đô và Nghệ - Tĩnh. Xa hơn, Phong dự định sẽ quảng bá ví giặm cho những khách du lịch khi tới thủ đô có thể nghe hát dân ca ví giặm để di sản này được phổ biến ngày càng sâu rộng trong và ngoài nước.

“Từ CLB ví giặm của Lê Thanh Phong ở Hà Nội, tôi mong và tin tưởng rằng mô hình này sẽ ngày càng được nhân rộng với cộng đồng người Nghệ Tĩnh trong nước và trên thế giới”, NSƯT Hồng Lựu, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh nhận xét.

Hiện, Phong đã tốt nghiệp Khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật, ĐH Văn hóa Hà Nội và đang theo học chuyên ngành hát chầu văn ở Học viện Âm nhạc Huế. Chàng trai xứ Nghệ đang là biên tập viên bản tin văn hóa Việt của VTC10, vừa là biên tập viên Bản Văn hóa sự kiện & truyền thông của kênh truyền hình Lifetv. Phong có thể hát tốt nhiều dòng dân ca nhưng vẫn có niềm đam mê đặc biệt với ví giặm quê nhà. 

MỚI - NÓNG