CEO Thế hệ thứ 2: Thành công không trải hoa hồng

CEO Thế hệ thứ 2: Thành công không trải hoa hồng
TP - Là thế hệ thứ hai của những tập đoàn kinh tế lớn, những “cậu ấm, cô chiêu” đang xóa tan những định kiến của nhiều người về hình ảnh ăn chơi, hưởng thụ của “con nhà giàu”. Con đường “vượt sướng” của họ cũng đầy chông gai, bầm dập để khẳng định bản thân và vượt qua cái bóng của bố mẹ trên thương trường.
CEO Thế hệ thứ 2: Thành công không trải hoa hồng ảnh 1

Nguyễn Ngọc Mỹ, ái nữ Tập đoàn Alphanam luôn tự tin khẳng định phụ nữ cũng làm được kinh doanh giỏi như đàn ông.

Ái nữ của Tập đoàn Alphanam: Vượt qua cú sốc, nối nghiệp và chia sẻ cộng đồng

Thông minh, khéo léo, am hiểu sâu rộng nhưng không kém phần thân thiện, trẻ trung, đó là ấn tượng đầu tiên về ái nữ Tập đoàn Alphanam Nguyễn Ngọc Mỹ (1991). Sinh ra trong một gia đình được xếp vào hàng “đại gia” nhưng con đường phát triển của ái nữ Tập đoàn Alphanam không trải hoa hồng mà đầy gian nan, thử thách.

14 tuổi, Mỹ rời tổ ấm gia đình sang Mỹ du học tại một trường dòng ở thành phố La Crosse, Wisconsin. Điều đặc biệt, chỉ có duy nhất Mỹ là du học sinh nước ngoài. Vì thế mọi vấn đề hòa nhập, sinh hoạt, học tập hết sức khó khăn. “Ra riêng” ở một môi trường đầy thử thách, nhiều lúc cô bị… “sốc”. Nhưng “sốc” nhất là khi học môn Lịch sử, bởi giáo viên dạy về cuộc chiến tranh Việt Nam khác biệt so với những gì Mỹ từng được học. Chính cú sốc đó đã giúp Ngọc Mỹ hình thành thói quen nghiên cứu văn hóa lịch sử để tự tin giao tiếp và thích nghi trong mọi hoàn cảnh.

Là thế hệ thứ 2 tiếp nối thành quả của cha ông đi trước, điều mà người ta nhận thấy ở Ngọc Mỹ là cách cô làm việc đầy chuyên nghiệp. Để làm được điều đó, là sự cố gắng trau dồi bản thân, trau dồi kiến thức hạn chế va vấp. Sau khi trở về Việt Nam, cô không tìm kiếm ngay một chức vụ trong tập đoàn của gia đình mà xin việc tại Savills vì muốn trải nghiệm ở một môi trường mới, để thử thách và học hỏi. “Thời gian sau đó, bố tôi cũng không giao cho một chức vụ cụ thể nào trong Alphanam mà chỉ bảo “Con cứ đến công ty làm việc, nói xem mọi người có nghe không rồi hẵng hay”. Và từ việc “nói xem mọi người có nghe không” đó là cả một sự cố gắng không ngừng để rồi khi giờ đây được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng của tập đoàn, Ngọc Mỹ đang dần trở thành biểu tượng cho sự phát triển của Alphanam.

Trung thành với phân khúc bất động sản cao cấp theo hướng đầu tư có bài bản, chuyên sâu, và phát triển bền vững, Alphanam với sự góp mặt của thế hệ 2 bắt tay cùng với các thương hiệu hàng đầu thế giới như Marriott, Starwood. Việc Marriott lựa chọn Alphanam làm đối tác phát triển hàng loạt dự án tại Việt Nam cho thấy tiềm lực kinh tế vững mạnh và uy tín của Chủ đầu tư Alphanam Group, một trong số “hiếm” các chủ đầu tư trên thị trường hiện nay “nói thật, làm thật”.

Và hơn thế, người ta lại thấy một Nguyễn Ngọc Mỹ sinh ra là để cống hiến cho xã hội, cho cộng đồng khi cô thành lập quỹ Alphanam Green Foundation, quỹ vì môi trường tại một tỉnh của ĐBSCL. Mục tiêu của Quỹ là xây dựng những thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện. Bước đầu của Quỹ với chiến dịch “Vì một An Giang Xanh, Sạch, Đẹp” đã đồng hành với dự án phát triển vườn cây thuốc nam dành cho người nghèo.

CEO Thế hệ thứ 2: Thành công không trải hoa hồng ảnh 2

CEO Đỗ Quang Vinh đưa doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới.

CEO Đỗ Quang Vinh: Từ cậu bé nhút nhát đến doanh nhân trên đất Mỹ

Cách đây vài năm, Đỗ Quang Vinh (1989) chỉ được báo chí nhắc đến với tư cách con trai bầu Hiển (Chủ tịch Tập đoàn T&T) và mọi người tự gắn cho Vinh mác “cậu ấm”. Thoát khỏi cái bóng quá lớn của bố để khẳng định bản lĩnh của doanh nhân trẻ là cả quá trình phấn đấu, tự lập của Vinh khi còn là một cậu bé. Dù kém tiếng Anh nhưng ngay từ lúc 15 tuổi Vinh mạnh dạn xin gia đình được đi học tại Singapore.

Vinh tâm sự: “Còn nhớ, khi đó tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ nhút nhát, được bao bọc bởi sự chăm sóc của gia đình. Khi qua Singapore, tôi không có họ hàng, người thân hay bạn bè nào giúp đỡ. Tôi tự làm tất cả mọi việc. Khi tới trường gặp rất nhiều rào cản về ngôn ngữ vì thời gian đầu, tôi nghe giảng không hiểu nhiều và cũng không giao lưu được với các bạn nước ngoài khác. Tôi từng nản chí nhưng rồi tôi tự nhủ rằng: Khi mình tự chọn đi con đường này thì không được lùi bước”. Khi học xong đại học, Vinh về ngân hàng của bố làm việc trên tinh thần học hỏi. Vinh qua nhiều bộ phận như khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp, tín dụng, thanh toán quốc tế, tái thẩm định để học được các nghiệp vụ kinh doanh chính của ngân hàng.

Vinh từng băn khoăn: “làm việc tại công ty của bố sẽ không ai dám góp ý hoặc phê bình tôi. Mà như thế tôi không phát triển được”. Vì vậy, Vinh đã tự mày mò xin việc tại nhiều ngân hàng khác và nhận được nhiều lời mời như: Ngân hàng Bank Of China (BOC) ở Hong Kông, HSBC… nhưng duyên chưa tới. Sau đó, Vinh làm việc tại Hana Bank, một ngân hàng Hàn Quốc. Tại đây, Vinh vừa làm nhân viên tín dụng, vừa làm trưởng phòng vì  thiếu nhân sự. Ở bất cứ công việc nào, cương vị nào, Vinh cũng dồn tâm sức vào nó. Với Vinh, nếu một người bình thường chỉ cần cố gắng một thì bản thân cậu phải cố gắng mười để người ta không nghĩ mình ỷ lại vào người bố quá nổi tiếng và thành đạt.

Vinh quay lại làm việc cho Tập đoàn T&T khi bản thân đã tích lũy đủ kinh nghiệm ở nhiều môi trường làm việc khác nhau và đúng lúc tập đoàn có nhiều công việc cần giải quyết nhưng thiếu người. “T&T muốn phát triển chi nhánh ở Đức. Tôi đã có kế hoạch tới Đức. Giấy tờ ký xong, tôi làm giám đốc và đứng tên ngân hàng. Tuy nhiên, sau 3 tuần, tôi thấy Đức không phù hợp, trong khi thị trường Mỹ khá rộng mở. Chi nhánh T&T ở Mỹ thành lập được 1 năm nhưng chưa có người quản lý. Vì vậy, tôi sang Mỹ điều hành chi nhánh”, Vinh cho hay.

Quả thật, với tuổi đời còn quá trẻ, việc gặp gỡ và thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài cũng là điều mà Vinh quan ngại. Tuy nhiên, sự am hiểu về văn hóa nước ngoài và cái quan trọng nhất là chứng minh cho họ thấy mình nói được làm được, cái gì không biết thì không được khẳng định hay hứa hẹn giúp Vinh nhận được sự tin tưởng của đối tác trong công việc. Khi kinh doanh tại thị trường khó tính như Mỹ, Vinh luôn đề cao chữ tín. Ngoài ra, với quản trị nhân viên toàn người nước ngoài, Vinh luôn cho họ cảm giác được tôn trọng khi lắng nghe, đôi khi học hỏi từ nhân viên nhưng quan trọng cuối cùng khi đưa ra quyết định thì Vinh cho họ thấy đó là quyết định đúng. Hiện, T&T Mỹ đã bước những bước đầu vào thị trường bất động sản và đang xây dựng mạng lưới cho thị trường xuất nhập khẩu.

CEO Thế hệ thứ 2: Thành công không trải hoa hồng ảnh 3

CEO Nguyễn Anh Tuấn với triết lý kinh doanh từ chữ “tâm”.

“Soái ca” HD Mon: Thừa hưởng triết lý kinh doanh từ bố mẹ

Nguyễn Anh Tuấn (1984) ấn tượng với giới truyền thông bằng vẻ ngoài đậm chất “soái ca” nhưng để lại sâu đậm cho những ai tiếp xúc bằng sự chín chắn và lăn xả trong công việc.

Cũng xuất thân trong gia đình “đại gia” nhưng Anh Tuấn không sống trong nhung lụa như mọi người vẫn hình dung. Con đường du học từ năm 16 tuổi và 10 năm sinh sống ở xứ người với sự nghiêm khắc của bố mẹ đã tạo lên một Anh Tuấn đầy bản lĩnh như bây giờ.  Anh Tuấn nhớ lại: “Truyền thống của gia đình tôi là xây nhà từ gốc, nên năm 2014 khi tôi trở về Việt Nam, bố cho tôi làm việc ở công ty từ vị trí thấp nhất là nhân viên. Hằng ngày, tôi tham gia mọi cuộc họp lớn nhỏ để học hỏi kinh nghiệm. Mất một năm tôi được cha tin tưởng giao cho vị trí Tổng Giám đốc”.

Anh Tuấn luôn tự hào vì sinh ra trong một gia đình có nền tảng và hơn hết, gia đình chính là bài học quý báu cho anh trên con đường kinh doanh hiện tại. Anh học được ở bố sự bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo của người đàn ông khi đưa ra những quyết định khó khăn. Còn mẹ là sự nhẫn nhịn để hạn chế những va chạm không đáng có và giúp anh hoàn thiện mình trong cuộc sống và công việc.

Khi theo đuổi lĩnh vực bất động sản, Anh Tuấn cho rằng, trong mỗi công trình đều cần phải lấy cái tâm làm kim chỉ nam và chữ “Tâm” cũng chính là triết lý kinh doanh của anh học được từ gia đình. Vì vậy, từng chi tiết quy hoạch đến chất lượng hoàn thiện căn hộ dự án mà công ty Anh Tuấn đang điều hành đều hướng đến một không gian sống mang tính kết nối để xây dựng một cộng đồng dân cư thực sự bền vững. Đó là những khoảng xanh mát, những con đường rợp bóng cây, rực rỡ hoa lá hay một không gian cộng đồng sinh hoạt chung rộng lớn, thuận tiện để tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, hội họp… Những yếu tố này nổi bật và được đặc biệt chú trọng trong quy hoạch, kiến trúc của Mon City (Mỹ Đình, Hà Nội), Mon Bay (Quảng Ninh)...

Quản trị hơn 200 nhân viên có cả những “lão làng” trong công ty đến những nhân viên trẻ tuổi, Anh Tuấn cho rằng đây là một nghệ thuật. Anh chia sẻ: “Bất kể ai khi đi làm, phải được tôn trọng. Vì vậy trong lời nói, giao tiếp phải có văn hóa. Tôi luôn quan tâm xây dựng môi trường để làm sao nhân viên xem như ngôi nhà của họ. Không gian thoải mái thì họ mới cống hiến hết mình trong công việc. Đặc biệt, làm lãnh đạo phải quan tâm đến đời sống cho anh em một cách tốt nhất. Cái nữa, phải đoàn kết giữa các phòng ban. Thường xuyên gần gũi, trao đổi và không tạo khoảng cách”.

Anh Tuấn cho hay, trong khi nhiều công ty, nhân viên đi làm cả năm không biết được mặt lãnh đạo thì tại HD Mon, đầu giờ sáng nào, anh cũng hội ý, trò chuyện cùng nhân viên. Chính anh là hình tượng trong công ty khi luôn là người đi sớm về muộn nhất. Bản thân anh cho rằng, mình làm tốt, làm gương thì nhân viên sẽ làm theo.

Là một người của công việc với gần hết thời gian dành cho công ty nhưng với Anh Tuấn, gia đình nhỏ vẫn luôn là chỗ dựa và hậu phương khi anh làm việc căng thẳng. “Ngày chỉ có 3-4 tiếng với gia đình nhưng quan trọng nhất”, anh chia sẻ.    

“Thời gian sau đó, bố tôi cũng không giao cho một chức vụ cụ thể nào trong Alphanam mà chỉ bảo “Con cứ đến công ty làm việc, nói xem mọi người có nghe không rồi hẵng hay”.

Ngọc Mỹ chia sẻ

Mục tiêu tương lai là tập đoàn T&T sẽ có tên trong những dự án bất động sản lớn tại Mỹ và sẽ hỗ trợ được các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu mặt hàng của họ sang thị trường Mỹ nhiều hơn nữa.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.