Cầu kì như chơi hoa thuỷ tiên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nguyễn Đức Dũng chơi hoa thuỷ tiên đã 10 năm có lẻ. Càng chơi lại càng say. Chơi hoa thuỷ tiên được gì? Tôi hỏi. Thư pháp gia đình đám một thời đáp: “Thú vị lắm, nhất là ở quá trình nuôi dưỡng”.

Kỳ cạch gọt củ thủy tiên, chăm bẵm để nó ra bông hoa đầu tiên mất trung bình khoảng 20 ngày, cầu kỳ hơn những loài hoa tết khác. Thế mà thú chơi này lại đang hấp dẫn không chỉ thư pháp gia 7x. Hình như ở thời 4.0 người ta lại thèm sống chậm, thèm những mùa “ăn tết thủy tiên” trong quá khứ.

Đẹp đủ đường nhưng không dễ “chiều”

Tới thăm tác giả cuốn sách “Quán Thánh” trong một tối Hà Nội mưa nhẹ. Dũng đưa tôi tới không gian an tĩnh nằm trên tầng 4. Nơi đây, anh chỉ sử dụng để đọc sách, thưởng trà và chơi hoa thuỷ tiên. Mới 13 tháng 1 dương lịch, đã thấy hai bát thuỷ tiên khoe sắc hương dịu dàng, thanh khiết. Nhìn ra ngoài ban công, tôi còn thấy mấy bình thuỷ tiên đang đợi trổ hoa.

Khi tôi trầm trồ trước một bình thủy tiên có bộ rễ trắng đẹp mắt, thành viên nhóm thư pháp Tiền Vệ nổi tiếng một thời liền hào hứng: “Thuỷ tiên đẹp đủ đường. Hoa đẹp, rễ đẹp, củ cũng đẹp. Nếu được chăm tốt, càng lâu ngày rễ càng trắng phau”. Nhìn nước trong bình đựng thuỷ tiên trong vắt tôi biết anh chăm hoa cỡ nào: “Mỗi ngày tôi thay nước hai lần. Lần đầu vào buổi sáng trước khi tôi đi làm. Lần thứ 2 vào buổi tối trước khi tôi đi ngủ”.

Thủy tiên đặc biệt kén nước: “Nước máy nhiễm sắt, nhiễm phèn khi dưỡng sẽ khiến củ bị vàng”, Dũng giải thích. Anh hay dùng nước sau lọc có thể uống ngay mà không cần đun sôi để nuôi thủy tiên: “Muốn rễ đẹp phải trên 20 ngày. Và khi gọt cũng cần cẩn thận không được làm tổn thương rễ”, thư pháp gia “bật mí”.

Gọt thủy tiên cần tập trung, tĩnh tâm, không thể làm việc này trong cảnh con khóc, vợ la, hàng xóm khoan đục. Hà Nội đất chật, người đông, dù muốn thưởng thức thuỷ tiên dịp tết Nguyên Đán song không phải ai cũng có không gian thích hợp dành cho thú chơi cầu kỳ.

Có người nói, chơi thủy tiên khó nhất ở khâu gọt củ, Nguyễn Đức Dũng không đồng tình. Dụng cụ gọt củ có giá khoảng 200 ngàn đồng, khá dễ chịu. Gọt củ cũng không mất nhiều thời gian.

Thành thục như Nguyễn Đức Dũng mất tối đa khoảng nửa tiếng cho một củ thủy tiên: “Nếu nắm được quy tắc thì không mất công. 30 phút để gọt củ không thấm tháp gì so với công uốn nó, nắn nó, chăm sóc nó, chờ 20 ngày sau mới nở ra hoa”, Dũng nói.

“Đánh toạ độ” để hoa nở giao thừa

Với người chơi thuỷ tiên, nguồn củ rất quan trọng. Nguyễn Đức Dũng thừa nhận, năm nào anh cũng đau đầu về nguồn củ. Củ thủy tiên để ra hoa đẹp ít nhất phải có 3 năm tuổi. Người chơi thủy tiên ở Việt Nam thường thích củ dẹt, không thích củ tròn. Vì củ tròn có quá nhiều mầm bên trong. Nhưng củ dẹt không dễ kiếm. Theo Nguyễn Đức Dũng, trong 1 vạn củ chỉ có 400-500 củ dẹt.

Ở Hà Nội có một vài địa chỉ cung cấp nguồn củ thủy tiên tiên uy tín. Một người ở làng Nghi Tàm, chuyên cung cấp thủy tiên cho người làng làm hoa tết bán hàng chợ. Phục vụ nhu cầu chơi thủy tiên mùa tết anh nhập khoảng vài vạn củ. Một địa chỉ khác, là một người chơi thủy tiên ở bờ sông Sét.

Người này sang tận Trung Quốc đặt hàng theo mẫu, đặt loại củ dẹt. Nguyễn Đức Dũng chia sẻ: “Những người buôn hoa thủy tiên thường không chỉ buôn duy nhất loại hoa này mà họ nhập từ Trung Quốc về nhiều loại hoa khác”.

Vì đã quen nhập hoa từ Trung Quốc với số lượng lớn nên họ có kinh nghiệm và “quyền lực” nhất định để yêu cầu phía bên kia cung cấp theo đơn đặt hàng. Có người nói, muốn mua gì lên mạng xã hội có ngay. Nhưng riêng với thủy tiên, những người chơi lâu năm đều không “dại” ký thác niềm tin qua mua bán trên mạng.

Cầu kì như chơi hoa thuỷ tiên ảnh 1
Thuỷ tiên là loài hoa hương sắc

Một thùng thủy tiên thường có 12 củ, tuỳ theo cỡ củ mà ra giá tiền. Nguyễn Đức Dũng mua củ to, kích thước 26 cm x 28 cm, giá 110 ngàn đồng/củ: “Củ to hoa đẹp hơn, nhiều hơn, to hơn”, anh nói. Thủy tiên có màu vàng, màu trắng, có hoa đơn, hoa kép, là loài hoa có sắc, có hương, thập phần thu hút. Tôi tham gia vài hội, nhóm chơi thuỷ tiên, thấy lượng thành viên đông vui, tấp nập.

Nhưng thư pháp gia cho biết, số người thích chơi thì đông mà người theo đuổi được thú chơi này lại không nhiều. Bởi thủy tiên đòi hỏi chủ nhân của nó chăm sóc tỉ mỉ, kỳ công: “Chơi trò này mệt lắm”, Nguyễn Đức Dũng đánh giá. Theo quan sát của anh, lý do chủ yếu khiến người ta không trụ được với thú chơi thuỷ tiên vì không đủ kiên nhẫn, tỉ mẩn : “Có người chơi may mắn 1,2 năm đầu đã có hoa ngay. Có người làm mãi không thành công cũng nản. Có người bạn cùng học khoa Hán Nôm với tôi ngày trước phá cả thùng củ nhưng vẫn thất bại”. Các hội, nhóm chơi thuỷ tiên thường truyền kinh nghiệm, bí kíp để những người mới vào cuộc nắm bắt.

Cũng có những khoá học chơi miễn phí hoặc mất tiền. Nhưng kể cả nắm chắc lý thuyết đến khi thực hành vẫn lơ mơ. Thư pháp gia nhìn nhận: “Thú chơi này cũng có những kỹ thuật không dễ chinh phục. Có người mang củ về gọt, gọt ra lại chẳng biết làm gì ở bước tiếp theo. Cho nên, hoa lên thẳng như hành, không như ý được. Khi gọt ra phải biết tác động vào chỗ nào, không biết tác động chỉ tốn công vô ích”.

Cầu kì như chơi hoa thuỷ tiên ảnh 2

“Ăn tết thuỷ tiên”

Thuỷ tiên là hoa của ngày tết nhưng mỗi người chơi lại “phù phép” cho hoa nở ở những thời điểm khác nhau. Nguyễn Đức Dũng chỉ thích hoa nở vào giao thừa. Đây là “bài toán” khó, nên anh phải dò trước tình hình để tìm ra loại củ thuỷ tiên phù hợp “đánh trận cuối”: “Tôi gọt trước 1 đến 2 đợt. Đợt 1 làm vào mồng 2 tháng 12 dương lịch. Đợt sau làm mồng 10 tháng 12 dương lịch, sau hơn một tuần. Thông thường khoảng 20 ngày gọt củ thì hoa nở, có khi 21 ngày, 22 ngày hoa mới nở”.

Tuy nhiên vẫn có trường hợp cá biệt. Thư pháp gia chỉ vào củ đang đặt ngoài ban công, giới thiệu: “Củ này gọt hôm mồng 10, 1 tháng không nở hoa nhưng cũng sắp nở rồi”. Củ non nên hoa nở muộn. Biết thế nhưng Nguyễn Đức Dũng vẫn muốn trải nghiệm. Tôi hỏi: “Săn thuỷ tiên đúng đêm giao thừa, có bao giờ trượt?”. Thư pháp gia tự tin: “Gần như ít trượt. Gần ngày đó tôi đánh toạ độ kiểu bom rải thảm. Trung bình khoảng 20 ngày hoa nở, tôi cứ tập kích 18 ngày, 20 ngày, 22 ngày, thế nào cũng trúng”.

Nhưng không phải ai cũng muốn thủy tiên nở đúng thời khắc chuyển giao năm cũ, năm mới. Có những người thích mồng 1 hoa nở tưng bừng thì phải chọn thời điểm gọt thủy tiên khác đi: “Giao thừa bắt đầu nở bông đầu tiên thì mồng 1 chưa tưng bừng được, có khi phải mồng 3 tết mới tưng bừng”, người chơi thủy tiên hơn 10 năm dự đoán.

Cầu kì như chơi hoa thuỷ tiên ảnh 3

Khi hoa chưa nở

Chơi thủy tiên mang lại cho Nguyễn Đức Dũng cảm giác sung sướng: “Mình áp đặt, điều khiển được nó, muốn cao là cao, muốn thấp là thấp, muốn nở ngày nào là nở ngày đó. Cảm giác sung sướng không phải đến trong một phút, một giây mà là cả quá trình nuôi dưỡng chờ hoa nở”.

Không ít người đề nghị “ông đồ” bán hoa thủy tiên dịp tết nhưng đều bị từ chối: “Người ta chỉ hỏi hoa này bền không? Tôi đáp: Chỉ độ 7-10 ngày. Người ta bình luận: Chỉ ít ngày thế thôi sao? Mà không hỏi: Sao thuỷ tiên đẹp thế, thơm thế. Tôi nghĩ đã đẹp thì kể gì thời gian tồn tại ngắn hay dài?”.

Theo Nguyễn Đức Dũng, ở trên thị trường hoa tết hiện nay có nhiều người bán thuỷ tiên kiểu vươn thẳng như khóm hành lá, giá khoảng 250 ngàn đồng/bát. Còn loại thuỷ tiên thấp và uốn không có giá cố định, dao động trong khoảng 300 ngàn đồng đến cả triệu đồng: “Tôi không bán vì không biết bán giá bao nhiêu cho vừa. Một củ thuỷ tiên đã tốn hơn trăm ngàn đồng còn công chăm 20 ngày nữa”. Mà biết đâu, đến khi dính vào “hơi đồng” thì thuỷ tiên của Nguyễn Đức Dũng không còn đẹp? Anh đã nói: “Ồn ào hỗn tạp không chơi được thuỷ tiên”. Chơi hoa như cái thú khác với chăm hoa để kiếm tiền.

Theo lối các cụ nhà mình

Ở Trung Quốc, người ta thích củ tròn, vì họ không gọt chỉ bẻ ra trồng vào chậu để chúng lên như hành. Nhưng cũng có người chơi có “võ công” cao lại thích tạo hình thuỷ tiên thành những con vật như con chim, con voi… Nguyễn Đức Dũng chọn chơi thuỷ tiên thuần Việt: “Tôi theo lối các cụ nhà mình. Đọc “Ăn tết thuỷ tiên” của cụ Vũ Bằng tôi bị mê”.

Thuỷ tiên còn kén cả thời tiết. Khi độ ẩm cao củ dễ bị hỏng. Hiện nay cũng có một số cách để bảo vệ thuỷ tiên trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Có người dùng hoá chất có tác dụng kháng khuẩn, sát khuẩn hoà vào nước để rửa củ, hoặc phun vào củ, ngâm củ… Nhưng Nguyễn Đức Dũng đều từ chối những cách này, anh dùng phương pháp lành mạnh, kế thừa từ truyền thống chơi hoa của người xưa: Giữ gìn vệ sinh cho hoa, bằng cách thay nước sạch, ngày 2 lần. Thư pháp gia cũng không dùng bất cứ loại thuốc dưỡng hoa nào để giữ hoa lâu tàn.

MỚI - NÓNG
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
TPO - Đề văn của một trường THPT tại TPHCM ra yêu cầu ngắn gọn: "Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay". Một số phụ huynh nhận định đề thi thú vị, mang tính thời sự. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng từ "phông bạt" xuất hiện trong đề thi là không phù hợp.