Chính quyền thành phố Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, vừa triệt phá 2 băng nhóm buôn lậu thịt và bắt giữ 20 đối tượng. Khoảng 800 tấn thịt bò, chân giò lợn, chân gà, cổ vịt… đông lạnh trị giá 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 35 tỷ đồng) bị thu giữ. Đây là một trong những vụ buôn lậu thịt lớn nhất từng bị phát hiện ở Hồ Nam.
“Tôi sẽ không bao giờ ăn chân gà nữa. Giờ nhìn thấy chúng là tôi buồn nôn”.
Biên tập viên Han Jing (người Trung Quốc, sống ở Bắc Kinh)
Số thịt này bị phát hiện tại một khu chợ bán buôn hôm 1/6, hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua đưa tin. Theo giới chức Trung Quốc, lượng thịt này được chứa trong container đưa sang Hong Kong, sau đó được đóng gói và chuyển qua cảng Hải Phòng rồi sang Móng Cái (Quảng Ninh) để đóng thành gói nhỏ hơn trước khi được đưa sang Trung Quốc đại lục để tiêu thụ trong các chợ, siêu thị và nhà hàng trên khắp cả nước, báo Hong Kong South China Morning Post đưa tin. Một phần trong số thực phẩm đông lạnh đến từ động vật ốm, và một phần có bao bì ghi thời hạn từ những năm 1970. Chưa rõ số thịt thối này được bảo quản ra sao trong suốt 40 năm qua.
“Thịt bốc mùi quá khủng khiếp. Cả xe tải chất đầy thịt thối. Tôi suýt nôn khi mở cửa”, South China Morning Post dẫn lời một cán bộ hải quan Trung Quốc. Một trong 20 đối tượng bị bắt tên là Li nói rằng, ông ta và người nhà năm ngoái bán được ít nhất 100 tấn chân gà và chân giò lợn.
Cơ quan chức năng sợ rằng, những sản phẩm thịt này có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe vì chúng không được dự trữ, kiểm tra và vận chuyển đúng cách, chưa kể việc hết hạn quá lâu. Nếu loại thịt này chưa rã đông, khách hàng không thể phân biệt chúng là thịt tươi hay thịt thối từ 4 thập kỷ trước. Thịt có thể bảo quản lâu nếu được làm đông lạnh liên tục, nhưng thịt lậu thường được vận chuyển trong điều kiện bảo quản kém, nhiều lần bị rã đông, nên chất lượng không đảm bảo.
Yang Bo, Chi cục phó Chi cục Hải quan Trường Sa, nói rằng, những loại chân gà, chân giò như vậy chứa đầy vi khuẩn. Chúng được ngâm trong hydrogen peroxide (một loại phụ gia thực phẩm bị cấm sử dụng) để trông tươi ngon và để được lâu. Loại thực phẩm bẩn này có thể nhiễm nhiều loại virus, trong đó có virus cúm gia cầm H7N9.
Sau khi đến thành phố Trường Sa, thịt đã được đưa đi phân phối ở nhiều địa phương như Quảng Đông, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, nơi chúng được tiêu thụ trong các cửa hàng, siêu thị hoặc bán trên mạng. Món chân gà rất được ưa chuộng ở Trung Quốc, thường được dùng cùng với bia. Chân gà đóng gói được bày bán ở nhiều cửa hàng, siêu thị. Nhu cầu cao dẫn tới tình trạng phù phép chân gà thối rữa thành đồ ăn thơm ngon.
Sau khi vụ chân gà thối ở Hồ Nam bị phanh phui, các trang mạng Trung Quốc tràn ngập lời bàn tán về tình trạng mất an toàn thực phẩm ở nước này. Cộng đồng mạng đã sử dụng một thuật ngữ mới “chân gà zombie (xác sống)” để chỉ chân gà thối rữa được ngâm tẩm hóa chất để lừa người tiêu dùng.
Thịt bẩn khắp nơi
Một phần trong 800 tấn thịt vừa bị phát hiện có từ 40 năm trước. Ảnh: China Daily
Vụ thu giữ thịt bẩn ở thành phố Trường Sa là một phần của chiến dịch được triển khai trên khắp 14 tỉnh Trung Quốc trong tháng này. Theo đó, hơn 100.000 tấn thịt gà, bò, lợn và các loại thịt đông lạnh khác với tổng trị giá hơn 3 tỷ nhân dân tệ (10.500 tỷ đồng) bị phát hiện, 21 nhóm buôn lậu đã bị bắt giữ. Hải quan Trung Quốc cho biết gần 300.000 tấn thịt bò đông lạnh, 562.000 tấn thịt lợn đông lạnh và 440.000 tấn thịt gà đông lạnh được nhập vào Trung Quốc đại lục trong năm ngoái.
Trong một chiến dịch truy quét hồi tháng 1, Hải quan khu vực Hoàng Cương, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông phát hiện nhiều đối tượng buôn thịt đông lạnh và hải sản qua cảng Phúc Điền vào đại lục.
Từ tháng 4, Trung Quốc thắt chặt các quy định về an toàn thực phẩm sau hàng loạt vụ bê bối thực phẩm nghiêm trọng. Năm 2013, cảnh sát tỉnh Quảng Tây phát hiện hơn 20 tấn chân gà thối trong một nhà kho đông lạnh. Một phần số chân gà này có tuổi đời ngoài 40. Sữa nhiễm hóa chất công nghiệp khiến ít nhất 6 trẻ sơ sinh thiệt mạng và khoảng 300.000 trẻ mắc bệnh năm 2008.