Cây cầu nghĩa tình mang dấu ấn 'Tiền Phong'

TP - Từ cuộc vận động do báo Tiền Phong khởi xướng, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã quyên góp hơn 4,3 tỷ đồng ủng hộ xây cầu Chôm Lôm. Có cầu bắc qua sông, tai nạn sông nước ở xã Lạng Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An) chấm dứt.
Cây cầu nghĩa tình mang dấu ấn 'Tiền Phong' ảnh 1

Cầu treo Chôm Lôm 

Tám năm trước, ngày 7/10/2006 tại bến đò ngang bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê, một chuyến đò chở trên 30 người chủ yếu là các em học sinh cấp 2 từ bản Chôm Lôm ở phía bờ Bắc sang trường THCS Lạng Khê ở phía bờ Nam rơi vào dòng nước xoáy, bị chìm. Vụ đắm đò thương tâm cướp đi sinh mạng của 19 học sinh nhỏ tuổi. Trong số 19 nạn nhân, có 14 em gái, 5 em trai; 3 gia đình có 2 con thiệt mạng. Sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm, vẫn còn 5 em học sinh mất tích.?Trên bến sông này, người dân cho biết đã từng xảy ra hai vụ đắm đò, làm 4 người chết. Đây là khúc sông chảy xiết, nước xoáy, cực kỳ nguy hiểm mùa mưa lũ. 

Đang tác nghiệp tại bến Chôm Lôm, tôi gọi điện ra Hà Nội đề nghị Ban biên tập khởi xướng cuộc vận động quyên góp tiền xây cầu treo bắc qua sông Lam tại xã Lạng Khê. BBT báo Tiền Phong hội ý, thống nhất chủ trương, và yêu cầu tôi liên lạc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Cần có sự hỗ trợ của địa phương nơi xảy ra tai nạn, cuộc vận động mới thực sự hiệu quả. Tôi điện thoại cho ông Phan Đình Trạc, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An (nay là Phó Ban Nội chính T.Ư), nêu sáng kiến của báo Tiền phong. Chủ tịch tỉnh Nghệ An “nhất trí cao”. Ngay đó, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An ra thông báo số 161 (ngày 13/10/2006) chỉ đạo Tỉnh Đoàn và Đài PTTH hưởng ứng cuộc vận động xây cầu nghĩa tình do báo Tiền Phong phát động, phối hợp tổ chức cầu truyền hình nhân đạo.?

Sự giúp đỡ của bạn đọc báo Tiền phong, của các nhà hảo tâm, dân bản chỉ biết ghi nhớ ở trong lòng!”. 

Chủ tịch UBND xã Lam Khê  Vi Đình Tuyển

Cuộc vận động xây cầu Chôm Lôm phát động, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút hàng trăm doanh nghiệp, hàng ngàn người dân ủng hộ. Điển hình, ông Võ Hồng (Tổng Cty Bến Thành - Matxcơva), quê ở huyện Thanh Chương (Nghệ An), ủng hộ 500 triệu đồng; Cty Xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới TechCo đóng góp 100 triệu; MeLinh PLAZA - Euro Window (số 30, Lý Nam Đế, Hà Nội): 100 triệu. VIBank- Ngân hàng Quốc tế chi nhánh Vinh, C1, Quang Trung, TP Vinh: 100 triệu đồng; Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á ủng hộ trên 100 triệu đồng…Nhiều học sinh nhịn ăn sáng góp tiền xây cầu; có cụ già hiến tặng cả tháng lương. Sau 4 tháng phát động, tổng số tiền các nhà hảo tâm quyên góp xây cầu lên tới trên 4,3 tỷ đồng. 

Ngày 21/12/2006, UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Đến ngày 2/2/2007, Quyết định phê duyệt kết quả thầu dự án cầu treo Chôm Lôm được ban hành. Một đơn vị tư vấn thiết kế tại Vinh nhận thiết kế miễn phí công trình. Tiến độ xây cầu được tỉnh Nghệ An quan tâm, đôn đốc quyết liệt, dồn dập. Ngày 3/2/2007, cầu treo Chôm Lôm khởi công xây dựng và chín tháng sau, ngày 10/11/2007, khánh thành đưa vào sử dụng.

Đường hai phía tả, hữu ngạn sông Lam khu vực dẫn tới hai mố cầu được mở rộng, đổ bê tông. “Có đường mới, việc đi lại thuận tiện hơn nhiều chứ trước đây hai bên bờ sông mưa xuống đường lầy lội, đưa thùng nước từ dưới sông lên cũng khó!”, một người dân trú tại bờ Bắc xã Lạng Khê (Con Cuông) cho hay. Chiếc cầu treo nối hai bờ sông Lam phía thượng nguồn, mơ ước ngàn đời của người dân miền núi, đã thành hiện thực. “Người dân qua lại hai bên bờ sông, các em học sinh đi học mỗi sáng mai không phải chen chúc nhau trên con đò cũ nát, đầy hiểm họa. Các em có thể từ bản Chôm Lôm, Đồng Tiến sang Trường TPCS Lạng Khê ngay cả khi lũ lụt, mưa to gió lớn”, anh Vi Văn Thắng, xã Lạng Khê nói. 

Từ khi có cầu mới, việc vận chuyển hàng hóa, lương thực của người dân quanh vùng thuận tiện hơn. Chủ tịch UBND xã Lạng Khê Vi Đình Tuyển nói: “Từ khi có cầu Chôm Lôm, đời sống của dân Lạng Khê thay đổi rõ rệt. Toàn xã có trên 1.000 hộ với 4.600 nhân khẩu, trong đó dân bản Chôm Lôm 780 người; bản Đồng Tiến 980 người, mỗi ngày có hàng ngàn lượt người, phương tiện xe cộ phải qua sông. Hàng hóa nông sản từ hai bản này vận chuyển ra trung tâm xã Lạng Khê và thị trấn Con Cuông không bị ách tắc khi lũ lụt thượng nguồn sông Lam đổ về. Sự giúp đỡ của bạn đọc báo Tiền Phong, của các nhà hảo tâm, dân bản chỉ biết ghi nhớ ở trong lòng!”. Qua 8 năm sử dụng, Chủ tịch xã Lạng Khê cho hay, cầu Chôm Lôm vẫn đảm bảo an toàn. Chiếc cầu chịu được tải trọng xe 2,5 tấn này đã qua một lần bảo trì, tu sửa vào năm 2013. Lúc đó, bộ phận kỹ thuật chỉ phải thay một số nẹp sắt, ván gỗ.

Cầu Chôm Lôm, nhịp cầu nghĩa tình không chỉ phục vụ dân sinh xã Lạng Khê và vùng phụ cận trên tuyến quốc lộ 7 tỉnh Nghệ An, chấm dứt cảnh “qua sông lụy đò” với những tai nạn đò ngang thương tâm, mà còn tiếp sức cho các em học sinh miền núi trên hành trình đi tìm con chữ. “Trước khi có cầu Chôm Lôm, học sinh rất vất vả mỗi khi đến trường, thường xuyên đối mặt với nguy cơ chìm đò, đắm thuyền. Nhiều bữa, thầy cô giáo sang bên kia sông thăm các em học sinh hoặc tiếp xúc với phụ huynh, bị kẹt lại vì mưa lớn, lũ tràn về. Từ khi bạn đọc báo Tiền Phong góp tiền xây cầu Chôm Lôm, việc đi lại giữa nhà trường và học sinh dễ dàng, thuận tiện hơn!”, một cô giáo Trường THCS Lạng Khê nói. 

Công trình cầu Chôm Lôm do Sở GT&VT Nghệ An làm chủ đầu tư, dài 178,4m, rộng 2,28m, đặt cách bến đò 130m về phía thượng lưu. Cầu gồm 2 nhịp dẫn (mỗi nhịp 18m). Cầu bố trí 4 bó cáp, liên kết cáp chủ với dây đeo bằng bulông và thép bản. Cổng cầu đúc bằng thép, trụ cao 14,12m. Tổng mức đầu tư gần 5,1 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.