Chuyện làm phim Biệt động Sài Gòn
Đạo diễn Long Vân qua đời sáng 24/12 tại Hà Nội. Sự nghiệp của ông ghi dấu với nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển, trong đó không thể không nhắc đến Biệt động Sài Gòn.
Đạo diễn Long Vân sinh năm 1936 tại Hà Nội. Sau đó ông cùng gia đình theo kháng chiến lên Thái Nguyên. Ông từng được gửi sang học tập tại Trung Quốc khi mới 14 tuổi.
Sự nghiệp điện ảnh của ông gắn với những tác phẩm ghi dấu ấn, bên cạnh Biệt động Sài Gòn còn có Hẹn gặp lại Sài Gòn, Giải phóng Sài Gòn, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Những người không mang họ, Cho cả ngày mai...
Năm 1955, ông tốt nghiệp ngành sư phạm và gắn bó với nghề dạy học cho đến sau này chuyển hướng sang điện ảnh. Ông thuộc thế hệ đạo diễn trưởng thành trước 1975. Bộ phim đầu tay do ông đạo diễn là Tiếng gọi phía trước năm 1979, từng đoạt giải thưởng Liên hoan phim quốc tế tại Nga.
Đạo diễn Long Vân từng được gửi sang học tập tại Trung Quốc. |
Tuy nhiên phải đến Biệt động Sài Gòn - bộ phim màu đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam được công chiếu năm 1985 - tên tuổi đạo diễn Long Vân mới được đông đảo công chúng biết đến. Phim lập nhiều kỷ lục về số lượng người xem.
Ban đầu, bộ phim mang tên Thiên thần ra trận, sau đó được gợi ý đổi thành Biệt động Sài Gòn cho gần với thực tế. Bốn tập phim Biệt động Sài Gòn có nhiều cảnh quay để lại ám ảnh. Với cảnh tra tấn ni cô Huyền Trang (NSƯT Thanh Loan), đoàn phim nghe những chiến sĩ cách mạng bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo kể lại nên sáng tạo ra cảnh đó.
Cảnh Sáu Tâm (Thương Tín) nhảy cầu, địch bắn súng theo, ở dưới sông có giăng thuốc nổ, mỗi lần nhảy xuống là có người giật dây cho thuốc nổ bắn tung nước lên thể hiện đạn của địch. Đạo diễn Long Vân từng khẳng định cảnh quay này rất nguy hiểm.
Cảnh trong phim Biệt động Sài Gòn. |
Ông cũng cho con gái Vân Dung tham gia bộ phim. Nhân vật em bé bán báo do Vân Dung đảm nhận khiến nhiều người ám ảnh, cô bé bị địch tra tấn bằng cách thả vào thùng rắn độc.
Chia sẻ về cảnh phim ấn tượng này, đạo diễn Long Vân từng kể: "Khi thực hiện cảnh con bé bị địch tra tấn bằng cách thả vào thùng rắn độc, con bé chỉ yêu cầu tôi làm thế nào để bọn rắn đừng thè lưỡi. Tôi lại cần quay rắn thè lưỡi mới gây sợ hãi. Tôi thuê khoảng hai chục con rắn khỏe của một nhà hàng chuyên bán rắn, phải thuê luôn cả nhân viên cửa hàng đóng người tra tấn để anh ta điều khiển chúng. Tất nhiên, những con rắn này đã được nhổ hết răng nên không còn nọc...".
Con gái của đạo diễn Long Vân ngày bé thường theo cha đến đoàn phim. |
Khoảng năm 2006, ông lại được đặt hàng làm phim về ngành công an và Những đứa con biệt động Sài Gòn tiếp tục ra đời. Phim được khán giả bình chọn là bộ phim xuất sắc nhất năm 2011-2012 tại Liên hoan phim truyền hình lần thứ 31.
Người vợ được xem là duyên tiền định
Đạo diễn Long Vân từng chia sẻ sau khi Biệt động Sài Gòn được quyết toán, ông vẫn còn nợ xưởng phim 800 đồng, phải mang tiền vợ đi trả. Cát-xê lớn nhất của ông khi ấy là một đôi giày đinh.
Đạo diễn Long Vân (thứ hai từ phải qua) gặp gỡ bạn bè. |
Để có được những thước phim để đời, đôi khi ông phải mang cả tiền tiết kiệm ra để dựng phim. Niềm hạnh phúc lớn của đạo diễn Long Vân là gặp được người vợ đảm đang, chu toàn cho gia đình để ông yên tâm làm phim.
Ông chia sẻ mối tình với nghệ sĩ Kim Cương như là mối duyên tiền kiếp. Nghệ sĩ Kim Cương là nữ văn công của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bà sinh ra và lớn lên tại xứ Đoài. Thời trẻ là ca sĩ của Đoàn nghệ thuật Hà Nam.
Đạo diễn Long Vân tư vấn cho đoàn phim qua điện thoại. |
Năm 1967 bà được điều về Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, sau đó được phân công vào chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị phục vụ chiến trường. Sau nhiệm vụ đó, năm 1968, bà được gọi ra Bắc biểu diễn trong chương trình có Bác Hồ dự.
Chuyện tình của bà và đạo diễn Long Vân rất lãng mạn. Ông đã si mê nét đẹp của cô văn công nên tình nguyện "trồng cây si", đi theo từ chỗ sơ tán đến khu văn công ở Mai Dịch.
Đạo diễn Long Vân và nghệ sĩ Kim Cương. |
Về già, đạo diễn Long Vân cùng vợ sống ở ngôi nhà khang trang nằm trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Do sức khỏe không bảo đảm, con gái thường can ngăn ông không nên làm phim nữa. Nhưng ông vẫn rong ruổi theo đoàn làm phim. Sau Những đứa con biệt động Sài Gòn, ông bị tai nạn và đau ốm liên miên.