Chàng thanh niên làm “bà đỡ” cho bò sữa

Phong chăm sóc bò sữa
Phong chăm sóc bò sữa
TP - Không chỉ vươn lên làm giàu trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, với cương vị Phó chủ nhiệm HTX bò sữa Quảng Lập, chàng trai 8X Lê Đình Phong còn thường xuyên vác tù và hỗ trợ những người mới nhập môn.

Dám dấn thân

20 tuổi, Phong tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Công nghiệp 2 và vào làm việc tại một công ty thủy sản ở TPHCM. Tuy nhiên do lương quá ít ỏi nên Phong bỏ việc, khăn gói về quê.

Với những kinh nghiệm tích lũy được từ những năm tháng học tập, mưu sinh tại thành phố năng động nhất nước, anh bàn với gia đình đầu tư hàng trăm triệu đồng sửa chữa, tân trang căn nhà mặt tiền của gia đình ở trung tâm xã Quảng Lập (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) và sắm mấy chục máy vi tính mở tiệm internet.

Được vài năm thấy gặp nhiều bất lợi trong cạnh tranh, anh Phong bán dần máy móc, chuyển sang sản xuất nông nghiệp.

Cuối năm 2012, thấy họ hàng, bạn bè ở Bắc Hội (Đức Trọng, Lâm Đồng) ăn nên làm ra với con bò sữa HF Hà Lan, anh Phong cùng cha mẹ hùn vốn chuyển hướng làm ăn. 

“Ban đầu vợ chồng tui cũng bàn ra dữ lắm vì gia đình chưa có kinh nghiệm, trong khi vốn đầu tư quá lớn. Sau đó theo con trai đi tham quan một số chuồng trại, nghe những người nuôi bò sữa lâu năm nói trong vòng hai năm có thể thu hồi vốn và có lãi nên tui cũng xiêu lòng”, mẹ anh Phong kể.

Những tháng đầu anh Phong chỉ nuôi thử 1 - 2 con, sau đó nâng dần lên 3 - 4 con. Dẫu đã dành nhiều công sức học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và những tài liệu đăng tải trên mạng nhưng tai họa bất ngờ ập đến. Giữa khuya, bò cái đau bụng đẻ mà lại đẻ ngược. 

Khi mời được thú y đến thì bò đuối sức lăn ra chết. Con bò trị giá 70 triệu đồng phải cấp tốc mang ra xẻ thịt bán chưa tới chục triệu. Tiếp đến do cho bò ăn uống chưa đúng cách nên một con bò cái bị liệt dạ cỏ (chướng hơi, không nhai lại, không tiêu hóa được) rồi chết.

Trong vòng hơn một năm, các sự cố về sinh sản, ăn uống… đã khiến anh Phong mất 4 bò cái, mỗi con trị giá từ 60 - 70 triệu đồng. “Vài trăm triệu đối với nhà nông là lớn lắm. Bởi thế, có những lúc mình chết điếng, bần thần không nhấc nổi chân tay nhưng sau đó tự trấn an mình rằng làm ăn có lúc được lúc thua, ngành nghề nào cũng có rủi ro, hao tài nhưng được kinh nghiệm”. Anh Phong thổ lộ.

Thấm thía cái giá của sự thiếu kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, chàng trai 8X nghiên cứu kỹ hơn về các loại dịch bệnh có thể xảy ra cho bò sữa và quyết học nghề thú y để chăm sóc chu đáo và ứng phó kịp thời với những sự cố bất ngờ. Giờ thì anh có thể tự chẩn đoán bệnh, mua thuốc về chích cho đàn bò của mình.

Anh Phong cũng khá thành thạo chuyện đỡ đẻ cho bò. Anh nói phải canh đúng thời gian bò mang thai để tách ra khỏi đàn khoảng 15 ngày trước khi đẻ; kiểm tra thai thuận hay nghịch (thai thuận thì đầu và 2 chân trước hướng ra ngoài) để sửa lại tư thế thai và can thiệp kịp thời nếu có biến cố xảy ra; hỗ trợ những bò mẹ yếu bằng cách kéo thai khi bò đang rặn hoặc dùng lượng thuốc thích hợp để kích thích cho bò rặn…

Chữ tín làm đầu

“Ngày trước, bò bị viêm vú phải kêu thú y tới chích để diệt vi khuẩn. Họ chích kháng sinh nặng khiến sữa bị nhiễm thuốc trong nhiều ngày nên không bán được, phải đổ cho bê hoặc heo uống. Mình tìm hiểu phát hiện loại thuốc mới có thể phân giải nhanh nên khi chích vô không ảnh hưởng tới chất lượng sữa”, anh Phong nói và cho biết thêm: Nếu phát hiện sữa nhiễm thuốc kháng sinh thì các công ty thu mua không những trả lại mà còn phạt không tính tiền sữa cả tuần.

Khâu vệ sinh chuồng trại luôn được chú trọng, sử dụng can inox thay vì can nhựa để đựng sữa nên sản phẩm sữa từ trang trại của anh thường xuyên được Cty Vinamilk trả thêm 300 đồng/kg. Ngoài ra mỗi kg sữa còn được cộng 200 đồng vì trang trại này là khách hàng thường xuyên của công ty.

“Em từng chứng kiến một số người bị trả sữa, mang nhiều can sữa đổ trên đống phân rồi khóc sụt sùi. Tuy nhiên chưa nghe gia đình anh Phong dính phải những chuyện này. Xã Quảng Lập mới phát triển nghề nuôi bò sữa gần 3 năm nay và anh là người đi tiên phong. Toàn xã có khoảng 210 con bò sữa thì riêng gia đình anh đã có 23 con. Anh Phong đang chuẩn bị xây thêm chuồng trại để nâng số lượng bò lên gần gấp đôi. Việc mở rộng đồng cỏ ở trong tầm tay vì gia đình anh sở hữu 3,5 ha đất” - Bí thư Đoàn xã Quảng Lập Nguyễn Thị Điềm Dương nói. 

MỚI - NÓNG