'Chấm điểm' cải cách thể chế, tổ chức bộ máy ở cấp bộ, địa phương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cải cách hành chính, cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy hành chính, chế độ công vụ…là những lĩnh vực dự kiến đánh giá về Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ.
'Chấm điểm' cải cách thể chế, tổ chức bộ máy ở cấp bộ, địa phương ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Trưởng Ban soạn thảo Đề án phát biểu tại hội thảo

Ngày 20/7, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022 – 2030.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Trưởng Ban soạn thảo Đề án, Chỉ số cải cách hành chính đã được áp dụng từ năm 2012. Đây được coi là công cụ quản lý quan trọng, giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá một cách định lượng, chính xác và khách quan về tình hình triển khai và kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh.

Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều văn bản, chính sách được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ liên quan đến cải cách hành chính. Do vậy, cần phải rà soát lại để loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung cả nội dung, thang điểm đánh giá một số tiêu chí cho phù hợp với các quy định, chỉ tiêu mới.

Bên cạnh đó, một số tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa quy định rõ ràng, dẫn đến khó lượng hóa để đánh giá, cho điểm; các phương thức đánh giá, điều tra xã hội học cũng cần tiếp tục được nghiên cứu, cải tiến cho phù hợp…

Thông tin về dự thảo Đề án, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng cho biết, với Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ gồm 7 lĩnh vực đánh giá: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy hành chính, chế độ công vụ, tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Đối với Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh, bao gồm 8 lĩnh vực đánh giá. Ngoài 7 lĩnh vực trên sẽ có thêm đánh giá tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Về thang điểm đánh giá, tổng điểm đánh giá là 100 điểm. Trong đó, dự kiến, tỷ lệ điểm điều tra xã hội học dao động từ 30% - 40% số điểm, tùy thuộc vào số lượng các tiêu chí đánh giá.

Qua thảo luận, các đại biểu tán thành đánh giá tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ; đồng thời, cân nhắc tiêu chí “mức độ tham gia của cá nhân, tổ chức vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật” vì có nhiều lĩnh vực người dân không quan tâm, họ chỉ quan tâm đến vấn đề cần giải quyết.

'Chấm điểm' cải cách thể chế, tổ chức bộ máy ở cấp bộ, địa phương ảnh 2

Các đại biểu phát biểu tại hội thảo

Đối với các tiêu chí thành phần về dịch vụ công trực tuyến, trong đó có nhiều tiêu chí mới, các đại biểu đề nghị cần cân nhắc vì có những dịch vụ người dân làm trực tiếp nhanh hơn trực tuyến; nếu nộp hồ sơ trực tuyến mà tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến không có bị trừ điểm là chưa hợp lý.

Về điều tra xã hội học, các đại biểu đề nghị nghiên cứu, đánh giá gộp cùng với việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (Chỉ số SIPAS). Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, trong đó quy định cả cải cách tổ chức bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp để phù hợp với Nghị quyết số 18 và 19 của Bộ Chính trị…

Lãnh đạo Bộ Nội vụ khẳng định, sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để trên cơ sở đó hoàn thiện Đề án trình cấp thẩm quyền ban hành trong tháng 9/2022. Đề án được ban hành phải đảm bảo tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và tất cả các bộ, ngành; bảo đảm tính khoa học, đa chiều; phản ánh đúng thực trạng cải cách hành chính.

MỚI - NÓNG