Cấu trúc đề thi tốt nghiệp: Tác động lớn đến cách dạy và học

Cấu trúc đề thi tốt nghiệp: Tác động lớn đến cách dạy và học
TP - Theo các chuyên gia giáo dục, những đổi mới trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay được xem là tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh, giảm áp lực thi cử.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, những điểm đổi mới trong việc thi tốt nghiệp năm nay đa phần mang lại nhiều thuận lợi cho thí sinh, nhất là việc giảm số môn thi từ 6 xuống còn 4 môn và học sinh có quyền lựa chọn 2 môn trong số các môn còn lại (ngoài Văn và Toán bắt buộc).

Việc đổi mới cấu trúc đề thi cũng giúp học sinh phát huy khả năng tư duy, tránh học tủ. “Ví như môn Văn, ngoài kiến thức trong nhà trường, năm nay còn kết hợp Văn với thực tiễn xã hội, giúp các em vận dụng được tư duy nhiều hơn”, ông Đạt nói.

Ngoài ra, chuyện miễn thi tốt nghiệp cho các thí sinh khuyết tật là việc làm hay, thể hiện đúng xu hướng của thế giới là cá thể hóa việc dạy, có quy định và đánh giá riêng cho từng đối tượng, tạo sự công bằng giữa các thí sinh, động viên các em khuyết tật học tập.

Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh (Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo & bồi dưỡng giáo viên, thuộc Viện Nghiên cứu Giáo dục TPHCM), việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT đang đi đúng hướng, giúp đánh giá tốt hơn năng lực, giảm quay cóp và thể hiện được xu hướng chọn nghề nghiệp của học sinh. Bên cạnh đó, để học sinh tự chọn môn thi là cách thể hiện sự tôn trọng học sinh, mở ra một hướng mới cho thi tốt nghiệp THPT, làm căn cứ để tuyển sinh đại học, tiến đến một kỳ thi hai trong một.

Lo có sự nương tay

Nói về cách tính điểm xét tốt nghiệp có sự tham gia của điểm trung bình lớp 12, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, việc này buộc học sinh không học lệch như trước đây, đảm bảo giáo dục toàn diện, kiểm tra được chuẩn kiến thức tối thiểu của học sinh.

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, việc làm này dễ dẫn đến hiện tượng giáo viên nâng điểm hoặc chạy điểm cho học sinh trong quá trình học, trường hợp này vừa xảy ra ở một trường THPT tại TPHCM.

Ngoài ra, theo ông Anh, việc lựa chọn môn thi năm nay đang đặt ra vấn đề về chất lượng dạy và học. Ví dụ, ngoại ngữ là môn học khá quan trọng nhưng lại có rất ít thí sinh lựa chọn (chỉ chiếm 15%). Điều này bắt nguồn từ việc chất lượng dạy ngoại ngữ trong trường phổ thông chưa cao nên học sinh không hứng thú.

Riêng về môn lịch sử, cả nước có 6% thi đại học khối C nhưng có 11% chọn môn này để thi tốt nghiệp nên theo ông Hồ Sỹ Anh, cũng không hẳn là thấp.

Đổi mới phương pháp dạy và học

Theo thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, cách ra đề thi năm nay có nhiều khác biệt, đòi hỏi thí sinh phải có nhiều kỹ năng mới làm được bài. Cụ thể như môn ngoại ngữ có thêm phần viết (trước đây chỉ có phần trắc nghiệm), thí sinh phải vận dụng đủ các kỹ năng nghe - viết - đọc - hiểu.

“Trong khi đó, với cách học như hiện nay, học sinh chủ yếu chỉ nắm vững từ vựng và ngữ pháp, còn bốn kỹ năng trên chưa tốt. Vì thế, để phù hợp với cách thay đổi này, giáo viên phải hướng đến và phân định rõ bốn kỹ năng này trong quá trình giảng dạy”, ông Anh nói.

PGS.TS Hà Minh Hồng, nguyên trưởng khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, vấn đề biển Đông được đưa vào đề thi ở cả ba môn Văn, Sử, Địa là việc làm hay. Tuy nhiên, sức lan tỏa vấn đề này trong học sinh là chưa lớn bởi có rất ít thí sinh chọn thi Sử và Địa. Vấn đề này nằm ở người quản lý chứ không phải ở học sinh, bởi các em chọn môn theo sở thích và sở trường.

“Qua đây cho thấy, để lôi cuốn học sinh học Sử, Địa, cả người dạy và người học cần xác định rõ mục đích, yêu cầu của môn học, học để làm gì, học để thi hay để hiểu, bởi học Sử còn để bồi đắp thêm lòng yêu nước. Bên cạnh đó, thầy cô dạy Sử còn phải sáng tạo, kết hợp với thực tiễn chứ nếu học theo sách giáo khoa thì kiến thức không những chưa đủ mà còn gây nhàm chán cho cả thầy và trò”, PGS Hồng nói.

Bàn về cách ra đề thi năm nay, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Vân, Hiệu trưởng trường THPT Marie Curie (TPHCM) cho rằng, nếu không thay đổi phương pháp dạy và học thì học sinh khó có thể đạt được điểm khá trở lên.

Theo ông Vân, mặc dù Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn về đổi mới phương pháp dạy và học, tuy nhiên, nhiều giáo viên hiện nay vẫn ngại thay đổi, bởi thay đổi sẽ dẫn đến cháy giáo án do chưa quen, bên cạnh đó cũng phải soạn lại giáo án mới cho phù hợp.

“Nếu học theo cách truyền thống, tức là tư duy theo kiểu giáo viên giảng gì nghe nấy thì học sinh chỉ có thể đạt mức trung bình. Nhưng nếu theo cách học mới, giáo viên phải lấy học sinh làm trung tâm, trao đổi nhiều hơn trong quá trình giảng dạy, còn học sinh thì phải tìm tòi, bổ sung thêm nhiều kiến thức bên ngoài như thế mới phát triển được năng lực và tư duy”, ông Vân nói.

Thầy Lê Tấn Long, giáo viên dạy Sử (trường THPT Lý Tự Trọng, TPHCM) cho rằng, việc đổi mới cách thi lẫn cấu trúc đề thi năm nay đã tác động lớn đến cách dạy và học.

Việc để thí sinh tự chọn môn thi thể hiện sự tôn trọng học sinh, mở ra một hướng mới cho việc thi tốt nghiệp THPT, làm căn cứ để tuyển sinh đại học, tiến đến một kỳ thi hai trong một. Tuy nhiên, để làm được điều này, phương pháp dạy và học cần có nhiều thay đổi”, thạc sĩ Hồ Sỹ Anh nói.

MỚI - NÓNG