Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị ho kéo dài?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ho là một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ em. Nhưng khi trẻ bị ho kéo dài liên tục trên 2 tuần và không có dấu hiệu thuyên giảm thì cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân để có cách điều trị đúng cho bé.

Tình trạng ho kéo dài ở trẻ có khá nhiều nguyên nhân như, do dị vật đường thở, lạm dụng thuốc xịt giảm xung huyết mũi, khiến niêm mạc mũi bị sưng nề, bị kích thích, gây xung huyết, chảy dịch sau họng và gây ho kéo dài ở trẻ. Không khí hanh khô hoặc quá ẩm ướt sẽ làm kích thích sự phát triển của mạt nhà, nấm... cũng gây ho khan kéo dài. Nhưng nhìn chung, hiện tượng ho kéo dài ở trẻ thường xuất phát từ những bệnh lý hô hấp.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị ho kéo dài? ảnh 1
Tình trạng ho kéo dài ở trẻ có khá nhiều nguyên nhân.

Bé bị nhiễm trùng đường hô hấp trên

Nhiễm trùng đường hô hấp trên là nguyên nhân phổ biến nhất gây ho kéo dài ở trẻ em. Bệnh xuất hiện do nhiễm virus, nhiễm khuẩn, lây nhiễm từ trường học, nhà trẻ. Trẻ thường bị ho kéo dài trên 6 - 7 ngày. Ngoài triệu chứng ho kéo dài, bệnh nhi còn có các triệu chứng khác như sốt, chảy nước mũi, hắt hơi, đau đầu, mệt mỏi...

Bé bị viêm phổi

Đây là một trong những bệnh nhiễm trùng thông thường ở trẻ em. Các triệu chứng của bệnh bao gồm: Sốt, cảm giác ớn lạnh, run rẩy, khó thở và ho kéo dài. Trẻ dễ mắc viêm phổi khi bị lây nhiễm ở các khu vui chơi, trường học... bởi bệnh do virus hoặc vi khuẩn gây ra.

Bé có bệnh lý hen phế quản

Trẻ dưới 3 tuổi thường bị ho kéo dài khi có bệnh hen phế quản. Hen phế quản (hen suyễn) ở trẻ em là bệnh lý co thắt và viêm mạn tính đường hô hấp dưới, gây viêm khí quản, hạn chế luồng không khí vào phổi, gây triệu chứng thở rít tái phát. Phấn hoa, lông thú, khí thải, khói thuốc và một số thực phẩm nhất định... có thể gây hen phế quản ở trẻ. Trẻ thường xuất hiện nhiều đợt ho khan, ho từng cơn tái phát, tức ngực và thở rít.

Bé bị trào ngược dạ dày - thực quản

Trẻ cũng có thể bị ho kéo dài do trào ngược dạ dày - thực quản. Ợ nóng (hoặc trào ngược dạ dày - thực quản) là nguyên nhân phổ biến gây ho mạn tính ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh có thể trở nặng khi trẻ nằm xuống vào buổi tối. Trẻ thường bị trào ngược sau ăn khoảng 30 - 60 phút, khi thay đổi tư thế hoặc trong bữa ăn do cơ thắt dưới thực quản tự mở ra.

Bé bị ho gà

Ho gà là bệnh do vi khuẩn gây ra, lây lan qua đường hô hấp... gây ra tình trạng ho kéo dài. Bệnh có thể ảnh hưởng tới mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ tới người lớn. Các triệu chứng của bệnh xuất hiện sau khi nhiễm trùng khoảng 5 - 10 ngày. Biểu hiện điển hình của bệnh là trẻ xuất hiện cơn ho từ 15 - 20 ngày, cơn ho kéo dài, kèm theo sốt, nôn trớ, ngừng thở, tím tái sau cơn ho, chậm nhịp tim...

Bố mẹ cần làm gì khi con bị ho kéo dài?

Bố mẹ cần hiểu rằng, ho là một phản xạ có lợi cho cơ thể để tống xuất đờm nhớt, vi trùng ra bên ngoài, giúp đường thở được thông thoáng, bảo vệ đường hô hấp khi khí quản bị kích thích hay viêm.

Tuy nhiên, khi thấy trẻ có dấu hiệu ho trên 1 tuần không khỏi, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám. Qua thăm khám các bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng sức khỏe của trẻ và đề xuất phương án điều trị phù hợp.

Với trẻ bị ho kéo dài, phụ huynh nên chú ý tới những vấn đề sau khi chăm sóc trẻ tại nhà:

- Tuân thủ việc dùng thuốc trị bệnh đúng theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý thay đổi liều thuốc hoặc dừng thuốc khi thấy bé đã tạm ngừng ho.

- Chú trọng các bữa ăn đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Việc thường xuyên thay đổi thực đơn cho phù hợp với sở thích, khẩu vị của trẻ, chia thành nhiều bữa nhỏ rất có ý nghĩa với việc nâng cao thể trạng của trẻ để đối phó với những cơn ho dai dẳng.

- Hằng ngày lưu ý cho trẻ uống nhiều nước, lưu ý là nước cần phải ấm, để làm loãng đờm, giúp trẻ dễ ho khạc chất tiết, tránh khô miệng, họng. Cha mẹ có thể cho trẻ uống thêm sữa, nước hoa quả để bổ sung năng lượng và tăng cường lượng vitamin cung cấp cho cơ thể trẻ.

- Vệ sinh mũi, họng hàng ngày cho trẻ bằng cách súc miệng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý 2 - 3 lần/ngày.

MỚI - NÓNG