Báo cáo Quốc hội về 12 đại dự án nghìn tỷ thua lỗ

Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học gặp vướng mắc về hợp đồng EPC. Ảnh: Nguyễn Bằng
Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học gặp vướng mắc về hợp đồng EPC. Ảnh: Nguyễn Bằng
TP - Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương gửi ĐBQH, 12 dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ đang trở thành gánh nặng ngày càng khó gỡ khi vốn chủ sở hữu của nhiều doanh nghiệp âm cả nghìn tỷ đồng. Nợ phải trả của các dự án cũng tăng lên hơn 63.300 tỷ đồng và các bộ, ngành không đưa ra được giải pháp nào hiệu quả giúp vực dậy các doanh nghiệp này, dù chỉ còn vài tháng nữa là hết thời hạn cuối cùng mà Chính phủ đề ra để xử lý số nợ khủng của các dự án. 

Nợ ngày càng tăng

Báo cáo mới nhất của Chính phủ, được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa uỷ quyền của Thủ tướng gửi các đại biểu Quốc hội cách đây ít ngày cho thấy, quá trình xử lý 12 dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ đang ngày càng rơi vào tình trạng bế tắc khi tổng nợ phải trả của các dự án đã lên đến hơn 63.300 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu của các dự án đã bị âm tới 7.200 tỷ đồng.

Đến nay, việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương chưa thật sự có lối thoát trong bối cảnh hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn. Chỉ có dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 Hải Phòng đủ điều kiện xem xét đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ.

Thống kê cho thấy, hiện có 5/12 dự án còn xảy ra tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC. Những tranh chấp, vướng mắc này khiến chủ đầu tư chưa thể hoàn thành quyết toán và xác định chính xác giá trị các dự án cũng như thiệt hại kinh tế cho Nhà nước. 6 tháng đầu năm 2020, tình hình tài chính của 12 dự án nói trên khá xấu. Tổng vốn chủ sở hữu của các dự án đã bị âm hơn 7.200 tỷ đồng, trong khi tổng nợ phải trả lên đến hơn 63.300 tỷ đồng. Đến hết tháng 6/2020, lỗ lũy kế của các dự án đã vượt trên 26.300 tỷ đồng.

Bản báo cáo của Chính phủ cho hay, một trong những dự án trong cảnh bế tắc về xử lý kéo dài nhiều năm nay phải kể đến Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam. Dự án được đầu tư 3.409 tỷ đồng, thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco). Dù phải tạm dừng thi công chỉ sau 2 năm kể từ ngày khởi công và đến nay nhà máy này vẫn trong cảnh không ai mua dù được đưa ra bán đấu giá từ năm 2017. Tính đến ngày 31/12/2019, tổng nợ phải trả của dự án lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, công nợ phải thu là 4 tỷ đồng.

Với hoạt động của các dự án ngành hoá chất, theo báo cáo mới nhất của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), với khoản lỗ 442 tỷ đồng trong quý II, lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay của tập đoàn đoàn này đã âm 1.025 tỷ đồng. Số liệu cho thấy, 4 doanh nghiệp thuộc Vinachem là Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP số 1 Hải Phòng và DAP số 2 Lào Cai tiếp tục ghi nhận lỗ lớn với tổng số tiền lên tới 1.097 tỷ đồng. So với năm ngoái, số lỗ của các đơn vị nêu trên đã tăng thêm 1.326 tỷ đồng.

Tại báo cáo hồi giữa năm 2020, Bộ Công Thương cho hay, mới chỉ có 2/12 dự án, doanh nghiệp có lãi, trong đó 1 doanh nghiệp vẫn còn lỗ lũy kế gồm Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Nhà máy thép Việt - Trung. Có 3 dự án, doanh nghiệp giảm được lỗ nhưng chưa bền vững. Cụ thể, so với năm 2017, năm 2018, Nhà máy Phân đạm Hà Bắc giảm lỗ được 342 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 208,8 tỷ đồng và Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 417,2 tỷ đồng. Còn so với cùng kỳ năm 2018, năm 2019, Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 134 tỷ đồng, Công ty DQS giảm lỗ 64,04 tỷ đồng, Nhà máy đạm Hà Bắc tăng lỗ 239 tỷ đồng và Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai tăng lỗ 178,2 tỷ đồng.

Đặc biệt, dư nợ của các dự án, doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng lớn, đa số không trả được nợ đúng hạn. Hiện nay, có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án này với tổng số dư nợ đến 31/12/2019 là 20.938 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trung dài hạn là 17.169 tỷ đồng, dư nợ ngắn hạn là 3.769 tỷ đồng.

Ngoài 12 dự án, doanh nghiệp này ra, các ngân hàng còn cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư có liên quan 22.964 tỷ đồng. Ngân hàng Phát triển Việt Nam còn cấp tín dụng cho 6 dự án gồm: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2- Tisco; Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình; Dự án đạm Hà Bắc; Dự án DAP số 1 Hải Phòng; Dự án DAP số 2 Lào Cai; Nhà máy Đóng dầu Dung Quất với tổng dư nợ tính đến 31/12/2019 là 9.796 tỷ đồng.

Bế tắc vì hợp đồng EPC

Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, dù đã được Chính phủ chỉ đạo từ cách đây 4 năm nhưng đến nay, việc xử lý các tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC của 5 dự án vẫn chưa đi đến đâu và dự báo không dễ được sớm giải quyết, dù Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có nhiều báo cáo gửi các Chính phủ và các bộ, ngành về việc xử lý. 5 dự án đang chịu chung tình cảnh gồm: Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai; Dự án cải tạo, mở rộng, nhà máy phân đạm Hà Bắc; Nhà máy đạm Ninh Bình; Nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất và Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên.

Tại các dự án nêu trên, chủ đầu tư và nhà thầu Trung Quốc chưa thống nhất trong xác định giá trị quyết toán do thay đổi thông số kỹ thuật, xuất xứ, số lượng thiết bị so với hợp đồng đã ký và khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng. Ngoài ra, chủ đầu tư và nhà thầu chưa thống nhất thuế phải nộp, tiền phạt chậm nộp thuế của hợp đồng; tranh chấp quyết toán chi phí chạy thử.Giá trị quyết toán thực tế không phù hợp với hợp đồng EPC đã ký.

Vướng mắc còn xuất phát từ yêu cầu bồi thường chi phí dịch vụ kỹ thuật kéo dài, chi phí bảo dưỡng khắc phục hư hỏng thiết bị, chi phí chờ đợi hướng dẫn lắp đặt thiết bị, chi phí thay đổi thiết kế, sửa chữa công trình đã thi công...

Báo cáo của Chính phủ cho hay, các doanh nghiệp đã tích cực đàm phán theo chỉ đạo nhưng vẫn không thành công. Trước tình thế này, Chính phủ nêu hai phương án xử lý: Đưa ra trọng tài/ toà án để phân xử; hoặc chủ đầu tư tự quyết toán theo quy định tại Thông tư 64 khi nhà thầu không quyết toán hợp đồng theo quy định hoặc không thực hiện các công việc để hoàn thành quyết toán.

Với phương án tự quyết toán, báo cáo Chính phủ nêu: Cũng không dễ thực hiện, do còn tranh chấp nên hồ sơ thực tế không đầy đủ để lập quyết toán. Vì thế, Bộ Tài chính chủ trì cùng các cơ quan khác liên quan hướng dẫn chủ đầu tư tự quyết toán theo tình hình thực tế của các dự án hiện nay.

6 tháng đầu năm 2020, tình hình tài chính của 12 dự án có tổng tài sản là hơn 59.000 tỷ đồng nhưng âm vốn chủ sở hữu lên tới 7.264,6 tỷ đồng. Tổng số nợ phải trả của các dự án 63.308,8 tỷ đồng, lỗ luỹ kế là 26.360,8 tỷ đồng.

Phải sớm quyết định số phận các dự án

Chia sẻ với PV Tiền Phong, theo đánh giá của các chuyên gia, tình trạng “chết lâm sàng” của Nhà máy Bột giấy Phương Nam hay Đạm Ninh Bình thuộc Vinachem; dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ (cả ba dự án trên thuộc PVN) đã  được dự báo sẽ không thể sớm giải quyết. Lý do là khó có bộ, ngành hay cấp lãnh đạo nào dám đứng ra “quyết” số phận của dự án này cũng như các dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ khác nếu không được trao quyền hạn đặc thù.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), ông Phan Chí Dũng mới đây cho biết, Nhà máy Bột giấy Phương Nam được định giá 1.700 tỷ đồng, từng có đối tác chào giá mua 900 tỷ đồng nhưng không ai dám quyết bán. “Đến giờ thì càng khó kiếm được người mua do công nghệ Nhà máy Bột giấy Phương Nam quá lạc hậu, nếu sử dụng được cũng gây ô nhiễm môi trường”, ông Dũng nói.

Thực trạng ở dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ thuộc Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex, công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam-PVN) cũng tương tự như thế. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tuấn, PVTex phải trả giá, không bán được hàng xuất phát từ việc chủ đầu tư đã đầu tư thiếu tầm nhìn, thiếu chiến lược. Việc đầu tư sản xuất xơ sợi đòi hỏi công nghệ cao, kinh nghiệm và độ ổn định rất lớn về chất lượng sản phẩm. Ở các nước hay ngay như ở Trung Quốc, họ cũng phải trả giá rất nhiều mới nắm giữ được bí quyết, sở hữu được công nghệ và kiểm soát được chất lượng sản phẩm sản xuất ra.

MỚI - NÓNG
Giá vàng thế giới tiếp tục giảm
Giá vàng thế giới tiếp tục giảm
TPO - Giá vàng hôm nay (7/10) giảm khi giới đầu tư giảm kỳ vọng Mỹ cắt giảm lãi suất vào tháng 11. Thị trường chờ đợi dữ liệu lạm phát và bình luận từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để có thêm tín hiệu.