Lo lãng phí!
Sáng 18/2, trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác Công tư (PPP, Bộ GTVT) Nguyễn Viết Huy cho biết, thực tế triển khai thu phí tự động cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng, Bộ GTVT phải cung cấp thẻ đầu cuối, để nhiều nhà đầu tư có thể tham gia cung cấp thiết bị và dịch vụ thu phí tự động không dừng. Tuy nhiên, việc đầu tư máy chủ cho ETC rất tốn kém, nếu nhiều nhà đầu tư tham gia sẽ rất lãng phí vì có nhiều máy chủ. Ngoài ra, khi có nhiều hệ thống máy chủ khác nhau, việc kết nối liên thông giữa các máy chủ sẽ gặp khó khăn, khó kết nối.
“Bộ GTVT đã họp rất nhiều lần, làm việc cả với các đơn vị công nghệ để xin ý kiến về thu phí tự động. Tuy nhiên, giai đoạn đầu chỉ có một đơn vị tham gia, còn nay mới có thêm các đơn vị khác”, lãnh đạo Vụ PPP cho biết. Thực tế, trên Quốc lộ 1 có 11 trạm thu phí có lần thu phí tự động do nhà đầu tư BOT thuê các đơn vị công nghệ lắp đặt, ngoài VETC. Dẫn tới nền tảng công nghệ khác nhau, giờ kết nối giữa các đơn vị này với hệ thống của VETC đang rất khó.
Về việc Bộ GTVT ký hợp đồng BOO 1 (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) với Cty VETC (và hiện chỉ đơn vị này cung cấp dịch vụ ETC, trong đó có cả phát hành thẻ đầu cuối dán trên ô tô, thay vì sử dụng ngân sách chi cho việc phát hành thẻ đầu cuối, để nhiều đơn vị có thể tham gia cung cấp dịch vụ thu phí tự động), lãnh đạo Vụ PPP cho rằng, nếu Bộ GTVT thực hiện phát hành thẻ đầu cuối, sẽ phải sử dụng ngân sách, phải lập dự án, thủ tục rất phức tạp, mất thời gian, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai ETC. Trong khi đó, đây không phải nguyên nhân dẫn đến việc ít phương tiện sử dụng ETC, chủ yếu do việc nộp tiền vào thẻ hiện chưa thuận lợi cho người dân.
Ông Huy thừa nhận, hiện có hơn 680.000 ô tô đã dán thẻ đầu cuối, nhưng rất ít chủ xe sử dụng ETC do việc triển khai chưa tạo thuận lợi cho người dân trong thanh toán. Theo đó, chủ xe muốn sử dụng thu phí tự động phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông, gây ra bất tiện và dân chưa tin tưởng.
Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước sửa đổi quy định này, để các chủ phương tiện có thể thanh toán phí giao thông bằng tài khoản cá nhân, hoặc thẻ ghi nợ tại các ngân hàng khác nhau, không nhất thiết phải 1 ngân hàng duy nhất. Điều này sẽ giải quyết được cả những vấn đề người dân lo ngại, cũng như các ngân hàng tham gia đầu tư vào dự án BOT. “Do lần đầu triển khai nên chưa có kinh nghiệm, còn một số bất cập cần chỉnh sửa.
Mở tài khoản ở ngân hàng nào cũng tham gia được ETC
Còn việc nhà thầu Cty TNHH Thu phí tự động VETC lý giải việc liên thông giữa các tài khoản cá nhân ở các ngân hàng khác nhau vào tài khoản giao thông chậm, nên phải chuyển tiền trước mới sử dụng được ETC, theo lãnh đạo Vụ PPP chỉ là quan điểm một phía. “Giờ công nghệ có thể làm được”, ông Huy nói. Bộ GTVT đang sửa quy định để tạo liên thông giữa tài khoản cá nhân ở bất kể ngân hàng nào cũng có thể sử dụng được ETC, thay vì phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông. Việc liên thông sẽ giúp chủ phương tiện thuận lợi hơn trong trả phí tự động và giải quyết các lo ngại rủi ro về tài khoản giao thông, tăng số lượng phương tiện dán và sử dụng thẻ.
Cũng ông Nguyễn Viết Huy cho biết, Đài Loan mất 8 năm để triển khai ETC, còn Việt Nam mất có 2 năm để triển khai thu phí tự động tại 44 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh. Với mỗi trạm thu phí có ít nhất 4 làn thu phí tự động, điều đó đã rất nỗ lực. Các trạm thu phí còn lại phấn đấu sẽ hoàn thành trước 31/12/2019, đúng tiến độ chỉ đạo của Thủ tướng (thực ra, đã muộn nhiều tháng so với quy định của Thủ tướng, không như ông Huy nói-PV).
Đồng thời, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng để ban hành các chế tài xử lý với nhà đầu tư BOT cũng như chủ ô tô chậm áp dụng thu phí tự động không dừng. “Với các thay đổi đó, thời gian tới tiến độ triển khai thu phí tự động chắc chắn sẽ tốt hơn. Đương nhiên Nhà nước phải có giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng”, ông Huy nói.
* Trong triển khai ETC giai đoạn 1, Bộ GTVT đã ký hợp đồng BOO 1 với Cty TNHH Thu phí tự động VETC, triển khai tại 26 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh và 18 trạm trên các tuyến khác. Hợp đồng BOO 1 có trị giá 1.700 tỷ đồng, hiện đã giải ngân được khoảng 1.000 tỷ đồng. Còn giai đoạn 2, với hợp đồng BOO 2 đang chọn nhà thầu, triển khai thu phí tự động tại 44 trạm thu phí BOT còn lại có trị giá 1.500 tỷ đồng. Dự kiến tháng 4 tới Tổng cục Đường bộ sẽ chọn được nhà thầu triển khai. Thời hạn các hợp động BOO được tính bằng thời hạn triển khai thu thực tế tại các trạm thu phí BOT đường bộ.
*Theo Tổng cục Đường bộ, giai đoạn 1 triển khai ETC sẽ thực hiện tại 44 trạm với 605 làn thu phí tự động, trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh.