Làm giàu từ măng tre

Bể nuôi lươn, ếch bên cạnh vườn tre của ông Sơn
Bể nuôi lươn, ếch bên cạnh vườn tre của ông Sơn
TP - Một nhà giáo ở thôn 6, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk sau khi về hưu đã làm giàu trên mảnh đất đá sỏi của mình bằng cây măng tre.

 Sinh ra ở vùng quê nghèo Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, năm 1967 thầy giáo trẻ Phạm Bá Sơn được phân công về giảng dạy tại huyện miền núi Sơn Động. Tại đây thầy Sơn kết duyên cùng cô cán bộ nông nghiệp Nguyễn Thị Hiền. Năm 1986 thầy Sơn đưa vợ con vào huyện Cư Kuin sinh sống, tiếp tục dạy tiểu học đến năm 2009 nghỉ hưu theo chế độ.

Về hưu, gia tài của vợ chồng công chức nhà nước gồm ngôi nhà và mảnh vườn phía sau nhưng đất xấu, toàn đá sỏi. Ông Sơn mua 600m3 đất nơi khác đổ lên trên rồi trồng thử nghiệm một số loại cây ăn quả như cây táo, na,… nhưng đều thất bại. Năm 2001, ông Sơn xuống Đồng Nai tìm mua 20 cây măng tre Mạnh Tông (gốc Đài Loan) về làm giống. Hợp thổ nhưỡng, khí hậu, tre phát triển nhanh, chỉ 1 năm sau đã cho thu hoạch, mỗi chồi măng nặng từ 10 – 15kg.

Măng tre được coi là sản phẩm rau sạch vì không sử dụng chất bảo vệ thực vật. Đặc điểm của loại tre Mạnh Tông này là sinh sản khỏe, măng mềm nên người tiêu dùng ưa chuộng. Ông Sơn chia sẻ: cây tre rất hợp với đất xấu, đất bạc màu. Trồng tre lấy măng ít tốn công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế lại cao. Để trồng tre lấy măng hiệu quả, nên trồng với mật độ từ 5- 6 m/bụi, bón phân 2 lần/năm là đủ.

Ông nhân rộng diện tích trồng tre toàn bộ cả khu vườn hơn 3 sào và đầu tư xây dựng lò sấy măng khô nâng cao giá trị thành phẩm. Mỗi năm, vườn tre của ông cung cấp ra thị trường trên 3 tấn măng tươi với giá từ 7 - 10 nghìn đồng/kg, 1 – 2 tạ măng khô thu lãi hơn 40 triệu đồng. “Từ khi trồng tre lấy măng thành công, vườn tre của tôi được nhiều người dân khu vực nghe tiếng đến mua giống, nhiều người từ Krông Bông, Lắk cũng tìm đến, có khi không đủ cung cấp”.

Ngoài bán măng, hàng năm ông lọc ra khoảng 300 cây tre già không còn khả năng sinh sản phục vụ nhu cầu xây dựng công trình của người dân khu vực với giá 65.000 – 70.000 đồng/cây. Hàng năm, vườn tre cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Tiền lời từ vườn măng tre ông Sơn xoay vòng đầu tư chuồng trại nuôi heo rừng, xây bể nuôi lươn, ếch, ba ba, cá cảnh,… với mục tiêu phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Hiện nay, đàn heo rừng của ông có gần 40 chục con, gần chục bể nuôi ếch, lươn, cá, ba ba.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Sơn còn say mê công tác xã hội. Hiện ông đảm nhận nhiều chức vụ như Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ huyện Cư Kuin, trưởng Ban Khuyến học thôn…

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.