Đề thi đã chạm trái tim của mỗi người dân Việt

 Sau giờ thi môn Văn. Ảnh: Như Ý
Sau giờ thi môn Văn. Ảnh: Như Ý
TP - Thầy Nguyễn Hữu Quyền, nguyên chuyên viên môn Văn, Sở GD&ĐT Nghệ An nhận xét về đề thi tốt nghiệp môn văn.

Đề bài thực sự chạm vào chỗ sâu thẳm, thiêng liêng của triệu triệu người con Việt. Câu 1 là nỗi đau biển Đông, một phần của cơ thể Tổ quốc đang tứa máu. Là sức sống của ngôn từ mẹ đẻ. Là sự sắc bén và chất trữ tình trong phong cách ngôn ngữ báo chí- một phong cách tưởng chỉ đơn thuần thông tấn. Câu 2 là sức ám gợi của một hình tượng nghệ thuật mà sức khái quát của nó qua sự nhào nặn của Lưu Quang Vũ đã vượt qua giới hạn thời đại, ôm trọn hơi thở hôi hổi của đời sống đất nước và suy nghĩ của mỗi cá nhân - con người hôm nay: Hồn Trương Ba.

Với câu 1, đề thi đã kiểm tra được những điều rất cơ bản. Yêu cầu thứ nhất là vấn đề cuộc sống có tính thời sự; yêu cầu thứ hai là đề một mặt thể hiện được khả năng biểu đạt của ngôn ngữ, trong đó có ngôn ngữ báo chí, mặt khác kiểm tra được kỹ năng của học sinh trong đó có kỹ năng sử dụng tiếng Việt; yêu cầu thứ ba thì sát với yêu cầu kiến thức kỹ năng chương trình, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Tất nhiên cũng có một số vấn đề được đặt ra trong việc ra đề ở câu 1. Văn bản được chọn làm chất liệu chưa thật tiêu biểu cho văn bản thuộc phong cách báo chí. Tầm vĩ mô thì tốt rồi, nhưng đi sâu vào tiểu tiết, đứng ở góc nhìn học thuật thì cần phải xem xét thêm. Chẳng hạn cách dùng một số từ, một số khái niệm mang tính chuyên môn (“vùng đặc quyền kinh tế”, “vùng tài phán”.v.v…), nếu xét ở góc độ văn bản luật thì dùng chưa thật chuẩn, chưa thật mĩ mãn...

Cô Phạm Hà Thanh, giáo viên Văn Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông, Hà Nội:

Nhiều người nói đề Văn năm nay dễ nhưng tôi không thấy dễ, đặc biệt là câu 2. Câu 1 thì quả là dễ, hầu hết các em sẽ làm được, cho dù khó được trọn vẹn 3 điểm nhưng phần lớn sẽ đạt từ 2 điểm trở lên. Các câu hỏi nhỏ rõ ràng, không đánh đố. Đặc biệt với yêu cầu viết một đoạn nghị luận xã hội thì hầu hết học sinh đã sẵn sàng vì đó là vấn đề nóng bỏng, trong quá trình ôn tập các em đều được chuẩn bị tốt.

Về kiến thức, phong cách ngôn ngữ là nội dung các em được học ở lớp 12. Nội dung trả lời câu hỏi của đề ra học sinh hoàn toàn có thể trả lời được khi bám vào ngữ liệu trong văn bản mà các em được cung cấp. Các từ mà đề ra yêu cầu học sinh phân tích hiệu quả diễn đạt đều là những từ rất quen thuộc, các em sẽ làm được dễ dàng. Dù có ý kiến nọ ý kiến kia nhưng tôi thấy nội dung văn bản đó khá dễ hiểu đối với học sinh lớp 12.

Nhưng với câu 2, tôi có một chút băn khoăn về mức độ yêu cầu đối với học sinh thi tốt nghiệp THPT. Câu này mà dành cho thí sinh thi ĐH thì quả là rất hay. Nó khó bởi trước hết ngữ liệu được nêu là văn bản kịch – một thể loại không mấy quen thuộc với học sinh THPT. Với các em, truyện ngắn, văn xuôi, thơ thì quen thuộc hơn nhiều. Vấn đề đặt ra trong vở kịch là một vấn đề rất hay nhưng khó so với sự hiểu biết của tầm tuổi học sinh phổ thông.

Theo thầy Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Trần Côn (Huế):

Đề Văn năm nay tiếp tục xu hướng theo cách ra đề mở những năm gần đây của Bộ GD&ĐT trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đề hay, bám sát tính thời sự, đề cập đến những sự kiện nóng hổi của vấn đề biển Đông, quốc gia và cả khu vực mà cụ thể là việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trên vùng biển Việt Nam. 3 câu hỏi phụ không quá khó, đánh đố, từ cách nhận diện phong cách văn bản, ngôn ngữ, cách dùng từ (được đánh dấu gạch chân).

Đặc biệt, câu thứ 3 yêu cầu thí sinh trình bày cảm nghĩ của mình, là cách khơi gợi nhận thức, hành động đúng của người trẻ về biển đảo, qua đó góp phần định hướng cho thí sinh trước hàng loạt các xu hướng thông tin của vấn đề này, để các em hiểu đúng, phát ngôn đúng. Câu hỏi 7 điểm, năm nay đề có sự đổi mới, mang tính nhân văn nhằm giáo dục nhân cách cho học trò trong cuộc sống hiện đại.

“Tại sao Liên Hợp Quốc xác định một trong những nguyên tắc hoạt động là giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình? Từ nguyên tắc này, hãy liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay” – Trích đề thi tốt nghiệp THPT môn Sử.

MỚI - NÓNG