TPO - Sau bão, hàng nghìn gốc cây xanh trên huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị rụng lá, chết khô, bật gốc. 'Có thể 5-10 năm nữa cây xanh trên huyện đảo này mới trở lại được như trước khi bão chưa tàn phá', ông Đặng Tấn Thành, Phó chủ tịch UBND huyện khẳng định.
Theo ghi nhận của PV, dọc theo các tuyến đường biển quanh đảo Lý Sơn, hầu hết các cây xanh ở đây đều có hiện tượng chết khô, rụng trụi lá. Nhiều gốc bàng cổ thụ lâu năm cũng nằm trong tình trạng đó. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Theo một số bậc cao niên trên đảo, khi bão số 9 đổ bộ vào thời tiết lúc đó không có mưa, nhưng với sức gió khủng khiếp, gió mạnh cuốn theo nước biển thổi khắp quanh đảo khiến cây cối trên đảo bị nhiễm nước mặn mà rụng lá, chết khô như vậy. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Hàng loạt cây phượng lâu năm ở trước trung tâm chính trị, hành chính huyện Lý Sơn bị rụng lá, chết khô. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Nhiều gốc cây di tích lịch sử cấp Quốc gia lâu năm ở trên đảo cũng nằm trong tình trạng đó, rụng lá, héo khô... Ảnh: Nguyễn Ngọc
Ông Trương Văn Cửu, thôn Đông An Hải, huyện Lý Sơn, cho hay, sống ở đây hơn nữa cuộc đời đây là lần đầu tiên ông thấy một cơn bão kỳ lạ đến như vậy, bão mà không có mưa, gió mạnh cấp 14-15 cuốn nước biển, cát trắng thổi khắp đảo, bão đi qua trời cũng không mưa , khiến cây xanh quanh đảo chết khô vì nước mặn. Cây xanh trên huyện đảo này muốn khôi phục lại có thể mất một khoảng thời gian khá lâu, phải vài năm nữa cây xanh mới khôi phục lại được như trước khi bão số 9 chưa vào. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Ảnh: Nguyễn Ngọc
Nhiều cánh rừng phòng hộ ở trên huyện đảo bị đổ ngã và chết khô do nước biển. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Những hàng dương, cây xanh trên đảo Bé cũng nằm trong tình trạng đó. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Cây phong ba cô đơn nổi tiếng trên đảo Bé bị quật ngã sau bão số 9. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Ông Đặng Tấn Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, trong những năm qua huyện đảo rất tích cực trồng cây xanh, trồng rừng phòng hộ để che chắn gió phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp của người dân, bên đó phục cho việc phát triển du lịch. Tuy nhiên, sau cơn bão số 9 đã khiến cho toàn bộ cây xanh trên đảo bị chết, ngã đổ. Huyện cũng đã chỉ đạo cho lực lựng chức năng chăm sóc những cây còn lại, đồng thời xin nguồn kinh phí ở cấp trên để khôi phục lại những diện tích cây xanh đã chết. Ảnh: Nguyễn Ngọc
'Có thể 5-10 năm nữa cây xanh trên huyện đảo này mới trở lại được như trước khi bão chưa tàn phá', ông Đặng Tấn Thành, Phó chủ tịch UBND huyện khẳng định. Ảnh: Nguyễn Ngọc