Cây cối cũng có tai?
Không chỉ có khả năng “ngửi” thấy mùi hóa chất và phản ứng với ánh sáng, các loài thực vật còn có thể nghe thấy các tiếng động xung quanh?
Cây ớt Capsicum annuum. |
Thực vật vốn cũng được biết đến với nhiều giác quan như động vật: có thể cảm nhận được mức độ thay đổi của ánh sáng cũng như “mùi” hóa chất trong không khí và những “hương vị” đặc trưng dưới lòng đất. Chúng thậm chí còn có xúc giác khi phát hiện được sự rung lắc từ cơn gió mạnh.
Tuy nhiên, thực vật liệu có thính giác hay không? Đó là một trong những câu hỏi từng gây nhiều tranh cãi nhất từ thế kỷ 19.
Mới đây, một nhóm chuyên gia do Monica Gagliano tại Đại học Western Australia (Crawley) dẫn đầu đã cố gắng đi tìm câu trả lời bằng cách tiến hành nghiên cứu: đặt những hạt giống của loài ớt Capsicum annuum vào 8 chiếc đĩa Petri chuyên dùng ở phòng thí nghiệm và xếp thành vòng tròn xung quanh một cây thì là ngọt (Foeniculum vulgare) được đặt trong chậu.
Cây thì là ngọt đã giải phóng hóa chất vào không khí và đất, làm chậm sự phát triển của các cây khác.
Ngoài ra, nó còn được đựng trong một cái hộp, ngăn hóa chất đi đến những hạt giống. Ở thí nghiệm khác thì có hộp, nhưng lại không có cây thì là bên trong. Với mỗi trường hợp đó, tất cả đều được niêm phong trong hộp cách âm để ngăn chặn sự can thiệp của các tín hiệu từ bên ngoài.
Kết quả cho thấy các hạt ớt cạnh cây thì là nảy mầm chậm hơn so với không gần cây thì là và đặc biệt nhanh khi có mặt nó nhưng đặt ở xa.
Sau đó, Gagliano lặp lại thí nghiệm với 2.400 hạt ớt trong 15 cái hộp và luôn có cùng một kết quả, chứng tỏ hạt ớt có phản ứng với một tín hiệu nào đó. Tín hiệu này giúp chúng lường trước sự xuất hiện của những hóa chất làm chậm sự tăng trưởng. Chính cái hộp bao quanh cây thì là đã chặn mất tín hiệu hóa học và Gagliano cho rằng âm thanh có thể là nguyên nhân.
Trong một thí nghiệm riêng, sự tăng trưởng của hạt giống cạnh một cây ớt bị cô lập cũng khác so với những hạt phát triển một mình. Như vậy, khả năng là giữa 2 bên có tồn tại hình thức báo hiệu.
Mặc dù nghiên cứu mới ở giai đoạn đầu nhưng kết quả trên cũng đủ để các nhà khoa học tiếp tục theo đuổi và làm rõ. Họ tin rằng thực vật có một phương tiện truyền thông tin chưa thể xác định.
Theo Đất Việt, Newscientist