Chậm ban hành quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ: Do cơ chế

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng
TPO - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Đinh Văn Minh cho biết, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng “rất sốt ruột” khi Luật Phòng, chống tham nhũng đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019, song đến nay vẫn đang “nợ” dự thảo Nghị định của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Chưa kê khai được tài sản theo luật mới

Chiều ngày 22/7, Tổ Công tác của Thủ tướng làm việc với các bộ về tình hình xây dựng, trình ban hành văn bản quy định chi tiết luật đã có hiệu lực pháp luật và sẽ có hiệu lực pháp luật từ 1/1/2021.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Thủ tướng xác định hoàn thiện thể chế là then chốt, là khâu đột phá để đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả nền kinh tế. “Thủ tướng nhiều lần chỉ đạo Bộ trưởng phải quyết liệt và trực tiếp chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng, trình các văn bản quy định chi tiết cụ thể hóa các luật và chịu trách nhiệm về tiến độ và chất lượng văn bản”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đề cập đến việc Thanh tra Chính phủ vẫn đang “nợ” dự thảo Nghị định của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Đinh Văn Minh cho hay, quá trình xây dựng dự thảo nghị định về kiểm soát soát tài sản, thu nhập rất khó khăn.

“Đúng ra cuối năm 2019, chúng ta đã phải kê khai tài sản, thu nhập theo Luật Phòng, chống tham nhũng mới. Nhưng đến nay vẫn chưa kê khai được vì chưa ra được nghị định, trong khi từ nay đến cuối năm thời gian không còn dài, nên tôi rất lo ngại”, ông Minh nói.

Chậm vì cơ chế

Theo ông Minh, nguyên nhân đầu tiên là do Luật Phòng, chống tham nhũng quy định nhiều cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, nhưng không lường đến câu chuyện hoặc xử lý trong luật là có những người thuộc nhiều cơ quan, vừa bên Đảng, vừa bên chính quyền kiểm soát tài sản, thu nhập.

“Quy định của Đảng và quy định của pháp luật có sự khác nhau”, ông Minh nói và giải thích, Đảng quy định, kiểm soát tài sản, thu nhập là vấn đề của cấp uỷ. Đặc biệt, Bộ Chính trị có Quy định số 85 quy định rõ, cán bộ diện nào thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kiểm soát.

Vì vậy, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định, Thanh tra Chính phủ rất nhiều lần xin ý kiến Chính phủ và Chính phủ đề nghị xin ý kiến Bộ Chính trị. Thanh tra Chính phủ đã tổ chức 1 cuộc họp xin ý kiến các cơ quan Đảng về vấn đề này gồm: Ban Nội chính Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương. Các cơ quan này đề đồng tình phương án có 1 Quy chế phối hợp về kiểm soát tài sản, thu nhập do Ban Bí thư ban hành.

 “Tất cả hồ sơ hiện đã đủ hết rồi, dự thảo nghị định, dự thảo quy chế phối hợp đều đủ rồi. Còn khi nào trình Chính phủ dự thảo nghị định thì phải đợi Ban Bí thư có ý kiến về quy chế phối hợp. Tinh thần chung chúng tôi cố gắng sớm nhất”, ông Minh nói. Vụ trưởng Vụ Pháp chế nói thêm, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng “rất sốt ruột”. Nhưng nguyên nhân chậm là do cơ chế.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.