Qua báo cáo tại HĐND ở Hà Nội và TPHCM, cơ quan thanh tra cho biết, qua đấu tranh nội bộ cũng như qua thanh tra đã không phát hiện ra trường hợp tham nhũng nào ở hai thành phố này. Ông nghĩ sao về điều này?
Trước hết, có thể ở Hà Nội và TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt nên những kẻ dự định, dự kiến tham nhũng đã co lại, không dám tham nhũng nữa. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là có muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được. Giả thiết thứ hai, có thể tham nhũng ngày càng tinh vi, câu kết chằng chịt, tạo thành những lợi ích nhóm nên rất khó phát hiện. Sau khi tham nhũng, chúng thường xóa dấu vết rất tinh vi, biến hóa nhào nặn số liệu cho phù hợp, cũng có thể tạo thành những đường dây không chỉ một mà nhiều người, che chắn cho nhau nên việc phát hiện rất khó khăn.
Giả thiết thứ ba, báo cáo thường là từ dưới lên và sẽ không có cơ sở, cũng chẳng địa phương nào tự nói ở nơi mình có tham nhũng. Vì liên quan đến Luật Phòng chống tham nhũng, quy định đến trách nhiệm người đứng đầu. Chính điều này có cái tốt ở chỗ đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nhưng ngược lại cũng không tốt ở chỗ người đứng đầu sợ trách nhiệm, nên nhiều khi phải nương nhẹ tay, che chắn thật khéo để không bị ảnh hưởng đến họ.
Vậy để nâng cao hiệu quả chống tham nhũng ở các cơ quan, theo ông cần phải có giải pháp nào, hay vẫn chấp nhận con số không?
Ông Lê Như Tiến. Ảnh: Hồng Vĩnh Muốn phòng chống tham nhũng hiệu quả phải huy động đồng bộ cả hệ thống chứ không chỉ riêng ở chính cơ quan mình. Chẳng ai dại gì lại vạch áo cho người xem lưng. Nếu công khai thì xấu chàng hổ ai? Vì thế có thể khi phát hiện ra, người ta chỉ xử lý nội bộ, thu vén cho gọn lại, biến cái rất to thành cái nhỏ, biến cái nhỏ bằng không. Lâu nay đã có nhiều trường hợp như thế rồi, vì thế mà các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc. Nếu để chính các cơ quan đơn vị tự công khai tham nhũng chắc là sẽ rất khó. Cho nên, cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan điều tra, thanh tra các cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan kiểm tra của Đảng và giám sát của các cơ quan dân cử phải vào cuộc và tiến hành đồng bộ. Đồng thời cần lắng nghe ý kiến, tai mắt từ nhân dân và cử tri. Nhân dân phát hiện rất dễ, vì tự nhiên anh có vài cái nhà, biệt thự, có mấy cái ô tô… những tài sản đó không phải cây kim sợi chỉ nên người ta sẽ biết ngay. Đó chính là tai mắt của nhân dân cần phải tận dụng triệt để. Cảm ơn ông.