Thế giới 'tội phạm nhí' (Phần 2):
Cậu bé lưng gù và cú đẩy oan nghiệt
> Phần 1: Cái giá của ý thích tự lập khi quá trẻ
Chiếc áo sọc rộng thùng thình giúp Huy che đi khuyết tật của bản thân nhưng khi nhắc lại quá khứ, em chỉ khóc. Chỉ một phút nóng giận vì bị bạn bè trêu ghẹo quá mức, Huy đẩy một cậu học sinh ngã từ hè xuống sân khiến bạn chết vì chấn thương sọ não.
Các trại viên đang cải tạo lao động. |
Trọng án bắt nguồn từ cái lưng gù
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Văn Huy luôn bận tâm tới một điều không dễ thổ lộ nhưng ai cũng nhìn thấy, đó là chiếc lưng có cục của mình. Cũng vì cái lưng này mà mặc dù rất muốn đi làm thêm phụ giúp cha mẹ song Huy không thể thực hiện được, bởi chẳng ai muốn mướn một người gầy yếu lại gù như Huy làm việc.
Huy cũng không thể giúp cha mẹ trong việc đồng áng nên những ngày mùa màng, em chỉ có thể ở nhà cơm nước dọn dẹp. Nhiều lần đi làm đồng về mệt nhọc, các anh chị của em đã buột mồm trách mắng đứa em tật nguyền. Những lúc ấy Huy chỉ biết chui vào một xó xỉnh nào đó mà khóc.
Đã rất nhiều đêm em ao ước được lành lặn như mọi người chứ không cần ước có nhiều quần áo đẹp hay bữa ăn ngon. Bị mọi người trêu đùa khiến Huy luôn sống trong tâm trạng khép kín. Nhưng, Huy càng muốn giấu đi cái khiếm khuyết của mình thì cái lưng gù mỗi ngày càng lộ ra trên cơ thể còi cọc.
Đám bạn cùng lứa lại không chịu để cậu yên trong "vỏ ốc". Bạn bè trêu chọc, Huy chỉ biết khóc nhưng những lúc bị trêu quá đà, Huy đã đáp trả bằng những trận đánh nhau mà kết quả là lần nào em cũng thua bởi sức yếu.
Trong một lần bị bạn bè trêu ghẹo quá mức, không kiềm chế nổi, Huy đẩy một cậu học sinh ngã từ hè xuống sân. Ai dè đêm ấy cậu học sinh kia đã chết vì chấn thương sọ não.
Nghe tin bạn chết, Huy chạy trốn sang nhà bà ngoại, trong đầu cứ vơ vẩn nghĩ sẽ lấy cái chết đền tội cho bạn. Rất may là Huy chưa kịp thực hiện ý định rồ dại ấy thì bị bắt khi đang ngồi khóc ở bờ sông.
Sau hôm đó, những ngày ở trại tạm giam, nghĩ đến cái chết của bạn, nghĩ đến chuyện có thể mình sẽ bị xử bắn vì làm chết người, Huy sợ hãi rồi rơi vào hoảng loạn. Nhiều đêm em không tài nào ngủ được, cứ ngồi nhìn chằm chằm vào đôi bàn tay gầy guộc của mình, không hiểu nổi tại sao lúc đó nó lại có sức mạnh đẩy chết một người bạn to khoẻ.
Thời gian qua đi, tâm hồn một đứa trẻ tật nguyền như Huy dần lấy lại thăng bằng. Huy không còn than thân trách phận nữa và bắt đầu ăn ngủ được.
Từ ngày vào trại giam Thanh Phong thi hành án 3 năm tù của mình, được các quản giáo động viên, giải thích, Huy đã dần hiểu ra, không còn tự làm khổ mình như trước nữa. Nụ cười tuy rất hiếm hoi nhưng đã xuất hiện trên khuôn mặt già trước tuổi của em. Huy bảo do nơi em cải tạo cùng tỉnh nên vài tháng gia đình em lại tới thăm.
Quà thăm nuôi nhà nghèo chỉ vài củ khoai, ít mắm khô nhưng em rất vui vì nó thể hiện tấm lòng của bố mẹ, anh chị với mình. Huy bảo lần đầu nghe thông báo có người nhà thăm gặp, cả đêm em đã không dám ngủ vì háo hức.
Huy cứ đoán già đoán non là ngày mai ai trong gia đình sẽ tới thăm mình. Những ngày ở nhà, thi thoảng cãi cọ với các anh chị em, Huy thường bị mọi người mang cái lưng gù của mình ra trêu chọc nhưng bố mẹ không can thiệp nên cậu nghĩ chắc chỉ có mẹ hay bố tới thăm.
Cậu đã bất ngờ khi thấy anh trai, người hay mắng Huy nhất lại là người anh đầu tiên trong gia đình tới thăm. Gặp nhau, hai anh em chỉ khóc và xin lỗi lẫn nhau khiến mẹ em nghẹn ngào không nói được lời nào. Lúc ấy Huy mới hiểu anh trai rất thương mình chứ không ganh ghét, tị nạnh như những lời anh ấy nói.
Nhắc đến anh, Huy toét miệng cười để lộ hai hàng răng đều tăm tắp. Được tôi khen có cái miệng cười duyên và đôi hàm răng trắng bóng, Huy hồ hởi ra mặt. Em khoe từ ngày vào trại, được cán bộ sắp cho làm ở đội đan lát.
Nhiệm vụ của em là chắp những sợi bèo tây đã phơi khô thành một khối sao cho khi hình thành là một chiếc hộp. Ngày mới vào nhận việc, nhìn các anh chị phạm nhân thoăn thoắt tay đan, Huy nghĩ mình không thể làm được vì quá khó không ngờ em học rất nhanh.
Giờ đây mỗi ngày em có thể làm xong được một chiếc hộp có hình khối lớn bằng bèo tây. Huy bảo lúc đầu em thấy hoảng và sợ ngứa nhưng khi bắt tay vào việc rồi thì thấy không sao cả. Sợi bèo tây như điều khiển tay em vào vị trí chứ không phải em cố uốn chúng vào nếp nữa.
Giáo dục là một quá trình...
Thượng tá Lê Doãn Toàn, Phó giám thị trại giam Thanh Phong cho biết, phân trại 3 do anh quản lý có 7 trẻ vị thành niên cải tạo lao động về các tội danh cướp tài sản, giết người, hiếp dâm, bán ma túy.
Những đứa trẻ này có ưu điểm là nhận thức nhanh nên khi học việc không mất nhiều thời gian nhưng lại hay vi phạm nội quy vì tính hiếu động, cư xử bồng bột. Chính vì thế mà việc giáo dục nhóm phạm nhân này tuy có vẻ nhàn nhưng thật ra rất vất vả vì phải để mắt thường xuyên.
Các quản giáo phải thường xuyên gặp gỡ, nhắc nhở, giao trách nhiệm cho các phạm nhân lớn tuổi, kèm cặp các em trong việc học nghề, thực hiện các nội quy của trại.
Với Huy cũng thế, mặc dù gầy gò, ít nói nhưng Huy lại có "độ lỳ" riêng, đó là tính nghịch ngầm và có những hành động bột phát, đôi khi là mất kiểm soát.
Nói như Thượng tá Lê Doãn Toàn thì "trại giam là nơi chỉ phần nào rèn giũa, giáo hóa các em, để các em có thể ăn năn hối cải, làm lại cuộc đời mình. Quan trọng nhất là mỗi gia đình hãy có trách nhiệm hơn trong việc dạy dỗ con cái, giúp các em vượt qua lần vấp ngã này để sống tốt đẹp hơn. Rồi thời gian sẽ xóa dần tội lỗi nhưng tương lai các em đã hoàn toàn thay đổi kể từ ngày vướng chân vào tù tội". |
Ngày đầu giáo dục Huy rất vất vả bởi từ nhiều năm nay cậu sống khép kín, ít giao tiếp, trò chuyện nên để Huy hoà nhập được với mọi người là cả một quá trình.
Từ động viên, giải thích để "khai thông" tư tưởng đến việc giao cho em quán xuyến việc ăn ở, vệ sinh của mọi người cùng buồng giam,… là biện pháp mà quản giáo đã làm để giúp Huy lấy lại tự tin trong cuộc sống.
Nhìn dáng em khi quay vào nơi làm việc, tôi thầm nghĩ có lẽ sau gần 2 năm vào trại giam, được các quản giáo uốn nắn, giờ Huy không còn thái độ rụt rè, đôi mắt thiếu tự tin như trước nữa.
Mong sao ngày trở về, Huy sẽ bớt đi mặc cảm mỗi khi có ai đó vô tình hay cố ý nói về cái lưng gù của mình để có cách xử sự khôn khéo hơn, bước tiếp con đường đang dang dở.
Phần 3: Trượt dài theo nghề ma tuý của cha mẹ
Theo Thu Nguyễn - Lan Anh
Pháp luật&Xã hội