Tiết lộ về nghệ sĩ kịch câm hàng đầu Việt Nam vừa qua đời

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nghệ sĩ kịch câm Hoàng Phúc Dzĩ rời cõi tạm sáng 12/12, hưởng thọ 81 tuổi. Nhiều nghệ sĩ là đồng nghiệp, hậu bối của ông bày tỏ sự tiếc nuối trước sự ra đi của NSƯT Hoàng Phúc Dzĩ - một biểu tượng của ngành kịch câm những năm1980-1990. 

Cánh chim đầu đàn

Nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ sinh năm 1944, được xem là một trong những nghệ sĩ đầu tiên có công gây dựng nên kịch câm ở Việt Nam. NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết NSƯT Hoàng Phúc Dzĩ là cánh chim đầu đàn, là người có ảnh hưởng lớn đến nền nghệ thuật kịch câm những năm 1980.

“Ông tham gia giảng dạy khóa kịch câm tại Nhà hát Tuổi trẻ. Các tác phẩm ông dàn dựng và biểu diễn rất thu hút trong thời điểm thập niên 1980-1990 của thế kỷ 20. Thời điểm đó bộ môn nghệ thuật này hưng thịnh nhất, sau đó trở nên phai nhạt và mất đi vị thế”, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến chia sẻ với Tiền Phong.

Tiết lộ về nghệ sĩ kịch câm hàng đầu Việt Nam vừa qua đời ảnh 1

Nghệ sĩ kịch câm Hoàng Phúc Dzĩ qua đời ngày 12/12.

Nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ từ năm 1982-2004. Nhà hát Tuổi trẻ là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam tổ chức lớp đào tạo cơ bản về kịch câm. Thời điểm đó kịch câm mới xuất hiện tại Việt Nam với quy mô khiêm tốn.

Nhà hát ca múa nhạc T.Ư theo đuổi loại hình kịch câm đầu tiên, sau đó đến Nhà hát Tuổi trẻ. Diễn viên kịch nói Phúc Dzĩ được Bộ Văn hóa lựa chọn gửi sang Pháp theo học 3 năm với mong muốn “đón đầu” bộ môn sân khấu đầy tiềm năng này.

Trong thời gian học tại Trung tâm hình thể Paris (Pháp), ông được đánh giá là sinh viên xuất sắc, thông minh, nhạy cảm về lý thuyết. Tài năng của ông với nghệ thuật kịch câm trở nên vượt trội nhờ nghiêm túc trong luyện tập.

Tiết lộ về nghệ sĩ kịch câm hàng đầu Việt Nam vừa qua đời ảnh 2

Những vở diễn do nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ dàn dựng và biểu diễn vô cùng thu hút khán giả vào thập niên 1980-1990.

“Ông Hoàng Phúc Dzĩ hứa hẹn nhiều triển vọng nhờ vào thể chất, ý thức về tiết tấu và hình tượng. Chúng tôi hy vọng rằng ông có thể tiếp tục phát triển nghệ thuật của mình. Chúng tôi biểu lộ lòng yêu mến và chúc ông Hoàng Phúc Dzĩ nhiều thành công”, trích thư giới thiệu của các giáo sư Trung tâm hình thể Paris.

Sau khóa học nghệ sĩ Phúc Dzĩ trở về làm giảng viên chính của lớp trung cấp kịch câm do Nhà hát Tuổi trẻ mở năm 1982. Khoá học thành công đào tạo nhiều tên tuổi của làng kịch câm sau này như Kế Đoàn, Bích Ngọc, Tuyết Hậu, Phương Phương...

Các nghệ sĩ kịch câm của Nhà hát Tuổi trẻ luôn là những gương mặt nổi bật nhất. Vở kịch câm Thi sĩ hủi của nhà hát đã giành huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1995. Tiết mục Mặt nạ do nghệ sĩ Phúc Dzĩ dàn dựng từng tham gia một liên hoan sân khấu quốc tế tại Iran và được khán giả yêu thích. Ông được phong tặng danh hiệu NSƯT vào năm 2001.

Tận tụy, dành cả đời cho kịch câm

Học trò được cho là nổi bật nhất của NSƯT Hoàng Phúc Dzĩ là nghệ sĩ kịch câm Hoàng Tùng. Từ nhỏ anh đã rất thích được xem những buổi diễn của NSƯT Hoàng Phúc Dzĩ ở Nhà hát Tuổi trẻ.

"Sau này khi về làm việc ở nhà hát, tôi may mắn được nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ dạy kịch câm. Khi theo đuổi bộ môn nghệ thuật này một cách nghiêm túc, tôi được NSƯT Hoàng Phúc Dzĩ hỗ trợ, theo dõi về kiến thức, kỹ năng...", Hoàng Tùng chia sẻ.

Tiết lộ về nghệ sĩ kịch câm hàng đầu Việt Nam vừa qua đời ảnh 3Tiết lộ về nghệ sĩ kịch câm hàng đầu Việt Nam vừa qua đời ảnh 4

Nghệ sĩ kịch câm Hoàng Tùng được cho là học trò nổi bật nhất của NSƯT Hoàng Phúc Dzĩ.

Sự chỉ dạy tận tình của nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ khiến Hoàng Tùng thường gọi cố nghệ sĩ là "bác". Anh kể rằng nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ rất vui khi có người nối nghề. Vì vậy mỗi lần gặp gỡ, nghệ sĩ Hoàng Tùng đều muốn nghe chuyện cũ về kịch câm Việt Nam thời kỳ trước.

"Bác chính là nhân chứng sống cho kịch câm ở Việt Nam. Lần gặp gần nhất, tôi nửa đùa nửa thật bảo rằng bác còn tài liệu nào bác chuyển giao nốt cho cháu. Và bác đã chuyển cho tôi vài quyển sách", nghệ sĩ Hoàng Tùng nói.

Với nhiều đồng nghiệp, hậu bối trong nghề, NSƯT Phúc Dzĩ là người tận tụy, hiền lành, tốt bụng. NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến nói rằng NSƯT Hoàng Phúc Dzĩ rất hiền lành và tận tụy với công việc, đặc biệt ông dành tình yêu vô cùng lớn cho bộ môn nghệ thuật kịch câm.

Nghệ sĩ Hoàng Tùng nói rằng ngoài đời nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ hiền lành, ít nói. Đặc biệt khi dạy học trò ông luôn nhẹ nhàng uốn nắn chứ không "đao to búa lớn" nên học trò rất quý mến.

Lễ tang nghệ sĩ kịch câm Hoàng Phúc Dzĩ được tổ chức từ 7h30 ngày 15/12 tại Nhà tang lễ bệnh viện Hữu Nghị (1B Trần Khánh Dư, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Lễ truy điệu diễn ra lúc 9h cùng ngày.

MỚI - NÓNG