Cây chè đổi đời người Cao Lan

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những hộ dân người Cao Lan ở bản Ven, xã Xuân Lương (huyện Yên Thế, Bắc Giang) có cuộc sống no ấm và từng bước làm giàu từ cây chè.

Bản Ven nằm ẩn mình bên dãy núi nhấp nhô. Sáng sớm, trời lạnh buốt, nhưng chị Trần Thị Mai (49 tuổi), người dân tộc Cao Lan đã thoăn thoắt đôi tay trên luống chè xanh mơn mởn. Chị kể, năm 1993, chị xây dựng gia đình. Sau đó, vợ chồng chị ra ở riêng, bố mẹ cho 2 sào đất lập nghiệp. Chị dùng 2 sào đất trồng vải thiều nhưng đời sống luôn chật vật thiếu thốn. Một ngày của năm 2007, cán bộ khuyến nông của địa phương đến nhà chị Mai để bàn về hướng xóa đói, giảm nghèo. Cây chè được đưa về bản Ven trồng. Đầu tiên, vợ chồng chị Mai chuyển 2 sào vải thiều sang trồng chè. Cây chè hợp thổ nhưỡng ở bản Ven nên phát triển tốt và cho năng suất cao.

Theo chị Mai, chè bản Ven uống có vị ngọt thanh, bùi béo. Bởi vậy, chè bản Ven có sức hút với người tiêu dùng. Mới đầu, người dân quanh vùng mua chè bản Ven về uống. Tiếng lành đồn xa, chè bản Ven ngày càng được nhiều người biết đến. Cứ thế, chè bản Ven dần có tiếng ở tỉnh Bắc Giang và nhiều tỉnh thành khác. Thấy tiềm năng phát triển của cây chè, gia đình chị Mai tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè lên gần 5.000 m2.

Cây chè đổi đời người Cao Lan ảnh 1

Gia đình chị Trần Thị Mai làm giàu từ cây chè

Chị Mai cho biết, năm 2014, người trồng chè ở bản Ven được cán bộ khuyến nông hướng dẫn canh tác theo tiêu chuẩn VietGap để nâng cao chất lượng. Tiếp đó, bà con trồng chè ở đây tiếp tục học cách đóng gói sản phẩm bắt mắt, làm thương hiệu để nâng cao giá trị cây chè. Chị nhẩm tính, mỗi năm gia đình chị bán hơn 1 tấn chè khô, với giá 350.000 đồng/kg, thu về hơn 350 triệu đồng/năm, trừ chi phí lãi khoảng 300 triệu đồng. “Người dân trong bản sống bằng cây chè. Cuộc sống gia đình ổn định, đủ ăn và làm giàu từ cây chè”, chị Mai cho hay.

Trước năm 2006, khi cây chè chưa được trồng nhiều, bản Ven có khoảng 30% hộ nghèo. Đến nay, bản Ven chỉ còn 3% hộ nghèo.

Gia đình chị Hoàng Thị Lý, người Cao Lan ở bản Ven cũng đổi đời từ cây chè. Chị Lý chia sẻ, cũng như nhiều gia đình khác trong bản, nhà chị cũng có ít ruộng trồng lúa, sắn không đủ ăn. Hơn 10 năm trước, cây chè về bản Ven, vợ chồng chị trồng 7 sào, sau đó tăng thêm 3 sào. Cây chè trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình chị với doanh thu khoảng 200 triệu đồng/năm.

Ông Đinh Quảng Viện, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Lương cho biết, người dân tộc Cao Lan chiếm 98% dân số ở bản Ven, với 140 hộ. Từ năm 2006, bà con trong bản bắt đầu mở rộng diện tích trồng chè. Đến nay, bản Ven có khoảng 60 ha trồng chè.

MỚI - NÓNG
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
TPO - Đề văn của một trường THPT tại TPHCM ra yêu cầu ngắn gọn: "Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay". Một số phụ huynh nhận định đề thi thú vị, mang tính thời sự. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng từ "phông bạt" xuất hiện trong đề thi là không phù hợp.