Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ Luật Dân sự và Bộ luật Hình sự ảnh hưởng đến mọi người, chi phối mọi hành động của kinh tế, xã hội nên đòi hỏi phải làm chặt chẽ.
“Tinh thần của Hiến pháp năm 2013 là đảm bảo tốt hơn quyền tự do công dân, quyền con người, quyền tự do kinh doanh. Đây là xu hướng tiến bộ để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng văn minh, tiến bộ. Vì thế khi xem xét sửa đổi các luật chúng ta phải rà soát thật kỹ, không để tình trạng Hiến pháp thì mở ra còn các Bộ luật, điều luật lại đóng lại”
Đề cập về vấn đề kinh tế, ông Vinh khẳng định, Hiến pháp đã quy định rõ rằng mọi người có quyền tự do kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Vì thế, không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự.
“Đây là những vấn đề nói nhiều rồi, nhưng hiện nay nó vẫn là trở ngại, làm nản lòng công cuộc đổi mới sáng tạo, làm nản lòng rất nhiều nhà đầu tư muốn bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh. Tôi chắc chắn rằng trong số các đại biểu là doanh nhân ngồi đây và hàng trăm nghìn doanh nghiệp khác rất lo lắng, nếu như Bộ luật Hình sự không rõ ràng thì nó sẽ là những rào cản rất lớn”, ông Vinh bộc bạch.
Ông Vinh cho hay, rất nhiều người đang có tâm trạng lo lắng khi đầu tư kinh doanh "chỉ sơ xảy cái là bị hình sự". Đây là vấn đề cần phải xem xét trong bối cảnh chúng ta đang đổi mới, đang chuyển đổi. Nếu chúng ta không có tư tưởng theo Hiến pháp năm 2013 để đảm bảo cởi mở hơn thì rất khó.
Luật không rõ, không ai bỏ tiền ra làm ăn
Theo ông Vinh, những sai phạm về kinh tế nên được xử lý bằng các biện pháp kinh tế. "Trừ những hành vi nguy hiểm đặc biệt cho xã hội thì mới xử lý hình sự, còn không nên xử lý bằng các biện pháp kinh tế để thu hồi được tài sản, thu hồi lại các khoản tiền mà họ đã chiếm đoạt.
Nếu sử dụng biện pháp hình sự, chưa chắc chúng ta đã đạt được mục tiêu. Đưa họ vào tù rồi thì tài sản sẽ thất thoát. Nhiều vụ việc đã xảy ra rồi. Trong khi lẽ ra để cho họ sống thì tài sản đó được thu hồi. Đã có những trường hợp như vậy được miễn hình sự, cuối cùng họ bồi thường lại tài sản cho nhà nước, họ lại có nhiều đóng góp vào kinh tế, xã hội của đất nước. Nếu chúng ta không làm rõ vấn đề này thì nó sẽ thành rào cản, rất khó cho doanh nghiệp, cũng như động viên mọi người bỏ tiền ra làm ăn”, ông Vinh phản ánh.
Ông Vinh cho hay, trong một nền kinh tế chuyển đổi, có nhiều đổi mới có thể đi trước và có thể không đúng luật pháp. Nếu cứ quy tội, xử lý hình sự thì rất nguy hiểm cho đất nước. Ông Vinh cũng ủng hộ quan điểm nên xem xét cho phù hợp, đúng quy định đối với tội kinh doanh trái phép.
Đối với tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ông Vinh đề nghị nên bỏ. “Tôi đề nghị cố gắng không hình sự hóa nhiều mà nên xử lý bằng các biện pháp kinh tế. Tôi cũng đề nghị sau kỳ họp này Quốc hội này, các doanh nghiệp, các cơ quan quản kinh tế cần ngồi lại để thảo luận về từng điều cụ thể để làm sao tạo ra động lực phát triển kinh tế cho đất nước. Nếu luật hình sự mà không rõ ràng minh bạch thì không ai bỏ tiền ra làm ăn đâu. Tôi chắc chắn với điều đó”, ông Vinh nhận định.
“Khi làm luật thì điều đầu tiên chúng ta cần phải xác định là tạo thuận lợi cho số đông, còn có một số ít vi phạm thì chúng ta phải có chế tài xử lý riêng biệt, chứ không phải vì số ít mà “trói” số đông lại”
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.