Ngày 30/11/2013, tại TP Việt Trì, Phú Thọ, Bộ GTVT khởi công xây dựng cầu Việt Trì mới. Cầu mới sẽ thay thế cây Việt Trì cũ kỹ, dùng chung cho đường bộ và đường sắt hiện nay, xoá đi sự ngột ngạt về giao thông trong những ngày giỗ các vua Hùng (10/3 âm lịch hàng năm). Rộng ra, dự án sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Phú Thọ và các tỉnh phía Bắc, tạo cơ sở để TP Việt Trì trở thành đô thị loại I vào năm 2015.
Để có ngày khởi công đầy phấn chấn đó, việc chuẩn bị dự án không ít thăng trầm. Thạc sĩ Lâm Văn Hoàng - Phó Vụ trưởng, Phó Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công -tư (PPP), Bộ GTVT kể: Trong nhiều năm, dự án được giao cho tỉnh Phú Thọ nhưng không tìm được vốn; kể cả vốn ODA cũng khó khăn khi nước ta thành nước có thu nhập trung bình. Đăng thông báo mời doanh nghiệp (DN) đầu tư BOT lại càng khó bởi dự án đầu tư lớn, lưu lượng xe lưu thông thường xuyên không nhiều. Khả năng cao tốc Hà Nội - Lào Cai khi đưa vào sử dụng chia sẻ lưu lượng xe qua đây cũng làm nhiều nhà đầu tư nản lòng.
Trước tình thế đó, Bộ GTVT “kéo” dự án về, giao cho Tổng Cty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư theo Quyết định 1856/QĐ- TTg (Phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt) của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, vốn chương trình này cũng hạn hẹp, không đủ thực hiện. Bộ GTVT một lần nữa dương ngọn cờ “xã hội hoá”, kêu gọi nhà đầu tư với quyền lợi đủ sức hấp dẫn. Nhiều DN quan tâm nhưng ngặt nỗi, đơn vị đăng ký có thế mạnh này lại thiếu thế mạnh kia, không đủ lực “ôm” trọn dự án gần 2.000 tỷ đồng này.
Mối lương duyên giữa các nhà thầu tư kết hoa thơm, trái ngọt trên đất Tổ; để không lâu nữa, con cháu mọi miền về với cội nguồn
Trong cái khó ló cái khôn, Bộ GTVT một mặt yêu cầu tư vấn thiết kế rà soát điều chỉnh qui mô, công nghệ để giảm tổng mức đầu tư, tăng tính khả thi của dự án. Mặt khác Bộ nghiên cứu tình hình các nhà đầu tư để tìm cách kết hợp và kết quả là hình thành liên danh gồm Tổng Cty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (CIENCO1), Cty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh và Cty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn - Bộ quốc phòng.
Liên danh này có vẻ “lệch pha” khi có mặt một DN ngành GTVT (Cienco 1), một đơn vị của Bộ Quốc phòng (Thái Sơn) và một DN tư nhân (Yên Khánh) chưa nhiều tên tuổi trong xây dựng công trình. Nhưng bù lại, đây là sự bổ khuyết đầy dụng ý. Cienco 1 là đơn vị đầu đàn về thi công cầu.
Thái Sơn là doanh nghiệp tiềm lực của Bộ Quốc Phòng có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư. Còn Yên Khánh là một doanh nghiệp có tài chính mạnh vừa gây bất ngờ khi “xuống tay” mua đứt 5 năm quyền thu phí tại cao tốc Sài Gòn - Trung Lương với giá hơn 2.000 tỷ đồng.
“Một đơn vị có bề dày kinh nghiệm xây dựng cầu lớn sẽ có nhiều sáng kiến cải tiến trong thi công giúp tiết kiệm các chi phí. Đơn vị này kết hợp với hai DN có kinh nghiệm đầu tư, tiềm lực tài chính sẽ tiếp cận được nguồn vốn đầu tư tốt tạo ra một liên danh hiệu quả” - ông Hoàng nói.
Tại lễ khởi công, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo liên danh nhà đầu tư, nhà thầu đảm bảo chất lượng, tiến độ (hoàn thành năm 2015, sau 18 tháng). Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Hoàng Dân Mạc cam kết sẽ thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự...
Với sự quyết tâm, chỉ đạo sâu sát đó, hi vọng, mối lương duyên giữa các nhà đầu tư kết hoa thơm, trái ngọt trên đất Tổ; để không lâu nữa, con cháu mọi miền về với cuội nguồn, với các Vua Hùng không phải chịu cảnh ùn tắc, chờ đợi qua cầu Việt Trì.