'Cha đẻ' 9X của công nghiệp đông trùng hạ thảo

Dù sở hữu khối tài sản tiền tỷ, nhưng không lúc nào chàng trai 9X Kim Lai lại bỏ qua công việc nghiên cứu. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Dù sở hữu khối tài sản tiền tỷ, nhưng không lúc nào chàng trai 9X Kim Lai lại bỏ qua công việc nghiên cứu. Ảnh: Nhân vật cung cấp
TP - Tuổi thơ cơ cực phải đi bán vé số dạo đã thôi thúc chàng trai Ngô Kim Lai (SN 1991, quê Phú Yên) tìm cách vươn lên trong cuộc sống để thoát nghèo và làm giàu. Nhờ đam mê nghiên cứu, chàng trai ấy đã thực hiện thành công nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo (ÐTHT), trở thành người đầu tiên đăng ký bản quyền cho quy trình nuôi trồng dược liệu quý hiếm này ở Việt Nam.

Hiện nay, chàng trai bán vé số ngày nào đã trở thành một vị giám đốc trẻ với cơ ngơi tiền tỷ và chuỗi đại lý phân đối ÐTHT mang thương hiệu Kim Lai rộng khắp ở 50 tỉnh, thành trên cả nước.

Bước đầu chập chững

Sinh ra và lớn lên ở Phú Yên, từ nhỏ do hoàn cảnh gia đình khó khăn, vừa lên lớp 2, Lai phải vào TPHCM lãnh vé số đi bán vào mỗi dịp hè ròng rã suốt 8 năm. Tiền kiếm được đủ để cậu mua sách vở, quần áo cho năm học mới, phần tiền còn dư Lai phụ mẹ lo việc nhà.Trò chuyện với phóng viên, chàng trai Kim Lai cho rằng khoảng thời gian 8 năm đi bán vé số đã rèn cho cậu đủ nghị lực để nghiên cứu thành công phương pháp nuôi trồng loại dược liệu quý giá sau này.

Cách đây hơn 5 năm, Kim Lai cùng mẹ khăn gói vào Sài Gòn để vừa kiếm sống và vừa để cho cậu có cơ hội học tiếp. Ngoài thời gian đi dạy thêm kiếm tiền phụ mẹ, cậu luôn túc trực ở phòng thí nghiệm của trường với mong muốn sẽ tìm ra một cái gì đó của riêng mình và có giá trị. Ðang học dở dang một năm ở một khoa của Trường ÐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, Lai giấu mẹ thi vào chuyên ngành công nghệ sinh học, cũng của trường này.

Lý giải cho việc quyết định “táo tợn” làm thay đổi cuộc đời mình, Ngô Kim Lai cho biết: “Ban đầu em mê khám phá lắm! Nhập học xong em thấy ngành công nghệ sinh học có nhiều điều để học hỏi, khám phá hơn nên em mê. Em quyết tâm học và thi lại vào ngành đó. Về sau, em càng học càng hăng rồi như bị cuốn vào các công trình nghiên cứu  sinh học”.

Ðến đầu năm học thứ 2, Lai phát hiện ra một loại nấm ÐTHT có tên khoa học là Cordyceps Militaris, dược chất cao gấp 5 lần những loại ÐTHT khác. Loài này có ở các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và được nhiều nơi trên thế giới trồng nhân tạo và thương mại hóa. Nhưng loại nấm này ở Việt Nam chưa trồng được, bởi thế nó có giá rất đắt đỏ, khoảng 1,8 tỷ đồng/kg. Từ đó, một ý tưởng chớm nở trong đầu: Khao khát một ngày nào đó mình có thể trồng được nó.

'Cha đẻ' 9X của công nghiệp đông trùng hạ thảo ảnh 1

Ngô Kim Lai (thứ 2 từ trái sang) trong một chuyến đi Tây Nguyên tìm đông trùng hạ thảo tự nhiên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khi bắt đầu mọi việc, Lai tự tin vì trước khi nghiên cứu về ÐTHT, cậu đã nghiên cứu làm nấm bào ngư, rồi nấm linh chi. Vì theo Lai, 60-70% quy trình nuôi trồng nấm đều giống nhau. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, công việc nghiên cứu cũng không hề đơn giản, nhất là về phần giống, Lai phải tìm hết nguồn từ trong và ngoài nước. Cuối cùng qua bao nỗ lực, chàng trai 9x này được một số người bạn ở Nhật gửi về 2 chủng giống. Có được giống, Lai miệt mài trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu ra môi trường hỗn hợp giá thể nuôi sống nấm ÐTHT.

Nghiên cứu ở trường không đủ, cậu mang dụng cụ, mẫu vật về phòng trọ nghiên cứu tiếp. Cũng từ đó, phòng trọ nhỏ xíu của Lai đã biến thành phòng thí nghiệm dã chiến. “Lúc đó ai cũng cười và nói em nghiên cứu đến phát bệnh. Có căn phòng trọ để ngủ mà em đâu có chịu ngủ. Em ra hành lang ngủ. Bên trong để dành làm phòng thí nghiệm cấy nấm. Nhiều lúc em nghiên cứu 100 giá thể khác nhau, và với từng giá thể phải thử nghiệm trên một nồng độ khác nhau. Rồi em  phải làm trên 1.000 thử nghiệm, quên cả ăn ngủ. Em chỉ ra khỏi nhà để đi dạy kiếm tiền mua nguyên liệu. Ròng rã một năm như thế cuối cùng em mới thành công”, Lai cười nhớ lại.

'Cha đẻ' 9X của công nghiệp đông trùng hạ thảo ảnh 2

Chủng đông trùng hạ thảo Việt Nam do Ngô Kim Lai tìm thấy. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

  

Giấc mơ về công nghiệp ÐTHT

Theo Ngô Kim Lai, ở Việt Nam từ lâu đã có nhiều người nghiên cứu về ÐTHT nhưng vẫn chưa có một ai trồng được. Hiện tại, cũng có rất nhiều viện, các trường đại học, các tổ chức khoa học miệt mài nghiên cứu và có thể họ đã làm ra nhưng vẫn đang ở mức quy mô phòng thí nghiệm. Riêng Lai là người đầu tiên đăng ký bản quyền cho quy trình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo công nghiệp ở Việt Nam và đã nhận được bằng chứng nhận.

Cũng theo chàng trai 9x này, dược tính Cordycepin trong sản phẩm của mình đã đạt đến mức 3,34mg/g và có thể coi đây là một thành công đáng khích lệ. “Dược tính Cordycepin trong ÐTHT ở tự nhiên thông thường chỉ đạt chỉ đạt 0,901mg/g, còn của Thái Lan là 2,701mg/g. Do đó, em rất tâm đắc vì đã tạo ra được dòng sản phẩm có chất lượng tốt hơn hàng nước ngoài, Lai cho biết.

Lai lại mơ ước tạo ra được sản phẩm ÐTHT “Made in Vietnam” với chất lượng không thua nước ngoài và có thể cạnh tranh ra thị trường quốc tế.

Hiện nay, Lai đặt trụ sở công ty ở quận 8 (TPHCM) mình làm giám đốc với 2 phòng lạnh để nuôi ÐTHT, công suất đạt 150kg/tháng. Lai cho biết, giá bán của loại ÐTHT nhãn hiệu mang chính tên mình là khoảng 100 triệu đồng/kg. Ngoài ra, Lai cũng đã tạo cho mình một hệ thống phân phối sản phẩm ở khoảng 50 tỉnh, thành trên cả nước.

Hiện, em nghĩ chưa đến giai đoạn để thu hoạch thực thụ. Ðối với em, còn nghiên cứu là còn sống được, khi dừng nghiên cứu là lúc đó em không thể sống với  công việc này được nữa”, Ngô Kim Lai thẳng thắn.

ÐTHT là một loại đông dược quý có bản chất là dạng ký sinh của loài nấm Ophiocordyceps sinensis thuộc nhóm nấm Ascomycetes trên cơ thể ấu trùng của một vài loài bướm. Phần dược tính của thuốc đã được chứng minh là do các chất chiết xuất từ nấm Ophiocordyceps sinensis. Nó được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền Trung Hoa và y học cổ truyền Tây Tạng. Theo các ghi chép về đông dược cổ, ÐTHT là một vị thuốc bồi bổ hết sức quý giá, có tác dụng tích cực với các bệnh như thận hư, liệt dương, di tinh, đau lưng mỏi gối, ho hen do phế hư hoặc cả phế, thận đều hư, và có tác dụng tốt đối với trẻ em chậm lớn.

MỚI - NÓNG