Bộ Nội vụ vừa Thông báo Kết luận của Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022 của ngành Nội vụ.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà |
Theo đó, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương hoàn thành có chất lượng 2 dự án Luật, 16 Nghị định, 15 Thông tư và 31 Đề án, văn bản quan trọng trong kế hoạch, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Bên cạnh đó, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Bộ trưởng lưu ý, bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội, các Nghị định của Chính phủ, tập trung hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với sớm ban hành Nghị định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy các Bộ, ngành Trung ương (cơ bản hoàn thành trong tháng 7/2022); đồng thời tiếp tục rà soát, sắp xếp các tổ chức bên trong các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ (hoàn thành trong tháng 8/2022).
“Các địa phương hoàn thành dứt điểm việc sắp xếp các tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; rà soát tiếp tục sắp xếp và cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, giảm đầu mối và đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập; chú trọng xã hội hóa dịch vụ công ở những nơi có điều kiện”, kết luận nêu rõ.
Cùng với đó, tham mưu cấp ủy, chính quyền giao biên chế công chức, viên chức cả giai đoạn 2022 – 2026. Trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương giao biên chế cả hệ thống chính trị cấp tỉnh, bảo đảm đến 2026 giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
Xây dựng Đề án sắp xếp cấp huyện, xã
Nhiệm vụ khác được đưa ra trong thời gian tới là tiếp tục rà soát, xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022 – 2025 trên cơ sở kết quả giám sát của Quốc hội về 3 năm thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 và sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hướng dẫn địa phương thực hiện từ Quý IV/2022.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa theo hướng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thành lập đơn vị hành chính đô thị theo quy định của pháp luật, đồng thời phù hợp với quy hoạch tổng thể của tỉnh, thành phố; tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, vận hành của mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.
“Các địa phương phối hợp đánh giá thực trạng hoạt động của chính quyền cấp xã và đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đội ngũ không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố để sửa đổi toàn diện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách, hướng tới thực hiện liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh”, kết luận nêu.