Chậm xử lý dứt điểm các dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
TPO - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ nguyên nhân 5 chỉ tiêu tái cơ cấu kinh tế không đạt và một số dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm.

Báo cáo trước Quốc hội chiều 29/10 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp, còn có thể kéo dài, gây đình trệ sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Do đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Mục tiêu của kế hoạch là tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng- an ninh.

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra về kế hoạch trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý, Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân 5/22 mục tiêu (chiếm 22,7%) không hoàn thành chỉ tiêu như: việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động.

“Đây đều là những mục tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại DNNN, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động”, ông Thanh nhấn mạnh.

Theo ông Thanh, việc sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại DNNN tiến độ còn chậm, đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch, chỉ mới tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng.

Hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được giao, một số dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm, yếu kém trong công tác định giá doanh nghiệp, triển khai phương án sử dụng đất trong quá trình cổ phần hóa gây thất thoát vốn, tài sản công.

Trong khi đó, kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Động lực của tăng trưởng là xuất khẩu nhưng còn phụ thuộc lớn vào khu vực doanh nghiệp FDI.

Vì thế, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, làm rõ tác động của dịch COVID-19 năm cuối nhiệm kỳ ảnh hưởng đến tiến độ, khả năng thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại các phương án, đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng được mua bắt buộc, được kiểm soát đặc biệt; việc kiểm soát, xử lý nợ xấu, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Cùng với đó, khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; đầu tư dàn trải, manh mún, nợ đọng xây dựng cơ bản, tham nhũng, lãng phí; các dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.