Bãi bỏ sổ hộ khẩu, không để gây ách tắc, xáo trộn

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Ủng hộ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu thay bằng quản lý mã số định danh cá nhân, tuy nhiên đại biểu Quốc hội cũng lưu ý, cần thực hiện có lộ trình, không để xảy ra ách tắc, xáo trộn trong dân.

Giải phiền hà, chi phí

Một trong những điểm mới thu hút sự quan tâm được quy định Luật Cư trú sửa đổi đang được Quốc hội cho ý kiến là sự thay đổi về phương thức quản lý dân cư. Cụ thể là việc quản lý dân cư và mã số định danh cá nhân thay thế sổ hộ khẩu.

Việt Nam cũng đang là một trong số ít quốc gia còn tồn tại loại hình sổ hộ khẩu hiện nay. Gần 70 năm tồn tại, gắn bó với mỗi hộ gia đình, nhưng trong giai đoạn khoa học công nghệ phát triển hiện nay, cần một mô hình quản lý phù hợp, hiệu quả hơn để phù hợp với xu thế phát triển chung.

Cho ý kiến về việc này, nhiều đại biểu Quốc hội đều có chung nhận định, phương thức quản lý mới về dân cư sẽ là bước tiến trong cải cách, giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo cơ chế thuận lợi cho người dân tham gia các giao dịch dân sự. Đồng thời nó cũng thể hiện tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước trong giao dịch với người dân.

Đề cập đến những tiện ích mang lại, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Đinh Công Sỹ viện dẫn báo cáo đánh giá tác động được Chính phủ đưa ra, mỗi năm có 1 triệu trẻ em được sinh ra, cơ quan BHXH Việt Nam chi 10 tỷ đồng cấp thẻ BHYT mới, chi phí 10 tỷ đồng. Nếu 30 triệu người cấp mới thì con số lên tới 300 tỷ đồng. Nhưng khi sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, cụ thể là số định danh cá nhân, sẽ tiết kiệm được chi phí này.

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong quản lý cư dân có 13 thủ tục hành chính được bãi bỏ, ngoài ra còn có 27 thủ tục hành chính khác đòi hỏi phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, tác động đến hàng triệu công dân cũng sẽ được bãi bỏ. Qua đó sẽ tiết kiệm rất lớn chi phí thời gian, tiền bạc cho người dân.

“Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy để chuyển sang quản lý cư trú bằng khoa học, công nghệ nhằm giảm phiền hà và chi phí cho người dân. Đây là một đề xuất thay đổi có tính đột phá của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý cư trú đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội", đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch (Bắc Giang) nhận định.

Mặc dù vậy, những đề xuất mang tính đột phá trong quản lý dân cư vẫn còn không ít những băn khoăn lo ngại. Theo cơ quan thẩm tra dự án luật, việc bãi bỏ sổ hộ khẩu, quản lý thông qua số định danh cá nhân sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành.

Đồng thời tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân. Do vậy cần có giải pháp phù hợp thay thế để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, khi không còn sổ hộ khẩu, việc thực hiện các giao dịch dân sự cũng có thể sẽ gặp khó khăn vì các bên không thể tự truy cập cơ sở dữ liệu về cư trú để xác định thông tin cần thiết. Do vậy cần quy định ngay trong luật trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về cư trú giữa các cơ quan nhà nước.

Bổ sung hành vi nghiêm cấm

Đại biểu Lê Quang Trí, Uỷ viên Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội quan tâm đến các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo. Ông nêu thực tế, hiện có rất nhiều công dân sinh sống, làm việc lâu dài tại nơi khác, không phải nơi đăng ký thường trú. Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung hành vi nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị ban hành các quy định dựa vào thông tin đăng ký thường trú, tạm trú, làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Hay như quy định về điều kiện đăng ký tạm trú, với người đi thuê nhà, phải được người cho thuê đồng ý bằng văn bản. Với quy định này, công dân sẽ không thể đăng ký tạm trú nếu người cho thuê không có văn bản đồng ý. Như vậy, quyền lợi của công dân sẽ bị hạn chế và cơ quan quản lý cư trú cũng không thể cập nhật được thông tin của công dân. Do đó, đại biểu đề nghị bỏ quy định này để công dân có thể đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp do mình thuê.

Thực tế, điều này là vô cùng quan trọng, thậm chí tác động trực tiếp tới túi tiền của người dân. Bởi lâu nay, do không có hộ khẩu, thường trú, người thuê trọ phải sử dụng điện, nước với giá kinh doanh đắt hơn nhiều. Bất cập này đã tồn tại nhiều năm, cần phải được khắc phục triệt để khi chuyển sang mô hình quản lý dân cư mới vào năm sau.

Bên cạnh đó, cũng còn những lo ngại liên quan đến việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân, nếu đảm bảo tiến độ thì đến tháng 12/2020 phải cấp cho khoảng hơn 80 triệu công dân. Vậy trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại trong năm, liệu có kịp hoàn thành hay không? Nếu không, khi bỏ sổ hộ khẩu sẽ gây ách tắc, xáo trộn trong hoạt động của cơ quan nhà nước và nhân dân.

Trước tình hình trên, đại biểu Quốc hội đề xuất việc bỏ sổ hộ khẩu cần có lộ trình và vẫn công nhận song song hai hình thức khi chưa cấp xong mã số định danh cá nhân.

MỚI - NÓNG