Chaebol Hàn Quốc - “cây gậy và củ cà rốt”

Chaebol Hàn Quốc - “cây gậy và củ cà rốt”
TP - Bất chấp những ồn ào vì dính đến pháp luật và tranh chấp nội bộ, 10 Chaebol (tập đoàn kinh tế gia đình) lớn nhất trong những thập kỷ gần đây đóng góp tới 77% GDP của Hàn Quốc, đó là chưa tính đến các Chaebol nhỏ hơn.

> Vào ‘vương quốc’ của Hyundai

Cơn sốt Chaebol

Trong hơn nửa thế kỷ qua các tập đoàn gia đình đã phủ bóng lên hầu hết hoạt động của đất nước này; gắn với chính sách “cây gậy và củ cà rốt” của các Tổng thống. Không biết bao nhiêu ông chủ Chaebol phải ngồi tù rồi lại được ân xá.

Trực tiếp chứng kiến cảnh 100.000 thanh niên chen chúc dự cuộc thi tuyển (với tỷ lệ 1 chọi hơn 100) của tập đoàn Samsung tại thủ đô Seoul giữa tháng 10 mới thấy Chaebol có sức hút kỳ lạ. Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới, đã có những bước phát triển thần kỳ, nhưng “cuộc chiến” tìm việc làm ngày càng khốc liệt.

Ngoài công việc hiếm hoi từ cơ quan nhà nước, lựa chọn hàng đầu của người trẻ Hàn Quốc vẫn là Samsung, Hyundai rồi đến các Chaebol khác vì lương cao, chế độ đãi ngộ tốt và hơn hết là niềm hãnh diện. Trong khi không ít người chỉ trích ảnh hưởng quá lớn của Chaebol, nhiều người khác lại muốn làm việc ở đó suốt đời.

Trong bữa cơm trưa gần đây với vị Phó chủ tịch cao cấp của Samsung điện tử ở thành phố Suwon (“thánh địa” của tập đoàn), ông Kwang Sup Han và 2 nữ Phó giám đốc là chị Hea Ryong Jea và Keich Lee, tôi được biết họ cũng đã gắn bó với tập đoàn suốt 20 – 30 năm qua.

Cả ba không phải là thành viên gia đình Chủ tịch đương nhiệm, ông Lee Kun Hee, người xếp thứ 41 trong danh sách những nhân vật quyền lực nhất thế giới mà tạp chí Forbes vừa công bố, đứng trên cả nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye với vị trí 52. Sức hút của Chaebol khiến một cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam (không muốn nêu tên) trở thành một giám đốc của tập đoàn Kumho Asiana…

Trong mùa tìm việc mới, tại các hiệu sách tràn ngập sách bí quyết thi tuyển vào Chaebol. Tuy nhiên, điều này khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng giới trẻ Hàn Quốc đang mất đi “tinh thần doanh nhân” của “Thời đại anh hùng” (tên phim dài tập Hàn Quốc từng chiếu ở Việt Nam nói về các Chaebol) và chỉ muốn làm thuê.

Tại ĐH Hàn Quốc, một trong 3 trường lớn nhất nước, sinh viên thường rời trường lúc nửa đêm cho kịp chuyến tàu điện ngầm cuối cùng trong ngày. Thư viện trường vẫn chong đèn thâu đêm để nhiều sinh viên có thể học tới sáng và ngủ gục trên bàn. Sức ép khủng khiếp từ việc học với hi vọng làm việc cho Chaebol hàng đầu của sinh viên Hàn khiến nhiều du học sinh Việt phải bải hoải chạy đua theo.

Bên trong 'thánh địa' của Samsung ở TP Suwon
Bên trong 'thánh địa' của Samsung ở TP Suwon.

Ông chủ và Tổng thống

Giáo sư kinh tế Kim Woo Chan, ĐH Hàn Quốc, nhiều năm nghiên cứu về Chaebol, dẫn trường hợp Tổng thống Lee Myung Bak cuối năm 2009 ân xá cho Chủ tịch Samsung Lee Kyun Hee tội trốn thuế.

Trong khi đó, các chuyên gia ở Viện phát triển Hàn Quốc (KDI) nhắc nhiều việc Tổng thống Park Chung-Hee ngay trong những năm đầu lên nắm quyền (từ năm 1963) trả tự do cho hàng loạt ông chủ Chaebol bị tống vào tù, trong đó có cha đẻ tập đoàn Hyundai, ông Chung Ju Yung, mất năm 2001.

Hành động trên, theo các chuyên gia KDI, là nhằm đáp ứng điều kiện để Hàn Quốc vay vốn nước ngoài, đặt nền móng cho sự phát triển thần tốc của nền kinh tế sau này.

Ông Halm Chai Bong, Chủ tịch Quỹ Asan (“Asan” là tên hiệu của người sáng lập Hyundai), cũng nhấn mạnh việc này mang tính quyết định với sự sống còn của tập đoàn.

Những năm gần đây việc hàng loạt thành viên gia đình Chaebol hàng đầu dính đến pháp luật, thậm chí phải vào tù vấp phải sự chỉ trích nhiều của công luận.

Từ đầu năm 2013 đến nay đã có tới 6 ông chủ trong các Chaebol hàng đầu bị cáo buộc vi phạm pháp luật dù trong nhiều trường hợp trắng đen chưa rõ ràng như Chủ tịch tập đoàn SK Chey Tae-won và em trai Chey Jae-won; Chủ tịch tập đoàn Hanwha, ông Kim Seung-youn và Chủ tịch Taekwang ông Lee Ho-jin… Báo chí Hàn Quốc cũng thỉnh thoảng đăng kết quả khảo sát cho biết nhiều người dân tỏ ra lo lắng về quyền lực và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của các Chaebol.

Trong quá khứ, người dân Hàn Quốc đều biết cha đẻ Hyundai, ông Chung Ju Yung quê ở miền Bắc nên ông có ảnh hưởng lớn đến mức nào trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên. Nhiều chủ tịch tập đoàn dù không gia nhập chính trường nhưng đều có ảnh hưởng rất lớn tới sự thành bại của chính trị gia.

Nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc Park Geun Hye hứa sẽ đưa ra các quy định nhằm quản lý các Chaebol tốt hơn, nhưng cũng khá thận trọng, đặc biệt là việc hạn chế quyền năng của họ.

Trong khi chính phủ thận trọng, nhiều ông chủ tập đoàn như ở Samsung và Hyundai đã tạo ra những cuộc cách mạng nhằm thay đổi mô hình quản lý, phát triển truyền thống của Chaebol để vươn tầm quốc tế.

Kết quả là trong lĩnh vực kinh doanh của mình, hai tập đoàn trên đã lần lượt vượt các đối thủ truyền thống ở Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Samsung đã trở thành nhà sản xuất smartphone số một thế giới, còn Hyundai vươn lên vị trí số 5 thế giới về ô tô và sắp lên số 4 theo dự báo.

Toàn cảnh nhà máy đóng tàu lớn nhất thế giới của Hyundai ở TP Ulsan
Toàn cảnh nhà máy đóng tàu lớn nhất thế giới của Hyundai ở TP Ulsan.

Mỗi sự kiện của những Chaebol hàng đầu tiếp tục có ảnh hưởng lớn tới Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã phải đích thân xin lỗi vì một vụ việc liên quan tới vụ máy bay chở khách của hãng Asiana Airlines (thuộc tập đoàn Kumho Asiana) bị nạn tại sân bay Mỹ hồi đầu tháng 7 là một ví dụ.

Những cơn sốt Chaebol cùng vô số giai thoại về các ông chủ quyền uy khiến hình ảnh của họ ngày càng huyền bí và hầu như không thể tiếp cận. Tuy nhiên, đồng nghiệp của tôi ở những tờ báo hàng đầu Hàn Quốc như Chosun, Hankyorek…cho biết trước đây việc gặp gỡ ông chủ Chaebol không khó chỉ vì gần đây họ tỏ ra thận trọng trước chỉ trích của công chúng vì bị cáo buộc phạm luật.

Tôi cũng từng gặp, phỏng vấn nhiều Chủ tịch của Chaebol, đặc biệt là những lần trò chuyện với Tiến sĩ Park Sam Koo của tập đoàn Kumho Asiana, Top 10 Chaebol. Đây là một trong những Chaebol Hàn Quốc đầu tiên đầu tư vào Việt Nam từ năm 1993 ngay sau khi 2 nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông Park Sam Koo là con trai thứ hai của cha đẻ tập đoàn, ông Park In-cheon. Dù là tập đoàn gia đình, nhưng năm 2009, ông Park Sam Koo từng bị mất ghế Chủ tịch do những khó khăn của tập đoàn và gần đây mới trở lại vị trí này. Kumho Asiana đã và đang có nhiều thay đổi để tiếp tục khẳng định vị trí là một trong những Chaebol hàng đầu ở Hàn Quốc.

Như lời GS Woo Chan và các chuyên gia kinh tế Hàn Quốc, dù được ưu ái từ Chính phủ, nhưng các Chaebol cũng phải tuân thủ pháp luật, quy luật của nền kinh tế nếu không muốn tập đoàn bị phá sản hoặc bản thân ông chủ phải vào tù.

Vật đổi sao dời

Trong những ngày đầu tháng 10 thêm tập đoàn lớn là Tong Yang phá sản. Trong hơn nửa thế kỷ qua, bản đồ Chaebol có nhiều thay đổi. Trong bảng xếp hạng Top 10 Chaebol năm 1960 đến nay chỉ còn Samsung, LG, số còn lại ít được biết đến hoặc đã phá sản.

Trong xếp hạng Top 10 năm 1970, Samsung tiếp tục đứng đầu nhưng vào năm 1984 và 1996 phải nhường vị trí này cho Hyundai. Năm 2010, với sự lớn mạnh của lĩnh vực công nghệ số, Samsung giành lại vị trí số một.

Trong bảng xếp hạng Top 10 Chaebol năm 1996 vẫn có tên của Daewoo, hãng ô tô Kia và Ssangyong. Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính 1997 khiến nhiều Chaebol suy sụp và biến mất. Một tập đoàn gia đình khác là Kumho Asiana đã mua lại nhiều mảng kinh doanh của Daewoo; Kia nhập vào Hyundai; còn Ssangyong thuộc về ông chủ Ấn Độ.

Trí Đường
(từ Hàn Quốc)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.