Công an TP Hà Nội vừa tổ chức hội nghị sơ kết kế hoạch “Tổng kiểm tra, tập trung xử lý các điểm, tụ điểm phức tạp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép và các vi phạm về đê điều trên địa bàn thành phố”.
Nhức nhối
Theo báo cáo của Công an Hà Nội, từ tháng 3/2015 - 3/2016, có 202 đối tượng khai thác cát trái phép bị xử lý; 185 tàu thuyền các loại cùng nhiều máy móc bị tạm giữ, tịch thu; số tiền xử phạt hành chính lên đến hơn 2,6 tỷ đồng. Mặc dù các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực song việc xử lý “cát tặc” còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt kết quả như mong muốn.
Thông tin tại hội nghị, đại tá Doãn Hữu Châu, Trưởng phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Công an Hà Nội cho biết, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi quy luật, phương thức hoạt động, thường lợi dụng vào các ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ để bơm hút cát trái phép. Thời điểm thực hiện hút trộm cát vào ban đêm, rạng sáng để tránh sự kiểm tra, thậm chí các đối tượng còn thuê người cảnh giới từ xa, khi thấy bóng lực lượng chức năng, các tàu hút trộm cát nhanh chóng rút thiết bị bỏ chạy sang địa bàn các tỉnh giáp ranh...
Một số đại biểu đại diện các sở, ngành tham gia hội nghị còn cho rằng, trên nhiều tuyến sông giáp ranh ở Hà Nội, một số tổ chức, doanh nghiệp thường lợi dụng giấy phép khai thác cát dưới lòng sông được các địa phương như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Nguyên cấp để khai thác trái phép lấn sang địa phận Hà Nội. Một số đối tượng lợi dụng việc thi công các công trình trên sông, nạo vét chỉnh, trị luồng, thanh thải chướng ngại vật dưới lòng sông để khai thác tài nguyên cát, sỏi trái phép.
Hàng trăm bến bãi hoạt động không phép
Mặt khác, việc cấp phép khai thác khoáng sản, nạo vét luồng lạch của các cơ quan trên cùng địa bàn còn chưa thống nhất, có doanh nghiệp chỉ được UBND TP Hà Nội cấp phép cho sử dụng 3 phương tiện (tàu hút, tàu cuốc, sà lan) và khai thác 600m3/ngày nhưng Cục Đường thủy nội địa lại cấp thêm cho họ 4 phương tiện khai thác, không thống nhất với giấy phép của UBND TP Hà Nội.
Qua kiểm tra, Phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường xác định trên địa bàn Thủ đô có 220 bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng đang hoạt động nhưng có tới 175 bãi không được cấp phép hoặc cấp phép sai thẩm quyền. Các bến bãi không phép này chủ yếu hình thành từ việc UBND cấp xã, phường, HTX nông nghiệp cho các chủ bãi vật liệu thuê thầu. Hiện hầu hết các hợp đồng thuê đất đã bị huỷ song công tác quản lý nhà nước về sử dụng đất đai, quản lý bảo vệ đê điều của chính quyền cấp xã, huyện còn buông lỏng, việc kiểm tra không được tiến hành thường xuyên và các vi phạm không được xử lý triệt để vì vậy còn tồn tại nhiều bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu
xây dựng.
Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng yêu cầu các sở, ban ngành cũng như chính quyền địa phương phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tăng cường phối hợp, kiên quyết xử lý các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và đặc biệt là hành vi khai thác tài nguyên trái phép. Ông Hùng cũng tin tưởng trong thời gian tới, Công an Hà Nội sẽ tiếp tục là đơn vị chủ công trong công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm, trong quá trình triển khai, thực hiện, nếu có vướng mắc, UBND TP sẵn sàng hỗ trợ, xin cơ chế đặc thù cho Công an Hà Nội hoạt động nhằm đạt được kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, UBND TP sẽ có văn bản đề nghị các bộ có liên quan phối hợp xử lý nghiêm những vi phạm này.