Một binh sĩ Ukraine cầm vũ khí chống tăng ở ngoại ô Kiev. Ảnh: AP |
Với việc Mỹ và các đồng minh cam kết viện trợ quân sự ở mức cao chưa từng thấy cho Ukraine, tờ CBS News mới đây đã công bố nhận định gây sốc khi cho biết chỉ có khoảng 30% số vũ khí mà phương Tây gửi thực sự đến được tiền tuyến.
Mỹ đã phê duyệt chi hơn 54 tỷ đô la viện trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine kể từ tháng 2, trong khi Anh cam kết viện trợ quân sự gần 3 tỷ đô la, và Liên minh châu Âu (EU) chi 2,5 tỷ đô la để mua vũ khí cho Kiev.
Các trang thiết bị từ súng trường, lựu đạn đến tên lửa chống tăng và pháo phản lực phóng loạt đã được phương Tây gửi cho Ukraine, hầu hết thông qua Ba Lan.
Tuy nhiên, quá trình chuyển giao hiếm khi diễn ra suôn sẻ, theo CBS.
Jonas Ohman, người sáng lập một tổ chức trụ sở tại Lithuania có liên kết với quân đội Ukraine tiết lộ: “Việc trang bị vũ khí cho quân đội có liên quan đến một mạng lưới phức tạp gồm những người quyền lực, các nhà tài phiệt và những chính trị gia. Tất cả những lô vũ khí này khi chuyển qua biên giới, có thể sẽ có sự cố xảy ra, và chỉ còn khoảng 30% đến được người nhận”.
“Thực sự không có thông tin nào về việc số vũ khí này sẽ được chuyển đến đâu”, Donatella Rovera, cố vấn cấp cao về khủng hoảng của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói với CBS. “Điều thực sự đáng lo ngại là một số quốc gia khi gửi vũ khí dường như không nghĩ rằng họ có trách nhiệm phải áp dụng một cơ chế giám sát chặt chẽ".
Ukraine khẳng định rằng nước này theo dõi từng loại vũ khí đi qua biên giới. Yuri Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Alexey Reznikov nói với tờ Financial Times vào tháng trước rằng các thông tin ngược lại “có thể là một phần trong chiến dịch thông tin của Nga nhằm làm nản lòng những đối tác quốc tế đang cung cấp vũ khí cho Ukraine”.
Tuy nhiên, các quan chức ở phương Tây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Một nguồn tin tình báo Mỹ nói với CNN hồi tháng 4 rằng Washington gần như không biết chuyện gì sẽ xảy ra với những vũ khí mà nước này gửi cho Kiev, đồng thời mô tả các lô hàng sẽ rơi “vào một hố đen” khi chúng đến Ukraine. Các nguồn tin Canada tháng trước cũng cho biết họ “không rõ” những vũ khí viện trợ sẽ được chuyển đến đâu.
Theo Europol – cơ quan an ninh EU, một số vũ khí có thể đã rời Ukraine và được đưa trở lại châu Âu, trong khi chính phủ Nga cảnh báo rằng chúng có thể đang xuất hiện ở Trung Đông.
Ở Washington, một số nhà lập pháp đã đề xuất rằng Quốc hội nên thiết lập “sự giám sát thích hợp” đối với các lô vũ khí, vì Ukraine nằm trong nhóm những quốc gia có chỉ số tham nhũng cao nhất thế giới.
“Nếu các bạn cung cấp vũ khí cho họ thì chắc chắn phải có một hệ thống hậu cần, phải không?”, Andy Milburn, một sĩ quan thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu, nói với CBS. “Nếu những gì bạn biết chỉ dừng lại ở biên giới Ukraine, thì việc có người nghĩ rằng số vũ khí này không đến được nơi nó cần đến sẽ không có gì đáng ngạc nhiên".
Các kịch bản tương tự từng xảy ra ở một số vùng chiến sự khác trên thế giới, mang lại hậu quả tàn khốc. “Chúng tôi đã thấy rất nhiều vũ khí được đưa vào Iraq khi Mỹ tiến quân vào nước này hồi năm 2003”, ông Donatella Rovera nói với CBS. “Sau đó vào năm 2014, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng giành quyền kiểm soát phần lớn Iraq và chiếm lấy kho vũ khí này”.
Khi Mỹ rút khỏi Afghanistan vào năm 2021, Taliban đã giành quyền kiểm soát số thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ đô la mà quân đội Mỹ bỏ lại cho quân đội Afghanistan.
Ở Syria, vũ khí mà Mỹ dành cho cái gọi là “phiến quân ôn hòa” cuối cùng lại nằm trong tay IS và các chiến binh thánh chiến Al-Nusra.
Mikhail Podoliak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết hôm Chủ nhật rằng "không có bằng chứng" nào cho thấy vũ khí vũ khí phương Tây bị mất dấu.
“Nga đang tìm cách hạ uy tín của Ukraine trong mắt các nước phương Tây”, ông Podoliak nói.