Chấm thi THPT quốc gia: Đề mở, cách chấm cũng phải mở

Thảo luận công tác chấm thi tại ĐH Thủy lợi sáng 6/7. Ảnh: Nghiêm Huê.
Thảo luận công tác chấm thi tại ĐH Thủy lợi sáng 6/7. Ảnh: Nghiêm Huê.
TP - Hôm nay 7/7, các trường ĐH và Sở GD&ĐT địa phương bắt đầu chấm thi. GS Nguyễn Cảnh Thái, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, cho biết, đề mở nên cho phép thí sinh tự suy luận, do đó cách chấm cũng phải mở để tôn trọng ý kiến cá nhân của thí sinh.

Chấm cả thứ Bảy, Chủ nhật

Sáng qua, tại hội trường T45, Trường ĐH Thủy lợi đã tổ chức tập huấn cho 250 cán bộ chấm thi. Theo GS Nguyễn Cảnh Thái, Phó hiệu trưởng nhà trường, cụm thi ĐH Thủy lợi có trên 12 nghìn bài thi Toán, gần 12 nghìn bài thi Ngữ văn, Tiếng Anh trên 11 nghìn bài. Địa lý gần 5 nghìn bài và Lịch sử ít nhất 1.120 bài.  Với số lượng bài thi lớn, trường thuê thêm giáo viên THPT của Hà Nội và giảng viên một số trường ĐH cùng chấm. Giáo viên hai vòng sẽ được bố trí hai phòng chấm riêng biệt. 

“Khác với năm ngoái, năm nay, trường huy động 100 thư ký để kiểm tra lại các bài đã chấm. Bộ phận thư ký này 100% là giảng viên của trường để hạn chế tối đa những tiêu cực có thể xảy ra” – GS Nguyễn Cảnh Thái khẳng định.  GS Thái cũng cho biết, với môn thi trắc nghiệm, ngoài lực lượng công an giám sát, trường cũng lắp camera để đảm bảo nghiêm túc chặt chẽ.

“Từ trước đến giờ, ĐH Đà Nẵng luôn chú trọng khâu thảo luận đáp án, nhất là môn Ngữ văn, làm thế nào có quan điểm thống nhất để khi chấm hai vòng độc lập không bị lệch nhiều. Năm 2015, tôi nhớ, riêng môn Ngữ văn phải thảo luận đáp án nguyên một ngày” 

PGS Đoàn Quang Vinh - Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng

GS Thái cho hay, rút kinh nghiệm năm ngoái, có một số cán bộ chấm thi còn hay đi ra ngoài, hay nói chuyện trong phòng chấm thi, năm nay, ngay tại buổi tập huấn, trường đã nhắc nhở điều này. “Nếu cán bộ chấm thi nào có công việc bận, có thể xin nghỉ để trường bố trí người khác chấm thay” – ông Thái cho biết. Còn theo ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng đào tạo, ĐH Thủy lợi, buổi sáng hôm qua, tất cả các môn đều lấy bài ra chấm thử. Mỗi môn phải chấm thử từ 10 bài thi trở lên để trao đổi, thống nhất phương án chấm theo đáp án của Bộ GD&ĐT. Công tác chấm thi theo đúng quy trình 2 vòng độc lập. Sau đó hội đồng chấm thi sẽ tiến hành so vênh điểm giữa các thầy cô chấm vòng 1 và vòng 2. 

“Những bài thi lệch nhau dưới 0,5 điểm đối với môn Toán và dưới 1 điểm đối với các môn Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn thì hai thầy cô chấm hai vòng sẽ đối thoại với nhau để thống nhất cho điểm cuối cùng. Trường hợp điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau từ 0,5 - 1 điểm đối với các môn Khoa học tự nhiên và từ 1-1,5 điểm với các môn Khoa học xã hội thì hai cán bộ chấm thi thống nhất với nhau bằng biên bản và ghi điểm kết luận vào trong biên bản do Hội đồng chấm thi cấp” – ông Thạc cho hay. 

PGS Đoàn Quang Vinh, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho biết năm nay trường tổ chức thi cho trên 11.000 thí sinh. Hôm qua, trường đã tổ chức chấm thử để thảo luận đáp án. Cán bộ chấm thi của ĐH chủ yếu là giáo viên của các trường THPT của Đà Nẵng. “Để kịp tiến độ công bố điểm thi theo quy định của Bộ trước 20/7, các cán bộ chấm thi cũng phải làm việc cả thứ 7 và chủ nhật” – PGS Vinh cho biết.

Bảo đảm quyền lợi tối đa cho thí sinh

PGS Vinh cho rằng, với việc chấm hai vòng độc lập, các cán bộ chấm thi cũng khó có thể chấm “chặt” hay chấm “lỏng”. “Vì nếu “vênh” điểm sẽ phải ngồi đối thoại với nhau. Ai cũng có “uy tín” của mình nên có khi tranh luận cả buổi. 

Như thế sẽ ảnh hương đến tiến độ chấm chung. Do đó, từ trước đến giờ, ĐH Đà Nẵng luôn chú trọng khâu thảo luận đáp án, nhất là môn Ngữ văn, làm thế nào có quan điểm thống nhất để khi chấm hai vòng độc lập không bị lệch nhiều. Năm 2015, tôi nhớ, riêng môn Ngữ văn phải thảo luận đáp án nguyên một ngày” – PGS Vinh nói.

GS Thái nói rằng năm nay, đề mở nên cho phép thí sinh tự suy luận, do đó cách chấm cũng phải mở để tôn trọng ý kiến cá nhân của thí sinh. Vì vậy, cách chấm phải được trao đổi kỹ. Các trưởng môn chấm phải thường xuyên cập nhật những trao đổi của cán bộ chấm thi để đảm bảo tính công bằng nhưng cũng đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. 

MỚI - NÓNG